Công nhân cao su kiêm “ca sỹ kẹo kéo”

CSVN – Vốn có năng khiếu ca hát, ngoài giờ cạo mủ, ban đêm anh Phong mang tiếng hát của mình cùng chiếc loa “kẹo kéo” để kiếm thêm thu nhập, vừa thỏa nỗi đam mê.
Huỳnh Thanh Phong bên người bạn đồng hành là chiếc “loa kẹo kéo”.
Huỳnh Thanh Phong bên người bạn đồng hành là chiếc “loa kẹo kéo”.
“Tay văn nghệ” kỳ cựu ở Cao su Bình Thuận

Ngoài công việc chính là công nhân khai thác Đội 3 – Nông trường Gia Huynh – Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận, anh Huỳnh Thanh Phong còn được biết đến là một tay văn nghệ kỳ cựu của công ty, thường xuyên biểu diễn tại Hội thi cấp Tập đoàn.

Cái duyên hát kẹo kéo đến với anh khi được một người bạn quen rủ đi bán chung. Sau một thời gian người bạn nghỉ vì kiếm được một công việc tốt hơn, còn anh vẫn tiếp tục gắn bó với cái “nghiệp cầm ca” để kiếm thêm thu nhập.

Trước đây phải đi cạo thêm cao su tư nhân để kiếm thêm thu nhập nhưng từ ngày có thêm nghề tay trái là bán kẹo kéo, anh bỏ hẳn công việc cạo thêm để tập trung cho “nghề ca hát”. Sau giờ làm việc trên vườn cây, anh nghỉ ngơi cho đến khi hoàng hôn xuống thì tiến hành các công việc cho một buổi tối.

Đầu tiên anh luộc nồi trứng cút, sau đó bỏ vô bịch và gói muối vào từng gói nhỏ và buộc lại cẩn thận. Nói là bán kẹo kéo nhưng anh bán chủ yếu là trứng cút, singum, hạt dưa… tùy theo nhu cầu của “thượng đế” mà anh thay đổi từng ngày cho phù hợp.

Bắt đầu chuyến hành trình, anh chạy xe từ nhà lên trung tâm thị trấn khoảng 5 km, tìm đến những quán nhậu quen thuộc. Với những ca khúc như: “Con nhái bầu”, “Trái tim bên lề”… giọng hát đầy nội lực của anh khiến nhiều người thích thú.

Cùng với chiếc “loa kẹo kéo” và giọng hát của mình, anh đi hết quán này đến quán khác như một con ong chăm chỉ. Khổ nhất là lúc trời mưa. Anh kể, “Những ngày trời mưa không di chuyển được nhiều thì ngày hôm sau nồi cơm của cha con anh thực đơn chính là …thịt kho trứng để giải quyết hết số trứng hôm qua không bán được”. Anh tuyệt đối không bán trứng luộc đi luộc lại nhiều lần vì cho rằng làm ăn buôn bán dù lớn hay nhỏ cũng phải có tâm với nghề và có trách nhiệm với khách hàng.

Vì đam mê nên không còn … “mắc cỡ”

Anh Phong chia sẻ, cực nhất của nghề này là vào các quán nhậu gặp các bợm nhậu say đòi hát hết bài này đến bài khác không cho đi bán. Ngoài ra còn gặp những nhóm hát khác  đòi  đánh vì giành khách của nhau. “Gặp người thông cảm thì xuề xòa cho đi không thì cũng phải mất nhiều thời gian ở quán đó, kể như thu nhập cũng bị ảnh hưởng theo”, anh cười buồn. Ngày nào bán được hết, trừ các chi phí thì anh cũng kiếm được gần 150 ngàn, có khi còn được “boa”, còn ngày nào gặp mưa thì kể như công cốc.

Thời gian đầu đi bán anh còn ngại cầm micro hát, tay thì run, còn mắc cỡ không dám mời vì trong quán gặp nhiều người quen, có khi còn gặp cả đồng nghiệp công nhân trong đội. Nhưng một thời gian sau quen với công việc anh thấy thoải mái, được mọi người đón nhận giúp anh thêm phần tự tin mỗi lúc cất tiếng hát. Công việc chính cạo mủ vào ban ngày vất  vả nên việc phụ cũng không được thuận lợi nhiều. Những ngày việc nhiều như bón phân hay bôi thuốc thì tối hôm đó anh không còn sức đi bán.

Trong đội ai cũng quý mến anh Phong vì tính tình vui vẻ, có lúc cao hứng anh còn chở theo cái loa kẹo kéo khổng lồ vào lô cho mọi người nghe nhạc, hát karaoke trong những lúc giải lao giữa giờ. Anh không chỉ là “tay văn nghệ” kỳ cựu mà còn là “tay cạo” lành nghề, nhiều năm liên tiếp đều đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở.

 THIẾT CÔNG