Hạ thủy những giấc mơ là tập trường ca của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, do NXB Lao Động ấn hành năm 2013, được viết theo thể tự do, dễ đọc, dễ cảm nhận, gần gũi và thân thương như làng quê ta vậy.
Ngay từ khởi đầu của trường ca làng đã hiện rất rõ: Xoay nhịp trống đồng/ gõ vang sấm biển/ chớp bão khơi xa nhay nháy canh gà/ có khuya khoắt ao làng nổi sóng/ canh gió đồng ướt át nghìn năm… Làng gắn liền với sự tanh nồng, hoang hoải và lấm láp của bùn đất, khi nắng, lúc mưa, sự dạn dày cay gừng, mặn muối mà ru nhau theo nhịp võng à…ơi… sấp ngửa/ ru nhau/ mặn muối cay gừng/À ơ…/ muối mặn gừng cay/ một nửa ca dao đất nước tôi là biển/ thủy triều vơi đầy lục bát/ những hải lưu sáu tám chở vui buồn…
Có thể nói, làng Việt không chỉ có sự nếm trải và cam chịu của mỗi người, mà quan trọng hơn là qua làng và từ làng, người Việt biết phải làm gì để giữ làng và xây làng. Và nếu như mỗi làng đều được giữ và được xây thì đất nước sẽ bình yên và cường thịnh. Vào buổi đầu, khi đất nước có ngoại xâm thì người anh hùng đầu tiên cũng sinh ra và lớn lên từ làng: Đất nước có Phù Đổng/ cơm nong cà vại nuôi anh hùng/ nuôi chúng tôi cũng cơm cà của mẹ… Sau những cuộc binh đao, đất nước thanh bình, ta lại mơ giấc mơ trở về nguồn cội: Hạ thủy giấc mơ xanh/ chia tay những nàng tiên cá/ con tàu bay về miền rơm rạ/ đậu xuống ao làng/ bóng mẹ áo xanh, bóng em áo trắng/ biển của tôi/ xanh – trắng mơ màng…
Đối với những người lính, canh chừng biển đảo như giữ làng nên họ nào đâu quản ngại: dẫu biết đi không về/ lòng không nao núng/ hồn thiêng/ vằng vặc biển Đông…/ Trường Sa/ đồng đội tôi/ những người lính/ mặt trẻ/ tóc già/ những chàng trai tuổi mười tám, đôi mươi/ tóc lấm tấm bạc…
Bởi trong cái “làng-biển” ấy luôn có mẹ ở bên: Ở nơi góc bể chân trời/ mẹ như ngọn dền xanh, mẹ như bông muống trắng/ như bên cửa sổ khẩu đội có cây ớt chín…
Những người lính ra đi giữ đảo từ làng, nên các anh cũng mang theo những lề thói làng: mơ mùi lúa, mùi chanh, mùi bưởi/ xin một lần hương bồ kết về đây/ cho đá san hô cũng cất cánh bay/ và biển cả cũng bớt phần kiêu ngạo…
Để rồi, qua tháng qua năm qua nhiều thế hệ, các anh đã tự tìm ra cho mình một phương cách tồn tại riêng: Tồn tại ở Trường Sa/ phải bằng những tầm kích hợp lý/ phải biết cắm sâu/ cũng phải biết dẻo dai/ biết dồn tụ chắt chiu/ biết gồng mình chống đỡ…
Bởi các anh ý thức rất rõ rằng, hơn ai hết nơi đảo xa, biển rộng, mẹ hiền Tổ quốc đang cần các anh làm lá chắn, cột mốc và chốt chặn cuối cùng để khẳng định ranh giới, địa phận của làng và cũng là chủ quyền của quốc gia: … vì Tổ quốc/ chúng tôi là cột mốc/ chúng tôi là trận địa tiền tiêu/ chúng tôi là lá chắn/ chúng tôi là bệ phóng/ chúng tôi là chốt chặn xâm lăng…
Đối với những người con đất Việt, biển đấy mà cũng là làng đấy. Mất biển là mất làng. Nhưng từ ngàn đời nay, qua những lần họa xâm lăng, nước dù có mất nhưng làng thì không thể. Vậy thì làm sao lại có thể mất biển được.
Ngọc Yên – Như Bá
Related posts:
- Nơi giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ
- Ảnh dự thi "Ánh sáng từ dòng vàng trắng" lần thứ V năm 2019
- TCT CS Đồng Nai giành giải nhất Hội thi 85 năm khu vực IV
- Ngôi làng cổ của phu công tra
- Cao su - dòng chảy hào hùng
- Phun thuốc
- Giám đốc đồn điền và những người giúp việc
- Sản phẩm báo chí media ở Tạp chí Cao su Việt Nam: Đi lên từ nội lực
- Cao su Chư Păh: Thi đấu bóng bàn khối văn phòng
- Cao su Phú Riềng tuyên dương 198 học sinh, sinh viên xuất sắc