CSVN Xuân – Rất nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay giới trẻ bị cuốn hút vào những thú vui tiêu khiển của xã hội hiện đại mà thờ ơ Tết cổ truyền. Thế nhưng thực tế vẫn có một bộ phận giới trẻ trăn trở về việc làm thế nào để có thể gìn giữ trọn vẹn phong vị Tết.
Nếu mang Tết xưa và Tết nay đặt lên bàn cân so sánh, chắc hẳn không ít người tiếc nuối. Đêm giao thừa cả nhà đoàn tụ bên nồi bánh chưng ấm nồng, trẻ nhỏ chạy quanh nhà háo hức được diện quần áo mới. Tết xưa là “bánh chưng xanh bên câu đối đỏ, cành mai vàng bên cành đào tươi, Tết năm nay bé thêm một tuổi”.
Những năm gần đây, để lưu giữ nét đẹp văn hóa cổ truyền, một số trung tâm văn hóa, các đoàn hội hoặc trường học tổ chức lễ hội bánh chưng. Tham gia lễ hội, được tự tay gói bánh chưng sao cho vuông vắn, khéo léo, các em học sinh, sinh viên tỏ ra rất hào hứng. Nhiều bạn trẻ thừa nhận, việc gói bánh chưng là một điều rất thiêng liêng, hạnh phúc đối với gia đình, cả năm mới có một lần. Những giây phúc này không có nhiều, nên họ rất trân trọng, nâng niu những cảm xúc như thế.
Còn nhớ cách đây 2 năm, xuất hiện quan điểm cho rằng nên gộp Tết Ta với Tết Tây. Quan điểm này đã dấy lên sự tranh luận gay gắt, trong đó có cả giới trẻ. Khi đó, một bạn trẻ có tên là Vlogger JVevermind đã tung một Video Clip, trình bày rõ quan điểm phản đối việc gộp Tết cổ truyền với Tết Dương lịch. Clip này ngay lập tức đã thu hút một lượng lớn người xem và ý kiến hoàn toàn ủng hộ các quan điểm mà bạn trẻ này đưa ra. Một số ý kiến cho rằng, cần rút ngắn Tết Ta lại để tránh lãng phí tiền của cũng như nhậu nhẹt bê tha…
Đối với học sinh và sinh viên có thể thêm kỳ nghỉ (giữa kỳ chẳng hạn), đối với người lao động có thể kéo dài lịch nghỉ phép. Như vậy vừa phù hợp với xu hướng của thế giới, vừa giữ được bản sắc dân tộc. Nhiều ý kiến khác thì lập luận, nếu gộp Tết Âm lịch vào chung ngày với Tết Dương lịch sẽ tiết kiệm nhiều thứ, nhưng ta cũng đánh mất rất nhiều.
Có những thứ không thể đo đếm, tính toán như vật chất. Tết cổ truyền của người Việt có những nét đẹp, đặc trưng riêng, khó có thể hòa lẫn. Đó là những thói quen, phong tục, tập quán, là giá trị tinh thần, là sự thiêng liêng quý báu, là tâm trạng, nỗi niềm… không gì đánh đổi nổi. Bởi Tết là văn hóa, là bản sắc riêng, là nét đẹp cổ truyền.
Đổi mới chứ đừng để biến mất. Bởi Tết mang ý nghĩa quan trọng sâu sắc, chứ không phải là một kì nghỉ cuối nă m. Không ít bạn trẻ đồng tình rằng, nhắc đến Tết là nhắc đến niềm vui hạnh phúc và bình an. Đôi khi nó là mốc thời gian cho chúng ta đánh dấu một sự khởi đầu mới. Và quan trọng hơn, Tết mang những giá trị truyền thống, những nét riêng biệt tạo nên bản sắc của dân tộc VN mà không bất kì một ngày lễ nào khác có thể thay thế được. Đừng để bản sắc dân tộc mai một bởi vì một lí do nào đó, hãy “hòa nhập chứ đừng hòa tan”.
Không thể phủ nhận, Tết thời hội nhập khó giữ được đầy đủ lễ lạt, nghi thức, nhiều khâu chuẩn bị được rút gọn, đặc biệt là đối với các gia đình trẻ. Nhưng tinh thần cốt lõi của Tết là không khí sum vầy, đoàn tụ vẫn cần được gìn giữ. Ẩn sâu trong đó còn là cơ hội củng cố lại nền tảng lâu bền của gia đình và dân tộc. Bởi vậy cần lưu giữ những giá trị truyền thống để thế hệ sau có thể lớn lên với ký ức trọn vẹn và đúng nghĩa nhất về ngày Tết cổ truyền.
Thanh Sơn
Related posts:
- Cao su Quảng Trị vô địch bóng chuyền nam Hội thao khu vực II
- Chăm lo tốt nguồn lực lao động để doanh nghiệp phát triển bền vững
- Kinh tế hộ gia đình: Điểm tựa vững chắc lúc khó khăn
- HLV người Nhật có giúp Đội tuyển VN đổi vận?
- Bờm lý sự
- Tự hào có hai con “săn” học bổng du học
- Hơn 250 vận động viên tham gia Hội thao CNVCLĐ Khu vực IV
- Chư Sê Kampong Thom giải nhất toàn đoàn Hội thao khu vực V
- Nối tiếp truyền thống
- Làng Ama Toa