Làng Ama Toa

CSVN – Làng Ama Toa nằm dọc theo dòng suối Hoa đầy huyền thoại. Cũng lâu lắm rồi chẳng có ai còn hỏi về làng có từ bao giờ nữa. Thỉnh thoảng có mấy cụ già tuổi đã qua 70 mùa rẫy ngồi nói chuyện, đám thanh niên mới nghe câu được câu mất.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nghe đâu, dạo năm 1966 chiến tranh ác liệt quá, bên dòng suối này bom mìn cày xới, người cũ chuyển đi, vài gia đình người Jrai từ nơi khác tới thấy yên ắng một hồi lâu mới sắm lễ lập làng. Tiếng là lập làng nhưng cũng chỉ dựng đơn sơ tạm bợ rồi tản mát đi các nơi phát rừng, đốt cây, làm rẫy, lâu lâu mới quay về để lấy các vật dụng cần thiết, thành ra làng chỉ còn toàn trẻ con và một số người già ốm yếu.

Sở dĩ phải tản mát đi các nơi để đốt rẫy là đề phòng cháy làng vì các già thường bảo đám thanh niên đốt rẫy lúc giữa trưa cho lửa ăn hết sạch, nhưng cũng có lúc rủi gặp cơn gió to, lửa ăn sạch quá, lan ra làm cháy nguyên một vạt rừng.

Làng nay đã khác rồi, ồn ào và đông đúc hơn xưa, nhà sàn, nhà gạch san sát nhau, một bên là suối, bên kia là vườn cà phê, hồ tiêu, cao su xanh thẫm. Bây giờ nhà dọc hai bên bờ suối lan tít lên, ôm dọc một đoạn tỉnh lộ 81C là con đường huyết mạch đi vào biên giới. Bên này đường là nhà, bên kia là vườn cây cao su của Nông trường 3, Công ty Cổ phần Cao su Thái Hà. Cầu Đội 7 vắt ngang qua dòng suối, xa xa phía cuối con đường là đỉnh núi Bâm mờ ảo lẩn khuất trong sương sớm.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Quán tạp hóa của lão Brac mới sáng sớm mà đã đỏ lửa, nghi ngút khói từ lâu.

Mày đã lấy đủ rượu chưa? – lão Brac hỏi cô con gái. Con lấy đủ rồi – tiếng Siu H’Liu dưới bếp vọng lên. Trưa nay làng có việc vui đấy – Brac nói tiếp.

Thực ra làng chẳng có việc gì, chỉ có ông Bấng trưởng thôn tiếp tay cán bộ địa chính xã dẫn đoàn phòng Tài nguyên- Môi trường huyện xuống làm việc mà Brac đã được thông báo từ trước để chuẩn bị đồ nhậu.

Trước cửa căn nhà ống mới xây Nay H’Lim mới đi cạo mủ về nằm thiếp đi từ lúc nào, ngoài vườn mấy chú heo nhởn nhơ ủi đi ủi lại một đám đất tung tóe lên làm đàn gà nháo nhác.

Vợ chồng Nay H’Lim, Kpuih Sơn làm công nhân đội sản xuất cao su số 7, mới tích cóp vốn liếng xây được căn nhà nhưng bây giờ trong nhà bấn quá “Con gà trống ăn không đủ một bọc dều”(1).

Kpuih Sơn đi mua đồ ăn sáng về tới ngõ hỏi:

  • Chị em H’Xinh đi học chưa?
  • Đi rồi, một lúc rồi. H’Lim nói tiếp:
  • Mà mình này, tôi tính rồi, H’Xinh học đủ rồi, biết cái chữ rồi, phải ở nhà thôi. Học nhiều cũng chỉ về làm rẫy mới no cái bụng, đợi khi nó lớn lên thì mình xin vào công nhân cao su là ổn.

Kpuih Sơn đứng trầm ngâm:

  • Để cho con nó học, khó khăn mấy rồi cũng qua thôi, mình đừng lo, làm công nhân cao su hay làm gì cũng phải học mới khá lên được.

