CSVN – Từ chủ trương “gà mẹ đẻ gà con” vào năm 1984 của Tổng cục Cao su Việt Nam (nay là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam), nhiều công ty cao su trên địa bàn Tây Nguyên được thành lập, trong đó có Công ty Cao su Kon Tum. Đến nay, sau 40 năm hình thành và phát triển, Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum đã gặt hái được nhiều thành quả đáng khích lệ. Trong đó có vai trò quan trọng của Đảng bộ công ty trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.
Gian nan cao su bén rễ trên vùng biên giới
Thực hiện chủ trương của Tổng cục Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Phước Hòa đã thành lập bộ khung 38 cán bộ, trong đó có 5 đảng viên lên thị xã Kon Tum xây dựng cơ sở để phát triển dự án cao su, giúp bà con các dân tộc vùng cực Bắc Tây Nguyên từng bước xóa đói, giảm nghèo. Với lý do đó, vào ngày 17/8/1984 Công ty Cao su Kon Tum được thành lập theo quyết định số 84/TCCB-QĐ của Tổng cục Cao su Việt Nam.
Bên lề buổi lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập công ty vào ngày 15/8 vừa qua, chúng tôi có dịp được trò chuyện với ông Phạm Thế Năm, ông Năm là một trong số những người đầu tiên lên trồng cây cao su trên đất Kon Tum. Ông Năm nhớ lại thời kỳ đầu: “Nhiệm vụ của chúng tôi là khai hoang, trồng mới cao su, tạo công ăn việc làm cho nhân dân địa phương, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, góp phần cùng với địa phương giữ vững ổn định an ninh, quốc phòng. Khi ấy, cây cao su còn khá xa lạ với người dân, trong khi cơ sở hạ tầng của địa phương còn hạn chế, nghèo nàn lắm. Điều này, gây nhiều khó khăn cho chúng tôi phát triển cao su trên địa bàn”.
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đưa cây cao su lên vùng cực Bắc Tây Nguyên, ông Năm hồi tưởng: Khi đó, đồng chí Bí thư chi bộ Vũ Ngọc An ngoài việc lo ổn định tư tưởng để anh em yên tâm công tác, vừa phải tập trung đưa sản xuất vào nề nếp, đẩy mạnh công tác khai hoang, chăm sóc vườn ươm. Đồng thời, tập trung nguồn lực làm đường giao thông, xây trạm xá, điện phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân cũng như người lao động của công ty.
Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Phạm Thế Năm kể: “Ngay những ngày đầu tiên, chúng tôi đã phải đối diện với vô vàn gian khó từ việc cơ sở hạ tầng không có gì, dân cư thì thưa thớt, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, lại quen sống với phong tục du canh du cư, ngôn ngữ thì bất đồng, rồi bệnh sốt rét hoành hành…nên làm việc gì cũng khó. Nhưng, trong những lúc như thế, tổ chức Đảng và đồng chí Bí thư đã thể hiện rõ quyết tâm là phải phát triển bằng được cây cao su trên vùng đất này, có như vậy mới giúp nhân dân địa phương có công ăn, việc làm và từng bước thoát nghèo”.
Ông Năm cho biết thêm: “Những khó khăn và thiếu thốn ấy, nhiều lúc chúng tôi tưởng chừng không thể vượt qua, nhưng bằng sức người, trí tuệ và sự cần mẫn của 38 con người, và được sự giúp đỡ của các cấp chính quyền địa phương đã tạo nguồn cổ vũ, động viên mạnh mẽ giúp chúng tôi từng bước khắc phục khó khăn để những cây cao su đầu tiên được bén rễ trên vùng đất đỏ bazan màu mỡ, định hình nên Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum như hôm nay”.
Tạo dựng niềm tin vào cây cao su cho bà con vùng biên
Trong một lần đi thực tế tại Nông trường Dục Nông, ở huyện Ngọc Hồi, một huyện biên giới có ngã ba Đông Dương tiếp giáp với 2 nước bạn Lào và Campuchia. Chúng tôi được tiếp xúc với nhiều bà con các dân tộc thiểu số đang là công nhân, hộ nhận khoán của nông trường. Người dân nơi đây rất hiền hòa, dễ thương, vui tính và thoải mái chia sẻ với chúng tôi về cuộc sống, công việc và cả sự tích về việc đón nhận cây cao su. Trong số ấy, có ông Brôl Đức Nghĩ, 73 tuổi, người dân tộc Triêng, từng làm Bí thư Chi bộ thôn Đăk Răng, xã Đắk Dục nhiều năm.
