Phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật: Nâng cao năng suất, tiết giảm chi phí

CSVN – Qua phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đã phát hiện, khai thác tiềm năng sáng tạo của người lao động, không những nâng cao năng suất lao động mà còn góp phần giúp các công ty tiết kiệm hàng chục tỷ đồng.

Nhiều năm qua, phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật ở Cao su Tân Biên luôn được chú trọng. Trong ảnh: Sáng kiến chế tạo thiết bị chiết rót cân hóa chất NHS của tác giả Nguyễn Văn Hải được công nhân vận dụng vào quá trình lao động sản xuất
Nhiều sáng kiến hữu ích

Bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật ở Công ty CPCS Tây Ninh được duy trì đều đặn. Nhận thấy phong trào sáng kiến cải tiến là động lực để công ty phát triển, phong trào thi đua trong CNVC-LĐ nhờ vậy luôn được chú trọng và nâng cao.

Trong đó, phong trào thi đua sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã làm lợi hàng tỷ đồng mỗi năm cho công ty. NLĐ công ty không ngừng nỗ lực thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, góp phần nâng cao hiệu quả công việc, tăng thu nhập, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.

Nhiều đề tài, sáng kiến với các giải pháp tối ưu, hợp lý hóa trong sản xuất, quản lý doanh nghiệp đã được áp dụng, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, cải thiện môi trường làm việc, tiết kiệm nguyên liệu, vật  liệu,  hạ giá thành sản phẩm…

Với các giải pháp tối ưu, hợp lý hóa đã được áp dụng đã nâng cao hiệu quả, chất lượng lao động được công ty đánh giá cao, các ngành chức năng ghi nhận và biểu dương, khen thưởng. Bên cạnh đó, việc phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật còn góp phần tăng thêm thu nhập cho NLĐ, tạo điều kiện để họ khẳng định mình trong lao động, sản xuất.

Từ năm 2015 cho đến nay có thể kể đến các sáng kiến: “Cải tiến xe vận chuyển mủ thành xe chữa cháy vườn cây cao su” của tác giả Nguyễn Văn Tài – Giám đốc NT Bến Củi. Sáng kiến này góp phần tiết kiệm so với trang cấp mới, bổ sung phương tiện PCCC sẵn có, các xe PCCC túc trực và có tác dụng chữa cháy kịp thời tại vườn cây. Giúp công ty tiết kiệm được 800 triệu đồng/năm.

Sáng kiến “Sử dụng nước thải sau hệ thống xử lý nước thải đạt Cột A, QCVN 01-MT: 2015/BTNMT của Nhà máy Chế biến Cao su Hiệp Thạnh để sản xuất mủ tạp, skim và vệ sinh khuôn viên nhà máy (thay nguồn nước cấp từ giếng khoan)” của tác giả Nguyễn Hữu Hiệp – Phó Phòng Kỹ thuật, giúp tiết kiệm tiền đóng thuế tài nguyên nước để phục vụ sản xuất mủ tạp, skim và vệ sinh nhà máy từ nguồn nước ngầm hằng năm.

Tiết kiệm phí bảo vệ môi trường đối với nước thải khi xả thải ra nguồn tiếp nhận hằng năm. Tiết kiệm tiền điện tiêu thụ khi sử dụng nước thải sau xử lý; Góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu  ô nhiễm môi trường; Tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên đối với nguồn nước ngầm; Sử dụng triệt để các công trình tại hệ thống xử lý nước thải. Tiết kiệm được hơn 120 triệu đồng/năm.

Sáng kiến “Không sử dụng các tấm lắng vách nghiêng bên trong bể lắng 2 của hệ thống xử lý nước thải Nhà máy Chế biến Cao su Hiệp Thạnh” của tác giả Nguyễn Hữu Hiệp – Phó Phòng Kỹ thuật. Sáng kiến này giúp thao tác bơm dễ dàng, giảm công di chuyển bơm ngầm rời, công vệ sinh bể, tiết kiệm thời gian để việc bơm bùn về bể chứa bùn được đơn giản, hiệu quả hơn. Tiết kiệm được hơn 40 triệu đồng/năm.

Hay Sáng kiến “Hệ thống hồ băm mủ cốm tinh” của nhóm tác giả Nguyễn Đình Dương; Phạm Văn Chín; Nguyễn Văn Luật – Nhà máy Chế biến Cao su Bến Củi. Hiệu quả kinh tế đem lại đó là không tạo bọt serum, tăng chất lượng sản phẩm, đáp ứng được yêu cầu khách hàng về sản phẩm cốm SVR chỉ tiêu màu và tạp chất.

