Xôn xao mùa cưới

CSVN – Theo quy luật của đất trời, rồi rộn ràng mùa cưới lại về. Từ nhiều năm nay, việc tiết kiệm, tự túc đã trở thành nét tiến bộ, văn hóa của những đôi vợ chồng trẻ nơi miền nhựa trắng…
Vợ chồng Thổ Phương-Điểu Thị Oanh ở NT Bình Lộc, Đồng Nai. Ảnh: Nhân vật cung cấp (
Vợ chồng Thổ Phương-Điểu Thị Oanh ở NT Bình Lộc, Đồng Nai. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bốn năm vun đắp một tình yêu

Năm 2009, khi đang còn là một sinh viên Trường Trung cấp Lâm nghiệp Đồng Nai, thỉnh thoảng vào những ngày không có tiết học, Lê Thị Thúy vẫn ra lô phụ mẹ là bà Dương Thị Ngoan, công nhân cạo mủ Tổ 16 NT Long Hòa, Dầu Tiếng. Lúc ấy, cạo cùng tổ có chàng thợ trẻ Trần Văn Tình. Thấy cô gái dễ thương, xinh xắn, chàng trai “chưa mảnh tình vắt vai” tranh thủ làm quen. Cái sự “tranh thủ” ấy nó kéo dài đến hai năm, nào là chỉ cho cô cách cạo đúng quy trình kỹ thuật, nào là chỉ cách đặt máng, chén thế nào cho mủ chẳng rơi vãi ra ngoài, rồi đến trút mủ, chuyển mủ phụ cho bác Ngoan…

Cho đến năm 2011, anh thợ ngỏ ý và cô gái đã nhận lời. Qua năm 2012, khi học xong thì cô cũng xin vào làm công nhân cao su ở Tổ 16. Và mãi đến năm 2015, sau hơn 4 năm chính thức yêu nhau thì họ mới tính đến đám cưới. Bởi, “Phải lo làm trước đã để cơ bản có được những cơ sở ban đầu cho một mái ấm gia đình, vì sống với nhau không phải chỉ một vài năm mà là cả đời”, đôi bạn bộc bạch. Đây là những suy nghĩ rất chín chắn và đáng trân trọng của đôi bạn trẻ.

Mấy năm gần đây, mủ cao su mất giá, thu nhập của gia đình tụt giảm, nên Thúy-Tình thống nhất phải tiết kiệm tiêu xài để có tiền tự túc lo đám cưới, góp phần giảm bớt khó khăn cho ba mẹ. Để rồi trong ngày cưới được tổ chức gộp lại một ngày bên nhà đàng gái, họ cũng có được 35 bàn đãi bạn bè. Chủ yếu thì là công nhân cao su và bà con chòm xóm. Tổ 16 hầu như chẳng thiếu mặt ai, từ Tổ trưởng Nguyễn Thị Điệp đến bạn bè cùng trang lứa như Vũ Đức Trung, Phạm Thị Thúy…Với mỗi bàn tiệc 1, 6 triệu đồng là cũng khá tươm tất, lại thêm nhiều bia, cũng chẳng thiếu rượu cho những vị chỉ ưa uống “nước mắt quê hương” nên không khí bữa tiệc rất “bốc”!Gia chủ còn thuê một ban nhạc sống từ làng 5 Dầu Tiếng qua đàn, hát phục vụ. Sôi nổi nhất vẫn là những tiết mục “cây nhà lá vườn” của những bạn bè công nhân chân chất.

Cô dâu Lê Thị Thúy nói với tôi: “Vợ chồng em được cái rất đồng lòng, luôn sẵn sàng cùng nhau chia sẻ những khó khăn, hướng tới phía trước chứ không thụ động rồi cắn đắng lẫn nhau. Cuộc sống có khi thuận lợi thì cũng có lúc khó khăn, thuận vợ thuận chồng thì nhất định sẽ vượt qua được”. Câu nói của cô khiến tôi liên tưởng tới một câu danh ngôn của nhà văn Pháp Saint Exupéry: “Yêu nhau không phải là nhìn nhau mà là cùng nhìn về một hướng!”.

Cùng đi trên con đường hạnh phúc

Ở Nông trường Bình Lộc, Tổng Công ty Cao su Đồng Nai có một xóm của người dân tộc Châu Ro với 272 hộ, gần 1.000 nhân khẩu, trong đó có tới hàng trăm người là công nhân nông trường và con em, gia thuộc. Bà con làm nhà đất, vách tre, sống ven theo một con đường đất đỏ xuyên qua trung tâm xóm dài khoảng 2 km, đêm về khắc khoải cùng ánh đèn dầu tù mù. Năm 1991, Nông trường Bình Lộc xây dựng nhà cấp 4 cấp cho bà con công nhân Châu Ro. Rồi đến năm 2.000 thì kéo điện về, song song đó là trải nhựa cả con đường “chiến lược” vắt qua xóm Châu Ro.

