“Búa liềm vàng”- giải báo chí về xây dựng Đảng

CSVN – Ban Tổ chức Trung ương, Tạp chí Cộng sản, Đài Truyền hình VN vừa phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo VN công bố Giải thưởng báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng mang tên “Búa liềm vàng”.
Họp báo về giải báo chí Búa liềm vàng.
Họp báo về giải báo chí Búa liềm vàng.

Ông Phạm Minh Chính – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo giải “Búa liềm vàng”, cho biết năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và cũng là năm giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng – giải “Búa liềm vàng” lần thứ nhất được phát động và trao vào đúng dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng 3/2/2017.

Để giải được tổ chức thành công, ông Phạm Minh Chính đề nghị các cơ quan báo chí cần tập trung tâm huyết, trí tuệ và công sức để đẩy mạnh tuyên truyền và có nhiều bài viết, phản ánh một cách thuyết phục về Đảng và công tác xây dựng Đảng góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao vị thế, năng lực, sức mạnh, uy tín và trách nhiệm cầm quyền của Đảng.

Giải “Búa liềm vàng” sẽ được trao cho các tác phẩm báo chí xuất sắc viết, sáng tác về xây dựng Đảng trên các mặt: chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, thuộc các lĩnh vực công tác xây dựng Đảng được đăng, phát trên các phương tiện thông tin đại chúng. Giải cũng dành để trao cho các cơ quan báo chí tiêu biểu trong tuyên truyền về xây dựng Đảng.

“Viết về xây dựng Đảng được cho là một trong những lĩnh vực khó nhất bởi viết sao cho thuyết phục, sao cho tác phẩm có sức lan tỏa mạnh trong xã hội là vấn đề mà hầu hết các nhà báo chuyên viết về mảng đề tài này trăn trở. Việc giải “Búa liềm vàng” được phát động cũng chính là cơ hội khích lệ các nhà báo tiếp tục đầu tư trí tuệ, tâm huyết để cho ra đời những tác phẩm có ý nghĩa đối với công tác xây dựng Đảng cũng như với xã hội”, ông Chính cho biết.

T.P

[stextbox id=”stb_style_259398″ caption=”Phóng viên bị cản trở tác nghiệp: 30% do lỗi của mình”]

96% phóng viên tham gia trả lời khảo sát thực hiện tháng 5/2016 của Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED Communication) cho biết đã từng bị cản trở. Từ năm 2011 – 2015, mỗi năm có khoảng 40 vụ cản trở tác nghiệp phóng viên, trong đó 30% số vụ hoàn toàn do lỗi của phóng viên, nhà báo.

Ông Nguyễn Quang Đồng – chuyên gia RED cho biết: Khảo sát của RED Communication về trải nghiệm bị cản trở tác nghiệp của phóng viên cho thấy xu hướng tiếp tục xấu đi, khi có tới 96% người trả lời đã từng bị cản trở, cao hơn nhiều so với mức 88% trong khảo sát năm 2011. Trong đó, gần 36% đã từng bị cản trở từ 5 lần trở lên.

Dữ liệu thống kê của RED cho thấy, số lượng các vụ cản trở ở mức độ nghiêm trọng (đe dọa, hành hung nhà báo) ghi nhận được từ năm 2011 không có chiều hướng gia tăng về số lượng (khoảng 40 vụ việc mỗi năm). Tuy nhiên, các vụ việc điển hình cho thấy mức độ va chạm giữa khu vực doanh nghiệp và báo chí đã tăng lên, là căn nguyên chính của những vụ tấn công nhà báo nổi cộm nhất.

Đáng lo ngại là trong nhiều vụ tấn công, có những nguyên nhân xuất phát từ sai sót nghiệp vụ, từ lỗi tác nghiệp không chính đáng của phóng viên. Có tới 30% số vụ cản trở tác nghiệp thì lỗi sai hoàn toàn thuộc về phía nhà báo, phóng viên. Ông Nguyễn Quang Đồng cũng nhấn mạnh khía cạnh: “Rủi ro các nhà báo dính vòng lao lý trong khi tác nghiệp cũng là vấn đề cần phải quan tâm”.

Khảo sát của RED cũng đã tìm ra một số vấn đề nổi bật khiến các nhà báo, phóng viên dễ dính rủi ro pháp lý, đó là: Thiếu hụt kiến thức pháp lý của nhà báo (hầu như phóng viên, nhà báo phải tự trang bị, tòa soạn chưa có hỗ trợ phù hợp); Không có luật sư tư vấn cho nhà báo trong các vụ việc làm điều tra phức tạp; Nhà báo mơ hồ giữa vai trò điều tra của cơ quan tố tụng/điều tra với vai trò tìm kiếm sự thật của nhà báo…

Mỗi khi có rủi ro xảy ra, nguồn hỗ trợ hiệu quả cao nhất đối với các nhà báo, phóng viên chính là nhóm bạn bè, đồng nghiệp, tiếp đến là tòa soạn. Còn sự tư vấn, hỗ trợ từ hội nhà báo, tổ chức phi chính phủ còn hạn chế. Các Sở TT&TT, chính quyền địa phương, công an cũng là những người có thể hỗ trợ phóng viên khi có hiện tượng xâm phạm nghiêm trọng như xúc phạm, hành hung.

P.V

[/stextbox]