Theo lãnh đạo đơn vị, nhận thức tầm quan trọng trong việc phát huy sáng tạo của NLĐ nên lãnh đạo công ty luôn quan tâm và có cơ chế khen thưởng, động viên kịp thời đối với các sáng kiến được áp dụng mang lại hiệu quả cao cũng như các ý tưởng của NLĐ đưa ra để lãnh đạo công ty nghiên cứu áp dụng trong thời gian thích hợp…Nhờ vậy, phong trào thi đua sáng tạo thu hút được đông đảo CBCNV tham gia.

Công ty còn xây dựng và áp dụng công cụ cải tiến NSCL kaizen tích hợp vào hệ thống quản lý chung của công ty. Kết quả, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt ở các mặt như: tiết kiệm chi phí vật tư, điện năng, công lao động và góp phần giảm thiểu chất thải ra môi trường.

Ông Nguyễn Văn Tài – Giám đốc NT Bến Củi, Công ty CPCS Tây Ninh giới thiệu về sáng kiến cải tiến xe chở mủ thành xe chữa cháy vườn cây cao su của mình. Ảnh: Phan Thắng
Nâng cao hiệu quả năng suất lao động

Để duy trì và phát triển phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, lãnh đạo Cao su Tân Biên luôn hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của các sáng kiến, đồng thời tăng cường đổi mới và ứng dụng công nghệ tiên tiến vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt là khen thưởng kịp thời, xứng đáng đối với các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nổi bật, có tính ứng dụng cao nhằm động viên sự sáng tạo trong toàn thể CBCNV.

Công ty triệt để thực hành tiết kiệm, với nhiều biện pháp, sáng kiến, cải tiến được áp dụng, tập trung vận động và phát động nhiều phong trào thi đua lao động sản xuất, lao động giỏi, lao động sáng tạo.

Lãnh đạo công ty luôn chú trọng phong trào sáng kiến cải tiến, nhằm đẩy mạnh phong trào lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến cải tiến trong công ty ngày càng lan tỏa, mang lại hiệu quả thiết thực trong quản lý, điều hành hoạt động SXKD, tiết kiệm nhiều tỷ đồng cho đơn vị.

Nổi bật là các sáng kiến “Chế tạo hệ thống tráng phuy nhựa tận thu mủ tiểu điền bán tự động” của tác giả Kiều Đình Thỏa. Hiệu quả của sáng kiến này mang lại là giảm tối thiểu lượng nước và mủ xả bỏ ra môi trường 90%; thu hồi lượng mủ thất thoát ra ngoài môi trường, tiết giảm lượng nước để hạ hàm lượng DRC lần 1, đảm bảo an toàn trong lao động sản xuất.

Hay sáng kiến “Lắp đặt thêm hồ nạp liệu trong quy trình sản xuất mủ tạp gián đoạn” của tác giả Phạm Văn Tiến. Hồ nạp liệu mủ mang lại sự tiện dụng, giảm nhân công lao động khi đưa mủ lên băng tải. Đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm SVR10, Skim, tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất.

Sáng kiến “Cải tạo van xả mủ nguyên liệu vào máy ly tâm và lắp thêm ống thủy theo dõi lượng mủ bên trong hồ nạp liệu” của tác giả Lê Tấn Lợi đã áp dụng cho tổ ly tâm xí nghiệp cơ khí chế biến, tiết kiệm hơn 15 triệu đồng/năm. Sáng kiến “Chế tạo thiết bị chiết rót cân hóa chất HNS” của tác giả Nguyễn Văn Hải, góp phần cải thiện điều kiện việc làm, không hao phí sức lao động, đảm bảo an toàn trong lao động sản xuất…

Anh Kiều Đình Thỏa, Tổ trưởng tổ đánh đông, Xí nghiệp Chế biến công ty cho biết: “Các phong trào sáng kiến luôn được lãnh đạo công ty tạo điều kiện, ủng hộ và khen thưởng kịp thời. Điều này đã phát huy được phong trào sáng kiến cải tiến trong lao động sản xuất, góp phần giúp đơn vị tiết kiệm hàng tỷ đồng, đồng thời nâng cao hiệu quả năng suất lao động, cải tiến điều kiện làm việc cho NLĐ”.

BÌNH AN