Từ ấy mọi sinh hoạt của bà con Châu Ro được nâng cấp, ti vi, xe máy theo về. Có nhiều hộ khá còn sắm được cả tủ lạnh, máy giặt… Có một đặc điểm rất đáng chú ý là từ khi có đường nhựa, bà con đã dùng làm nơi sinh hoạt cộng đồng, những đám lễ, tiệc được bày bàn ghế ra suốt hai bên đường, vừa rộng rãi thoáng mát, vừa rất tiện trong giao lưu. Mọi người dần thỏa thuận với nhau, hễ nhà ai có đám thì được tạm “chiếm hữu” con đường, cứ luân phiên hết nhà này đến nhà khác. Con đường nghiễm nhiên đã trở thành tài sản chung của cộng đồng, được bà con đặt tên là “Con đường hạnh phúc”.

Tôi biết được những thông tin trên là từ anh Thổ Nơi, 58 tuổi, hiện đang là “Già làng” của xóm Châu Ro. Tôi được gặp anh Thổ Nơi khoảng 20 năm trước, khi đó anh đang còn là một công nhân, một thợ giỏi luôn vượt chỉ tiêu khai thác hàng năm của NT Bình Lộc. Thời gian thấm thoát thoi đưa, giờ gặp lại thì anh đã nghỉ hưu, rồi được bà con tín nhiệm bầu làm Già làng. Anh cười ha hả: “Con đường hạnh phúc được xoay tua miết rồi cũng tới nhà mình. Mình đã tổ chức tiệc cưới cho con trai Thổ Phương. Vợ nó là Điểu Thị Oanh, cũng là dân cùng xóm. Bọn trẻ quen nhau từ nhỏ, rồi ưng cái bụng lúc nào không hay!”.

[stextbox id=”stb_style_259398″ caption=”Sẻ chia cần thiết”]Sau thời gian tìm hiểu, yêu thương và tin tưởng, nhiều đôi bạn trẻ đã quyết định “góp gạo thổi cơm chung”. Cái thuở ban đầu về chung sống với nhau thường rất hạnh phúc, rất lãng mạn, rất bay bổng, rất ngọt ngào… Nhưng hãy nhớ để có thể chung sống cùng nhau lâu dài, cơ bản nhất là phải biết thuận lòng chia sẻ, như cha ông ta từng nói “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”. Sự chia sẻ, nhất là ở những cặp vợ chồng trẻ là điều rất đáng ghi tâm. Bởi trước mắt chúng ta vẫn đang là bao thách thức của cuộc đời…[/stextbox]

Chú rể Thổ Phương hiện đang là công nhân Đội cưa xẻ cây cao su thanh lý, còn cô dâu Điểu Thị Oanh là công nhân Xí nghiệp Bon Sung (Hàn Quốc), trụ sở đóng tại huyện Trảng Bom, Đồng Nai. Anh Thổ Nơi cười: “Chúng ưng nhau từ lâu rồi, nhưng cũng tính phải có công ăn việc làm ổn định rồi mới lập gia đình, chứ về nhà để cha mẹ phải lo hết thì chẳng xuể”.

Vì là Già làng nên Thổ Nơi đương nhiên… quen hết cả làng! Vì thế mà khi tổ chức đám cưới làm tới 75 bàn! Bàn xếp dài hai bên con đường hạnh phúc, khách mời tấp nập về chẳng sót một ai! Mỗi bàn tiệc tính luôn rượu, nước ngọt (cho phụ nữ) chỉ khoảng 1,2 triệu đồng là tiết kiệm mà vẫn khá đầy đủ. Cô dâu, chú rể cười: “Mới đầu thì chúng cháu cũng định thuê xe hoa, nhưng ngẫm lại, nhà ở gần nhau cùng trên một con đường, thôi thì miễn khoản này để tiết kiệm chi phí. Vả lại cùng với bà con hai bên, cô dâu chú rể nắm tay nhau cùng bước đi trên Con đường hạnh phúc cũng thú vị lắm!”.

Đám cưới cũng mời ban nhạc, cũng có MC giới thiệu xôm tụ. Rồi ngoài phần biểu diễn của ca sĩ thì khách mời là người dân tộc Châu Ro, người Kinh cũng đăng ký hát ào ào! Rất vui, rất hồn nhiên nhưng cũng rất trật tự, rất văn hóa.

Anh Thổ Nơi tỏ ra rất vui: “Bà con Châu Ro mình giờ đã đổi đời rồi, cuộc sống vật chất, tinh thần đã tương đương với người Kinh, mình mừng lắm!”. Chị Thị Kinh, vợ anh Thổ Nơi bùi ngùi kể: “Trước đây chúng tôi lấy nhau theo tục con gái đi “bắt cái chồng”. Khi gặp được chàng ưng ý, người nữ qua nhà ở 3 ngày làm quen trong gia đình. Sau đó ba mẹ bên vợ đến rước, chỉ có một bữa tiệc nhỏ cho hai bên gia đình thôi… Ngày nay con cái làm hoành tráng quá, nên tôi rất vui và mừng cho chúng!”. Chú rể Thổ Phương nói như reo: “Bạn bè rồi bà con được mời ai cũng đến khiến mình rất vui. Mời 75 bàn đi đủ khiến mình rất hân hạnh, rất hạnh phúc”. Cô dâu Điểu Thị Oanh đùa: “Ừ thì kể từ bây giờ phải để dành tiền, để mai mốt mừng lại bạn bè nhé!”.

Sáu Vườn Ươm