CSVN – Xuất thân là người lính, thuộc tiểu đoàn 368, năm 1982 ông Lê Minh Xước chuyển ngành về Công ty Cao su Bình Long (nay là Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long) cho đến khi nghỉ hưu. Là người chứng kiến bao thăng trầm của ngành, chia sẻ với Tạp chí Cao su VN, ông cho biết:
Giá cao su hiện nay đang ở mức thấp, theo tôi nghĩ đó là chu kỳ kinh tế. Có thể 5 đến 10 năm giá đi xuống, nhưng sau đó sẽ tăng trở lại. Vì vậy, chúng ta không nên bi quan mà phải xác định quan điểm, phải xác định lập trường vững vàng để vượt qua những khó khăn đó. Đồng thời, chúng ta cần phải phân công nhân lực tìm kiếm thị trường. Đó là biện pháp tốt nhất! Tôi cho rằng, giá cao su hiện nay vẫn tốt hơn rất nhiều so với thời kỳ trước đó. Cụ thể, thời kỳ tôi làm có lúc chỉ 4 triệu đến 8 triệu đồng/tấn.
Như ông đã nói, đây không phải là thời kỳ khó khăn nhất của ngành về giá cao su, vậy ông có thể cho biết giai đoạn khó khăn mà Công ty Cao su Bình Long nói riêng cũng như của ngành nói chung đã trải qua và xin ông chia sẻ những kinh nghiệm vượt khó thời bấy giờ?
Ông Lê Minh Xước: Năm 1997 – 1998, Công ty Cao su Bình Long tồn kho đến 6 ngàn tấn mủ cao su. Đây là giai đoạn khó khăn nhất tưởng chừng như không thể vượt qua được. Lúc này cả ngành cao su đều trong tình trạng “kho không đủ chứa cao su thành phẩm”.
Đứng trước hoàn cảnh đó, công ty đã thống nhất trong nội bộ đồng thời phân công các đồng chí lãnh đạo cùng với các phòng chuyên môn như kế hoạch, tài vụ đi tìm thị trường tiêu thụ. Hồi đó, chúng tôi qua cả Trung Quốc để tìm thị trường và đã giải quyết được nhiều hợp đồng xuất bán mủ cho dù giá thấp. Có những lúc 1 ngày chỉ bán được 1 tấn mủ. Việc đó ngành cao su ai cũng biết.
Điều đặc biệt là chúng tôi đã sản xuất ra những sản phẩm thị trường cần. Tức là sản phẩm phải đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Tôi còn nhớ, có những lúc khách hàng Trung Quốc không mua mủ chính phẩm mà chỉ mua mủ tạp. Những lúc như vậy, chúng tôi phải lấy mủ đông cán ra phơi rồi chở ra Móng Cái (Quảng Ninh) tiêu thụ. Tôi thấy rằng biện pháp đó là tốt nhất trong những lúc khó khăn mặc dù giá trị hàng hóa không cao.
Cũng chính giải pháp này, đơn vị chúng tôi mới có tiền trả lương cho công nhân đồng thời trả nợ cho ngân hàng và đặc biệt không còn tồn đọng 6.000 tấn mủ trong kho. Qua giai đoạn khó khăn đó bản thân tôi nghiệm ra rằng, bất kể trong hoàn cảnh nào, chúng ta không được ngồi chờ khách hàng tới công ty mua hàng mà phải tìm mọi biện pháp để đi tìm thị trường tiêu thụ. Đó là giải pháp tốt nhất trong mọi giai đoạn!
Như ông đã biết, thực trạng được mùa mất giá dẫn đến chặt bỏ rồi chuyển đổi cây trồng diễn ra trong lĩnh vực nông nghiệp rất phổ biến. Ông có thể so sánh, hiện trạng tiểu điền chặt bỏ cao su thời kỳ năm 1997 – 1998 so với hiện nay?
Ông Lê Minh Xước: Hồi đó, khi giá cao su xuống thấp, các hộ cao su tiểu điền chặt bỏ rất nhiều để chuyển đổi sang cây trồng khác. Hiện nay bà con cũng có chặt cao su nhưng số lượng ít hơn nhiều so với hồi xưa. Đặc biệt những gia đình có diện tích lớn vẫn giữ lại. Điều đó cho thấy, mặc dù giá xuống nhưng cây cao su vẫn còn giá trị.
Cũng như giải pháp hiện nay VRG đang làm, hồi đó tôi cũng đi động viên nông dân giữ lại cao su, đồng thời tổ chức bộ phận thu mua giúp bà con trong vấn đề đầu ra.
Là người có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý, ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm của mình với ngành cao su trong giai đoạn hiện nay?
Ông Lê Minh Xước: Tôi khẳng định lại một lần nữa “Bất kể trong hoàn cảnh nào, chúng ta không được ngồi chờ khách hàng tới công ty mua hàng mà phải tìm mọi biện pháp để đi tìm thị trường tiêu thụ”. Đó là giải pháp tốt nhất trong mọi giai đoạn. Điều quan trọng là phải vận động người lao động đồng tâm hiệp lực, gắn bó với nhau vượt qua những khó khăn gặp phải. Đặc biệt, người lãnh đạo cần phải vững vàng hơn nữa, kiên định lập trường quan điểm hơn nữa để sáng suốt lựa chọn những giải pháp tối ưu vượt khó.
Cảm ơn ông !
Ng. Cường (thực hiện)
Related posts:
- 33 năm vẫn ... chưa muốn nghỉ
- Nữ công nhân đa tài
- "Làm việc với đơn vị là nối dài thêm cơ duyên với Việt Nam"
- "Gà mẹ đẻ gà con" - Hướng đi phù hợp cho chương trình phát triển cao su tại Tây Nguyên
- “Cố gắng hết mình sẽ đạt kết quả cao!”
- Lê Thị Thương - nữ công nhân xuất sắc
- 2 vợ chồng công nhân luôn vượt sản lượng hàng tháng
- Cao su Việt Lào: Thảo Văn Chợt - Giữ vững “ngôi vương”
- Phạm Thị Luyến - Không ngừng rèn luyện để trưởng thành
- "Luôn cố gắng noi gương Bác Hồ bằng những việc làm gần gũi nhất"