Việt Nam không chọn nền kinh tế đóng, tự tin mở cửa hội nhập sâu rộng

‘CSVNO – Việt Nam đối diện rất nhiều biến cố từ thế giới bên ngoài, từ nội tại nền kinh tế. Tuy nhiên, chúng ta vẫn giữ được ổn định…’, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói .

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 diễn ra tại TP.HCM ngày 5/6. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 với Chủ đề: “Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới” tại TP.HCM chiều 5/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, các chủ đề thảo luận của Diễn đàn vừa có tính chất cơ bản, lâu dài, vừa có tính thời sự, vừa giải quyết những vấn đề căn cốt, vừa giải quyết những vấn đề có tính chất tình thế.

Theo Thủ tướng, xây dựng một nền kinh tế tự chủ, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và thực chất và hiệu quả, là chủ trương đúng đắn, nhất quán, xuyên suốt, khách quan và có hiệu quả của Đảng, Nhà nước.

Trong hơn 35 năm đổi mới, đời sống kinh tế xã hội của nhân dân năm sau cao hơn năm trước. Từ nền kinh tế quy mô nhỏ, thu nhập thấp, thu không đủ chi, cung ứng lao động… đến nay, bình quân đầu người tại Việt Nam trong năm 2021 là 3.680 USD. 

“Việt Nam đối diện rất nhiều biến cố từ thế giới bên ngoài và từ nội tại nền kinh tế. Tuy nhiên, chúng ta vẫn giữ được ổn định trong một thế giới biến động, khẳng định sự tự tin để xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả”, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định.

Cũng theo Thủ tướng, việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách luôn dựa trên cơ sở tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo.

Ông nhắc lại quá trình phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, chúng ta đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết, vì vậy buộc phải áp dụng các biện pháp hành chính nghiêm ngặt, trước biến chủng Delta hết sức nguy hiểm, lây lan nhanh, trong khi đó chưa có vacxin, chưa có kinh nghiệm. Khi đạt độ bao phủ vacxin nhất định, Việt Nam tự tin mở cửa, chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19 trên cơ sở khoa học và thực tiễn vững chắc, tự tin mở cửa trở lại, phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế – xã hội.

Toạ đàm cấp cao “Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới”. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Người đứng đầu Chính phủ nhắc lại một số quyết định cho thấy sự đúng đắn và tự tin trong các quyết sách phòng chống dịch của Đảng, Nhà nước ta, như thảo luận và quyết định tổ chức SEA Games 31 vừa qua ngay khi chúng ta vừa chuyển trạng thái phòng chống dịch, hay quyết định mở cửa du lịch…

Ông cho rằng, thời cơ thuận lợi ít hơn khó khăn và thách thức, do đó, luôn phải chuẩn bị tâm thế, không chủ quan, lo sợ.

Trước độ mở của nền kinh tế lớn (gần 200% GDP), chịu tác động, ảnh hưởng nhanh, nhạy trước các cú sốc bên ngoài; khả năng hấp thụ, nội lực hóa ngoại lực còn hạn chế, Thủ tướng cho rằng, yêu cầu cấp thiết phải xử lý các thách thức đối với phát triển bền vững; sự cần thiết phải huy động hiệu quả các nguồn lực, đa dạng hóa các chuỗi cung ứng nhất là trong bối cảnh thế giới đầy biến động, khó dự báo hiện nay…

Do đó, cần xác định rõ một số mục tiêu chủ yếu như xây dựng nền kinh tế có cơ cấu hợp lý, hiệu quả, bền vững, nhất là phát triển công nghiệp nặng, công nghiệp nền tảng, chế biến chế tạo, công nghiệp sau thu hoạch. Nâng cao sức chống chịu và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế; thích ứng linh hoạt, hiệu quả với những biến động tình hình quốc tế, khu vực và trong nước; tạo thế đan xen lợi ích trong hội nhập quốc tế.

Cùng với đó, tận dụng tốt các cơ hội từ hội nhập quốc tế, tạo động lực thúc đẩy phục hồi nhanh trong ngắn hạn và phát triển bền vững trong trung và dài hạn. Đặc biệt chú trọng đến tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người dân.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao đổi với các đại biểu bên lề Diễn đàn. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Theo TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright, quan trọng nhất là Việt Nam đã giữ được trạng thái ổn định trong một thế giới biến động, như vịnh tránh bão trong cơn biển động.

“Lần đầu tiên trong 25 năm kinh tế toàn cầu suy giảm do đại dịch Covid-19, nhưng Việt Nam vẫn ổn định được vĩ mô, khác với các lần suy thoái trước Việt Nam dễ dàng bị ảnh hưởng theo. Chứng tỏ nền kinh tế có sự chủ động, chống chịu tốt hơn trước. Chúng ta có cơ hội là ở cạnh Trung Quốc nhưng không phải là Trung Quốc nên hấp thu các dòng chuyển dịch đầu tư từ nước này sang. Nhiều nhà đầu tư muốn ra khỏi Trung Quốc nhưng vẫn muốn gần thị trường đó thì chính là cơ hội cho chúng ta. Cần hết sức chủ động tận dụng tối đa cơ hội này”, TS Vũ Thành Tự An nhận định.

“Việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nước ta trong tình hình mới.

Việt Nam khẳng định chủ trương nhất quán, không lựa chọn nền kinh tế đóng mà luôn kiên định đường lối đổi mới, mở cửa, chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Tạo môi trường pháp lý phù hợp, ổn định và điều kiện thuận lợi, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các doanh nghiệp, đối tác đầu tư, kinh doanh lâu dài, hiệu quả, bền vững trên nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” và tuân thủ pháp luật. Việt Nam mong muốn là bạn tốt, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm và sẵn sàng chung tay cùng cộng đồng quốc tế giải quyết các thách thức có tính chất toàn cầu, toàn dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Để tiếp tục định hướng phát triển kinh tế, độc lập tự chủ, hội nhập sâu rộng, Thủ tướng đề ra 6 vấn đề cần tập trung thực hiện. Trước hết là phải tạo môi trường hòa bình, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị – xã hội, ổn định môi trường pháp lý, tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân. Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, tạo thế đan xen lợi ích; tích cực tham gia sâu, góp phần định hình “luật chơi” trong hội nhập quốc tế.

Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN đồng bộ, hiện đại, hội nhập, phù hợp với cam kết quốc tế. Phát triển đồng bộ các loại thị trường và các yếu tố thị trường hướng tới các chuẩn mực của một nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập và phù hợp với thực tiễn Việt Nam…

Đồng thời, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế (thu chi, xuất nhập khẩu, lương thực thực phẩm, năng lượng và lao động). Phối hợp đồng bộ, hiệu quả, linh hoạt các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác. Tăng cường năng lực phân tích, dự báo, chủ động các kịch bản, phương án ứng phó phù hợp, kịp thời với những biến động, cú sốc từ bên ngoài.

Tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng một cách thực chất, hiệu quả hơn, thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; tập trung thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, phát triển kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng, kinh tế tuần hoàn…

Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, phát huy vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong và ngoài nước; Tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược. Phát triển cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh, cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI trở thành lực lượng nòng cốt xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập. Song song đó, là phát triển nguồn nhân lực và quản trị quốc gia hiện đại.

theo Nông nghiệp Việt Nam