Brac năm nay 42 tuổi, dáng người cao đậm, da ngăm đen, hắn đến đây quãng năm 2004 ôm ngay mảnh đất vuông vắn mặt đường, sau dăm ba câu chuyện, mất mấy con chồn hương nhâm nhi mà đã có ngay tấm “sổ đỏ”(2). Hắn mở quán tạp hóa kiêm cà phê, ăn sáng nhưng chủ yếu bán rượu, mồi nhậu và cả cho vay nặng lãi nữa. Nhiều gia đình ở cái làng này lao đao vì hắn, từ vay để uống rượu, con đòi mua xe máy, điện thoại smartphone cũng vay, cần tiền để mua trụ tiêu cũng vay, con gái đòi bắt chồng cũng vay…

Mà cái lão Brac này cũng ác thiệt, cứ nhắm những nhà nhiều vườn cho vay thoải mái, đợi đến khi tiêu chết, cà phê mất mùa, con nợ hết khả năng chi trả là hắn siết vườn, siết rẫy bán nghiến cho người từ nơi khác đến làm nhiều bà con trong làng trắng tay.

Không biết lão Bấng nhỏ to gì với Brac mà nay hắn mời đám trai làng uống rượu. Thanh niên làng bây giờ cũng thực dụng lắm, Brac bảo gì cũng gật chẳng cần biết đúng sai, miễn là được uống rượu. Những lúc không có ai mời thì lại đi chở gỗ, vác trụ tiêu, đào hố cà phê thuê khi đủ tiền uống rượu rồi thì về, vặn nhạc ầm ầm từ sáng đến tối, hết tiền mới chịu lê lết cái thân xác phờ phạc về nhà hoặc lại lên nhà Rông ngủ. Mà cái nước rượu của lão Brac mới kì lạ làm sao, uống từ sáng tới tối cho ngoắc cần câu thì chả làm sao, chỉ lúc 3, 4 giờ sáng thì lâu lâu lại có một vụ nôn thốc, nôn tháo, người ngợm tái mét, run lẩy bẩy, báo hại người nhà phải hò nhau dậy chở đi xuống Trạm Y tế, làm huyên náo, ồn ào cả một góc làng.

Mấy năm nay ở cái làng này, cao su rớt giá, hồ tiêu chết trắng trụ, cà phê làm khéo lắm mới dư chút ít, tín dụng đen bủa vây khắp làng, vợ chồng lục đục, nhiều người anh em không còn nhìn mặt nhau vì đất cát.

Một buổi sáng, già làng Siu Phiong, Bí thư chi bộ làng đang ngồi đan rổ trước nhà thì Kpuih Sơn hớt hải chạy vào: Nguy rồi Già ơi, “Chiêng treo bếp lửa”(3) rồi, đêm qua đám thanh niên làng nhổ hàng rào cao su tái canh, dựng lều chiếm đất, sáng nay đòi đuổi bảo vệ Nông trường 3, thằng Siu Át đánh anh Nam bảo vệ đội 7 chảy máu đầu rồi, công an huyện đang về làm việc.

Thế ông Bấng đâu? – Già Phiong hỏi. Kpuih Sơn nói, ông Bấng bình thường khinh người như bã quả sung, gặp đám trai làng lúc nào cũng câu cửa miệng: chúng mày ngu lắm! Hồi sáng người của nông trường vào tìm làm việc thì run bắn lên, bảo các đồng chí cứ bình tĩnh, tôi sẽ ra ngoài đó ngay, giờ thì lỉnh chẳng thấy tăm hơi đâu.

Chưa bao giờ nhiều trai làng lại dính vào lao lý như lần này, không khí trong làng căng thẳng hẳn, người nọ đổ cho con cái người kia rủ rê con trai mình, cãi nhau om tỏi cả.

Lão Brac này đánh hơi nhanh thật, hắn nhòm ngó đến đất cao su đã lâu, đất cao su bằng phẳng, dọc theo những con đường đã mở sẵn, chi phí giải phóng mặt bằng thấp, nhiều đoạn gần khu dân cư rất thuận tiện để buôn bán. Thủ đoạn của lão là kích động dân làng đòi đất khi cao su tái canh tạo sự việc đã rồi, gây điểm nóng về tranh chấp đất đai với doanh nghiệp sau đó mua chuộc những phần tử thoái hóa, biến chất kết hợp với các bài viết sai lệch của báo chí để tạo dư luận tìm cách trình cấp trên thu hồi đất, lấy cớ là thực hiện các công trình công cộng, sau đó phân lô, bán nền, thu lợi bất chính.