Hiện gia đình ông Nghĩ có 2 ha cao su kinh doanh được hơn 10 năm, và là hộ nhận khoán đầu tiên của nông trường với 2,7 ha cao su khai thác. Ông chia sẻ với chúng tôi về cuộc sống của người dân thôn Đăk Răng thời chưa có cây cao su: “Trước khi có cây cao su, ở thôn chúng tôi có trên 20% số hộ bị thiếu ăn, trong số đó có những hộ thiếu ăn đến 6 tháng, bà con dân làng có gì giúp nhau cái đó, sống qua ngày nên người dân ở đây nghèo và khổ lắm, không biết đến bữa ăn no chứ nói gì đến việc đi học”. Rồi ông Nghĩ kể về sự xuất hiện của cây cao su, một loại cây được nhiều người đồng bào dân tộc thiểu số vẫn thường gọi với cái tên “cây thoát nghèo”: “Lúc cây cao su được đưa đến trồng ở vùng đất này, người dân phản đối lắm, sợ cán bộ vào lấy hết đất của dân. Là một đảng viên, Bí thư chi bộ thôn tôi phải đi đầu trong việc giao đất cho công ty đến tự tay đi trồng cây cao su đầu tiên cho nông trường”.
Ông Bùi Gia Đạo – Phó Tổng giám đốc công ty, từng là một thanh niên trẻ khỏe, một trong số những người đầu tiên lên khai hoang trồng mới cao su ở Nông trường Dục Nông, giúp bà con từng bước thoát nghèo chia sẻ với chúng tôi: “Vào những năm 90 của thế kỷ trước, anh em thanh niên chúng tôi lên đây trồng cao su với một khí thế hào hùng, nhìn rừng núi bạt ngàn thế, nhưng cũng chỉ lổm chổm vài nơi có rừng, bởi chiến tranh và chất hóa học đã làm vùng đất này trở nên khó sinh sôi nảy nở, đồi trọc, dốc dài, giao thông chỉ là những con đường đất. Người dân nơi đây còn nhiều hủ tục lạ, nhưng một khi họ đã tin rồi thì hết sức ủng hộ”.
Theo tìm hiểu, khi Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum có chủ trương phát triển cao su trên huyện biên giới này, cụ thể là tại xã Đăk Dục đã gặp nhiều khó khăn, song cũng có những thuận lợi lớn lao, đó là tinh thần cách mạng của người dân rất cao, sự ủng hộ của chính quyền địa phương, đặc biệt là già làng, trưởng bản. Chính điều này, làm cho những hộ nhận khoán hôm nay từ một cuộc sống nghèo khó, đói ăn nay đã khác xưa, tất cả họ đã thật sự thoát khỏi cảnh đói nghèo, chưa dám nói khá nhưng chắc chắn không còn hộ thiếu ăn, không còn hộ nhận khoán ở nhà tranh vách đất.
VĂN VĨNH
Kỳ sau: Khẳng định vai trò lãnh đạo của tổ chức
Đảng trong doanh nghiệp
Related posts:
- Đa dạng giải pháp nhằm ổn định lao động
- Cao su Mang Yang: 104 đại biểu tham dự Hội nghị nông nghiệp
- Cao su Sa Thầy tổ chức gặp mặt nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Cao su Chư Păh tổ chức hội nghị khoa học kỹ thuật
- Thời tiết thuận lợi, Cao su Đồng Nai ra quân tái canh trồng mới
- Cao su Sơn La tập huấn công tác an toàn vệ sinh lao động
- Các đơn vị tại Lào phải chủ động khắc phục khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2022
- Đảng bộ Cao su Bà Rịa: Lãnh đạo công ty phát triển ổn định, vững mạnh
- Hào hứng tranh tài tại Hội thi Bàn tay vàng lần đầu tiên
- Giá cao su giảm, tiểu điền chới với!