CSVN – Liên tiếp nhiều trò lố và các vụ vi phạm của các chương trình truyền hình thực tế (THTT) khiến khán giả ngán ngẩm, “bội thực” và quay lưng với THTT.
Ngập “rác” ở các chương trình THTT
“Việt Nam Idol” là một trong những chương trình truyền hình thực tế lâu đời nhất trên sóng của Đài Truyền hình quốc gia. Ở những mùa đầu tiên, chương trình đã thành công rực rỡ, đem lại cho nhà đài lượng người xem cao ngất và doanh thu “khủng” cho nhà tổ chức. Có thời điểm các thí sinh Việt Nam Idol khiến khán giả cứ đến giờ lên sóng là không rời màn hình, nhiều giọng ca thành danh và thành công rực rỡ từ cuộc thi. Nhiều bài hát sau cuộc thi bỗng dưng trở thành “hit”, “làm mưa làm gió” thị trường giải trí…
Được vậy là bởi ở thời điểm ấy, các cuộc thi về âm nhạc chưa quá nở rộ như hiện nay, và format mới toanh mua của phương Tây này đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa tính giải trí và chất lượng chương trình. Nhưng rồi nhiều mùa đã trôi qua, như một quy luật tất yếu của thị trường giải trí, một món ăn, ăn nhiều năm sẽ nhàm chán, cộng với sự ra đời của nhiều cuộc thi âm nhạc mới mẻ và hấp dẫn, “Việt Nam Idol” đã mất dần sức nóng.
Không chỉ với “Việt Nam Idol” mà nhiều chương trình THTT khác cũng đang khiến khán giả ngán ngẩm bởi những chiêu trò nhố nhăng. Trước mỗi chương trình THTT được quảng cáo rôm rả, khán giả cũng có sự quan tâm chú ý nhưng không tập trung vào chất lượng các chương trình mà hầu hết đều là các scandal ngoài luồng.
Đơn cử như chương trình “Giọng hát Việt”, bước sang năm thứ 4, đang có nguy cơ “chìm” đi. Thế là nhà tổ chức “làm mới” ngay bằng việc mời một nhân tố giám khảo được đánh giá hấp dẫn là ca sĩ Thu Phương, một giọng hát chất lượng cao được yêu mến, từ hải ngoại về và từng có những cú vấp nổi tiếng một thời. Thế nhưng, ngay trong chương trình, ở một khung giờ vàng, khán giả nhận ra đoạn phát sóng giới thiệu Thu Phương lại được cắt ra từ chương trình Paris By Night, một chương trình hải ngoại đã lùm xùm nhiều lần và không được phép lưu hành ở VN.
Trong một số chương trình THTT còn xảy ra những sự cố hi hữu và không thể tin nổi. Ví dụ như tại vòng bán kết 4 cuộc thi Vietnam’s Got Talent đầu năm nay đã xảy ra một tai nạn đáng tiếc trong phần thi của thí sinh Trần Tấn Phát. Thí sinh này trình diễn tiết mục ảo thuật hoán đổi 4 ly nước và 1 ly có chứa axít, anh nhờ giám khảo Huy Tuấn tráo vị trí của 5 chiếc ly này và bằng tài ảo thuật của mình để nhận biết ly nào là nước. Không may cho Tấn Phát, do sơ suất của mình nên anh đã uống nhầm ly có chứa axit!
Ở một số chương trình khác, không biết là chủ kiến của thí sinh hay của chương trình mà mở màn một cuộc thi trình diễn tài năng thời trang lại biến thành một ngày hội của thời trang dị hợm: hàng loạt thí sinh và người hỗ trợ thí sinh ăn mặc không giống ai, từ cách ăn mặc khiến người khác hoang mang không biết giới tính cho đến những chàng trai mặc những bộ váy dài quét đất và mất thẩm mỹ…
Bị phạt vẫn làm!
Có thể nói, lợi nhuận từ THTT đã khiến những nhà sản xuất ra sức tìm đủ mọi cách chiêu trò để thu hút khán giả và cũng nhằm thu hút quảng cáo, tài trợ. Ngay cả thí sinh, nhân vật tham gia chương trình cũng nhìn thấy lợi ích từ việc này. Với mật độ sản xuất dồn dập một năm khoảng 30 chương trình như hiện nay, chủ yếu do 4 nhà sản xuất lớn thực hiện thì áp lực có được một chương trình tạo được cảm xúc và thu hút cho khán giả càng lớn. Sự lặp lại, nhàm chán, thậm chí giả tạo là khó tránh khỏi. Nhiều scandal đã xảy ra khiến khán giả không còn tin vào những giọt nước mắt trên THTT.
Người thì bảo sơ suất, người thì nói biên tập chương trình ẩu, nhưng không ít người cho rằng hai lý do trên khá khó xảy ra, có chăng lại là chiêu trò của nhà sản xuất để làm “nóng” dư luận, tăng lượng xem chương trình mà thôi. Không phải tự dưng mà hễ nhắc đến game show thực tế, truyền thông và công chúng lại nhắc đến hai chữ “chiêu trò”. Phải chăng đó là công thức bắt buộc phải có để đạt được độ nóng và sức hút cần thiết của chương trình trong mắt các nhà sản xuất?
Bởi vậy, dù các cơ quan chức năng cũng đã ra tay xử phạt các chương trình quá “lố”, vi phạm quy định nhưng THTT vẫn…quyết sống! Mức xử phạt vài mươi triệu khó lòng làm chùn chân các ông chủ khi mà chính những chiêu trò ấy góp phần đem lại cho họ những lợi nhuận kếch sù.
Bảo Châu
Related posts:
- Kết quả Cuộc thi sáng tác “Tự hào 90 năm truyền thống ngành cao su”
- Tuổi trẻ gây quỹ mua cồng chiêng
- Cao su Dầu Tiếng khánh thành Khu vui chơi thiếu nhi trị giá hơn 9 tỷ đồng
- Giữ biển đảo như giữ làng
- Mùa hoa trên cao nguyên đá Đồng Văn
- Hội thi 85 năm khu vực miền Đông: Tự tin trước giờ G
- Nhớ vị tư lệnh Binh đoàn cao su 23
- Pha sơn từ dầu hạt cao su – thời khởi nghiệp của ông Lê Văn Kiểm
- Hãy đến thành cổ Quảng trị
- 11 chương trình biểu diễn tại Hội thi Tiếng hát CN Cao su KV III