Nét đẹp của cộng đồng cao su

CSVN Xuân – Nhìn lại chặng đường hơn một thế kỷ đã qua, có thể nhận thấy, CN cao su là một tập thể rất lớn nhưng khá thuần nhất về tính cách: hiền lành, cần mẫn, chịu thương chịu khó, như tính chất của bà con nông dân; lại vừa nghiêm túc, đoàn kết, như tính chất của CN tiên tiến; cũng rất nề nếp và kỷ luật như những người lính.
Giờ nghỉ giải lao
Giờ nghỉ giải lao.

CN cao su sống có nghĩa có tình, có trước có sau. Những lúc khó khăn, nhất là khi thị trường xuống giá, không mấy ai nỡ quay lưng với nghề. Nhớ lại những năm cuối thập niên 90 và đầu những năm 2000, công tác tiêu thụ tưởng chừng ách tắc. Một số công ty phải nợ lương, vậy mà người CN vẫn không ai kêu ca phản đối, mọi người vẫn “thắt lưng buộc bụng” sát cánh cùng công ty vượt lên gian khổ. Tất cả các đơn vị trực thuộc TCT Cao su VN lúc ấy luôn đoàn kết tương trợ để cùng nhau vượt qua thử thách – như trong một đại gia đình.

Trong “đại gia đình” ấy, tính “cha truyền con nối” được biểu hiện khá rõ nét. Trong mỗi gia đình riêng, mùa hè các cháu thiếu niên thường theo cha mẹ ra lô để phụ giúp công việc và đã biết yêu quí cây cao su. Từ đó, vườn cao su đã che bóng mát cho nhiều cuộc đời nối tiếp. Rất nhiều gia đình, có cha mẹ làm CN, có ông bà nội hoặc ông bà ngoại, và xa hơn có ông bà cố là phu công tra từ đời Pháp. Nhờ vậy, bên cạnh những truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt nói chung, thì trong gia đình CN cao su, cả vợ và chồng đều am hiểu công việc của nhau, cùng vui khi đạt và vượt chỉ tiêu, khi tổ, đội của mình về trước kế hoạch; cùng buồn lo vì những ngày mưa dầm mất mủ, hay những đợt giông bão làm gãy đổ vườn cây.

Một đặc điểm rất riêng của CN là họ đều sống quần tụ trong những khu dân cư ở các công ty, nông trường, thành một cộng đồng rất gắn bó. Điều này đã được khởi nguồn từ việc mộ phu công tra ở miền Bắc, miền Trung vào miền Đông Nam bộ đầu thế kỷ 20. Khi đặt chân đến đồn điền, người phu công tra được phân bố ngay về các “Làng cao su”, có khi 2 gia đình ghép vô một căn nhà song lập nhỏ bé… Từ đó, tình làng nghĩa xóm ngày càng gắn bó qua sự giúp đỡ lẫn nhau lúc tối lửa tắt đèn. Truyền thống đó tiếp tục được lưu truyền đến hôm nay, tạo nên một nét đẹp rất riêng của “cộng đồng cao su”.

L.Q