CSVN – Trong những năm qua, với chính sách ưu tiên tuyển dụng người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ vào làm công nhân, NT Phú Xuân thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Đăk Lăk đóng trên địa bàn xã Ea Drơng, (huyện CưM’gar) đã đem việc làm cho nhiều lao động, với nguồn thu nhập khá và ổn định.
Năm 2009, chị H’Kiết K’Sơ – Buôn Gram B, xã Ea Drơng được NT Phú Xuân tuyển dụng vào làm công nhân (CN) khai thác, thuộc Tổ 1, Đội 4. Làm CN không chỉ giúp chị H’Kiết có được công việc làm ổn định mà nguồn thu nhập cũng được nâng lên đáng kể so với trước đây, với thu nhập từ 5 – 6 triệu đồng/tháng. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi chị và chồng còn đi làm công cho các hộ gia đình trong thôn, trong xã tăng thu nhập cho gia đình. Nhờ chịu khó làm ăn và biết tích lũy, dành dụm gia đình chị H’Kiết còn cất được cả nhà mới…
Vừa nhập xong mủ cao su cạo được cho NT, chị H’Kiết K’Sơ – vui vẻ nói: “Gia đình mình thì không có rẫy nương chỉ làm thuê, công việc lúc có lúc không, vì thế thu nhập rất bấp bênh, không đủ sống. Những năm gần đây dù giá mủ cao su giảm mạnh, thu nhập của mình cũng giảm đáng kể nhưng làm công nhân cao su vẫn ổn định và cao hơn nhiều. Năm 2013, thì vợ chồng mình đã xây dựng được ngôi nhà mới, với diện tích 50m2, trị giá trên 50 triệu đồng. Ngôi nhà tuy không lớn nhưng là mơ ước của gia đình nhiều năm qua. Nếu không được làm CN cao su chắc không biết bao giờ gia đình mình mới làm được ngôi nhà thế này…”.
Trước đây cuộc sống của gia đình Y Nhắt K‘Buôr (cùng buôn) cũng gặp rất nhiều khó khăn. Cả 2 vợ chồng không được học hành “Đến nơi đến chốn”, do vậy không thể xin vào làm tại các cơ quan Nhà nước, hay các công ty, doanh nghiệp mà chỉ làm được những công thời vụ, tuy nhiên do công việc không được ổn định, cuộc sống của gia đình thường xuyên rơi vào cảnh thiếu trước hụt sau. Đến nay, được vào làm công nhân của NT Phú Xuân đã giúp gia đình Y Nhắt có nguồn thu nhập ổn định và khá hơn, có tháng lên đến hơn 7 triệu đồng…
Anh Y Nhắt K’Buôr hồ hởi nói: “Trước đây mùa nào thì việc đó, mùa cà phê thì đi hái cà phê, mùa bắp đi bẻ bắp… hết mùa thì mình đi cuốc cỏ, bỏ phân… nhưng không phải lúc nào cũng có việc để làm, ngày đó thu nhập cao nhất của vợ chồng mình chỉ được khoảng 2 triệu đồng/tháng, thấp hơn rất nhiều so với làm CN cao su. Từ năm 2001, khi được làm CN cao su cuộc sống gia đình mình mới ổn định, tuy thu nhập phụ thuộc vào lượng mủ của cây cao su… nhưng tháng nào ít nhất gia đình mình cũng được 3,5 – 4 triệu đồng”
Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Ngọc Việt – Phó giám đốc NT Phú Xuân cho biết: Hiện NT Phú Xuân hiện đang quản lý hơn 1.649 ha cao su, trong đó có 553,69 ha cao su kinh doanh và 610,3 ha cao su kiến thiết cơ bản. Tổng số lao động của NT hiện có 536 người, trong đó với hơn 70,7% là người đồng bào dân tộc thiếu số tại chỗ, với mức thu nhập bình quân đạt hơn 4,4 triệu đồng/người/tháng…
Trong những năm qua, mặc dù giá mủ cao su ở mức thấp đến nay sự phục hồi còn chậm, nhưng thực hiện chủ trương của Công ty TNHH MTV Cao su Đăk Lăk, Ban chỉ đạo của NT luôn quan tâm, chăm sóc đời sống của CN, kịp thời thăm hỏi, động viên gia đình CN có hoàn cảnh khó khăn; chi trả các chế độ cho CN đúng, đủ và kịp thời theo quy định; tạo mọi điều kiện thuận lợi để công nhân làm ăn phát triển kinh tế gia đình. Do đó, không chỉ CN trong NT luôn yên tâm chăm sóc vườn cây, khai thác mủ hiệu quả, mà nhiều lao động là người dân ở địa phương đang có nhu cầu vào làm CN tại NT…
Trung Dũng
Related posts:
- 84 học viên tham gia lớp sơ chế cao su nâng cao
- Bà Huỳnh Thị Cẩm Hồng giữ chức chủ tịch HĐTV Cao su Dầu Tiếng
- Cao su Chư Păh phấn đấu năm 2021 khai thác đạt 7.700 tấn mủ
- Trao huy hiệu 30 năm tuổi Đảng cho bác sĩ Nguyễn Quang Minh
- Cao su Dầu Tiếng thưởng 490 triệu đồng cho 7 NT hoàn thành kế hoạch
- Cao su Phú Riềng quyết tâm vượt kế hoạch được giao
- Ảnh hưởng bão, mất hàng trăm tấn mủ
- Tháo gỡ khó khăn trong công tác thu hồi đất tại Cao su Kon Tum
- Cao su Sơn La tập huấn phòng chống Covid-19
- Tạp chí Cao su VN cần đẩy mạnh hoạt động hướng về cơ sở