CSVN – Với mỗi người công nhân khai thác mủ, việc giành được thành tích cao tại một Hội thi Bàn tay vàng là rất khó. Nhưng Lê Thị Lệ lại làm tốt hơn những gì có thể, khi 2 lần liên tục giành ngôi vị cao nhất tại Hội thi Bàn tay vàng Cao su Mang Yang.
Vinh quang ở tuổi 40
Sinh năm 1982 tại Thanh Hóa, 19 tuổi được nhận vào làm công nhân khai thác mủ ở Nông trường K’dang. Ban đầu chỉ nghĩ là công việc mưu sinh, dần nắm vững lý thuyết, lại cạo giỏi, sản lượng cao nên tổ chọn đi thi cấp nông trường, tuy chưa đạt kết quả tốt, nhưng lãnh đạo nông trường nhận thấy chị Lệ có những tố chất có thể phát huy và gặt hát được thành tích cao tại Hội thi cấp công ty, nên năm nào cũng chọn vào đội tuyển. Dù đã cố gắng nhiều, nhưng mức độ cạnh tranh cao tại Hội thi cùng các đồng nghiệp ở tổ, nông trường nên nhiều lần tham gia mà chưa có kết quả tốt, chị Lệ cũng có ý định bỏ cuộc để làm một thợ cạo bình thường, sớm tối ngoài lô, tảo tần chăm sóc gia đình. Tuy nhiên, ý chí phấn đấu muốn vươn lên đã thôi thúc chị quyết không bỏ cuộc trong việc tìm kiếm danh hiệu giá trị tại các kỳ Hội thi.
Sự nỗ lực, cố gắng rồi cũng được đền đáp, sau hơn 20 năm làm công nhân khai thác chị Lê Thị Lệ đã khóc òa, không nói thành lời khi lên nhận giải thưởng cao nhất với phần thưởng là một chiếc xe máy trị giá 25 triệu đồng cùng 16 triệu đồng tiền thưởng của các cấp lãnh đạo tại Hội thi vào năm 2022. Giành ngôi vị quán quân tại một kỳ Hội thi cấp công ty ở tuổi 40, sau 21 năm cạo mủ. Chị Lệ không nghĩ mình sẽ được nông trường chọn vào đội thợ giỏi vì đã 42 tuổi, một độ tuổi rất khó để theo kịp cường độ, tốc độ cao của một Hội thi đầy kịch tính và căng thẳng. Thế nhưng, phong độ ổn định đã giúp Lệ tiếp tục đăng quang lần thứ 2 liên tục tại Hội thi năm 2024 với số điểm tuyệt đối 100 và giành được giải thưởng là chiếc xe máy trị giá 40 triệu đồng, cùng phần thưởng khác của các nhà tài trợ, đoàn thể. Chị Lệ cho biết: “Tôi không nghĩ sẽ tiếp tục giành được thành tích cao, chỉ hy vọng sẽ góp chút sức nhỏ vào thành tích chung của đội, bởi có mình là người cũ các em sẽ yên tâm và thi tốt”. Nhưng kết quả, Lê Thị Lệ đã tạo được một kỳ tích mà không ai ngờ tới. Đây là trường hợp duy nhất đến thời điểm hiện nay trên địa bàn Tây Nguyên 2 lần liên tiếp giành được giải nhất cá nhân ở Hội thi.
Quyết tâm giành thành tích cao tại Hội thi cấp ngành
Bày tỏ cảm xúc của mình sau khi 2 lần liên tục giành được giải nhất, chị Lệ cho hay: “Tôi vô cùng vui sướng và hạnh phúc khi những cố gắng, nỗ lực của bản thân trong nhiều năm qua đã được đền đáp bằng thành quả hôm nay. Tôi sẽ cố gắng hơn nữa, quyết tâm hơn nữa trong những ngày tới, giải thưởng này là sự động viên, khích lệ hết sức lớn cho tôi có động lực để luyện tập tốt hơn cho Hội thi cấp ngành”.
“Hội thi cấp ngành là nơi rất nhiều anh chị em tài giỏi của ngành hội tụ về tranh tài, vì thế không chỉ cá nhân tôi mà toàn đội sẽ nỗ lực hết mình để gặt hái được những kết quả tốt nhất. Trước mắt, chúng tôi phải tích cực và chăm chỉ học tập, rèn luyện” – chị Lệ cho biết thêm.
Cao su Mang Yang đã từng giành được giải nhất đồng đội tại Hội thi vào năm 2004 tại Cao su Phú Riềng, truyền thống đó là điều kiện thuận lợi để chị Lệ và những người thợ giỏi của công ty phát huy thế mạnh, kinh nghiệm cùng với sự nỗ lực, quyết tâm, nhiệt huyết và khát vọng để giành được thành tích cao.
VĂN VĨNH
Related posts:
- Hội Doanh nhân trẻ VRG tổ chức Hội thảo Chuyển đổi số và xu hướng nhân sự
- Nông trường Bachiang 1 giải nhất Hội thi Bàn tay vàng Cao su Việt Lào
- Nhiều giải pháp định hướng phát triển khu công nghiệp
- Dựa vào dân, dẫu khó muôn lần cũng vượt!
- Đảm bảo nguồn nguyên liệu: Cần thực hiện các giải pháp đồng bộ
- Phát triển năng động, tích cực hỗ trợ nhà đầu tư
- VRG tuyên dương 580 học sinh, sinh viên vượt khó học giỏi
- Ước mong năm mới giá mủ cao su khởi sắc để người lao động có thu nhập tốt hơn
- Đậu Văn Thao - Tấm gương trong lao động sản xuất
- Phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật: Nâng cao năng suất, tiết giảm chi phí