Nhưng lần này thì Brac thất bại, có lẽ Yang(4) không cho lão làm thêm điều xấu nữa. Công an điều tra, mọi việc được phanh phui. Dân làng đã nhận ra tâm địa của lão. Lão bỏ làng ra đi và hứa với con gái một ngày nào đó sẽ về tạ tội với dân làng. Siu H’Liu buồn lắm,“buồn như con vượn ốm lạc đàn”(5), dù gì đi nữa Brac vẫn là cha cô, vẫn là người cô yêu quý nhất.

Một tuần sau sự việc nghiêm trọng, nhờ có sự phối hợp tốt của Công ty Cao su Thái Hà mà mọi việc được giải quyết êm xuôi, đám trai làng khi được tha về tỏ ra rất ăn năn, hối hận. Già Phiong tổ chức họp làng ở nhà Rông mời đồng chí Hà Tiến Sơn – Năm Sơn, Chủ tịch UBND xã và đồng chí Trịnh Công Văn – Bảy Văn, Giám đốc Nông trường 3. Nhà Rông sừng sững ở giữa làng, mái nhà như cái lưỡi búa khổng lồ cao vút cắt gió giữa trời xanh. Già Phiong phát biểu phê phán các hành động sai trái của đám trai làng và những người đứng sau giật dây trong vụ việc vừa qua đồng thời bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Cao su Thái Hà đã tích cực phối hợp, giải quyết nội bộ vấn đề với làng để sự việc phát sinh không quá phức tạp.

Già cho rằng trong những năm gần đây ngày càng có nhiều con em của làng làm việc trong công ty cao su, nhờ vậy đời sống vật chất và tinh thần của họ và gia thuộc không ngừng được nâng cao, đi kèm với đó là việc áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, tác phong công nghiệp trong lao động được bà con áp dụng, học hỏi lẫn nhau trong quá trình làm việc. Già cũng mong muốn UBND xã quan tâm, công ty cao su tiếp tục hỗ trợ đào tạo nghề, ưu tiên tuyển dụng, cho ứng lương đối với những công nhân gặp khó khăn.

Đồng chí Bảy Văn nói: Tôi đánh giá cao sự hỗ trợ của cá nhân Già làng Phiong và bà con trong làng đối với Cao su Thái Hà. Do đặc điểm làng, buôn nằm rải rác xen kẽ với các dự án cao su, lao động và đất đai chủ yếu ở địa phương nên chúng tôi rất cần sự hỗ trợ về mọi mặt trong đó có việc đảm bảo an ninh vườn cây, vật tư, sản phẩm. Chúng tôi nhất quán phát triển cao su trên cơ sở hài hòa lợi ích với làng và địa phương, đảm bảo môi trường, thực hiện tốt công tác xã hội.

Sau khi được giới thiệu, đ/c Năm Sơn phát biểu: Xã Mỹ Phú chúng ta có 12 thôn, làng thì trong đó có tới 9 làng của người Jrai, làng Ama Toa là làng có số nhân khẩu lớn nhất. Chính vì vậy lãnh đạo xã rất quan tâm đến sự phát triển của làng. Sắp tới đây xã sẽ xây dựng một điểm trường mầm non, một sân bóng chuyền và một sân bóng đá mini trên nền đất 2,9 ha phía trước cửa nhà Rông của làng. Cao su Thái Hà đã cam kết hỗ trợ 90 triệu đồng, số còn lại xã sẽ cân đối nguồn.

Tháng 11 bầu trời trong xanh, Già Phiong đi trên đường làng, hôm nay Già vui lắm, ai cũng vui, làng có việc, lễ mừng lúa mới. H’Xinh mặc váy, áo mới khoe làn da trắng hồng, đôi má ửng đỏ, ngực nàng “mới nhú như trái Ktang”(6). Dưới ánh lửa bập bùng, những khuôn mặt rạng ngời, mùi con gái, mùi lửa, mùi của làng buôn ấm áp dập dìu theo tiếng chiêng ngân, cao nguyên hôm nay hun hút gió.

MAI VĂN CƯỜNG

(1), (3), (5), (6): Tục ngữ Jrai.

(4), Yang: Vị thần trong tín ngưỡng của người Jrai. (2),“sổ đỏ” : Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.