Giá cao su giảm, tiểu điền chới với!

Kỳ 2: Ai lo cho nông dân?

>>Kỳ 1

 Trước tình hình giá mủ cao su xuống thấp, lo lắng cho nguồn thu nhập của gia đình, nhiều chủ vườn đã chủ động tìm hướng đi riêng. Để vượt qua khó khăn, tạo nguồn thu nhằm duy trì vườn cây, nhiều hộ tiểu điền tìm cách xây dựng các mô hình kinh tế phụ trợ.
Hoang mang, lo lắng

Trong tình hình này, nhiều hộ cao su tiểu điền rất hoang mang, lo lắng. Chủ hộ Lê Song Ngũ ở thị trấn Chư Păh, Gia Lai thật thà bày tỏ: “Tôi nhớ năm 2008, do Trung Quốc đang bận tổ chức Olympic nên họ không mua mủ của mình. Còn hôm nay họ… “độc chiếm” ngoài biển Đông chắc họ không thèm mua mủ của mình nữa đâu, nên giá sẽ còn xuống nữa. Vườn cây nhà tôi cũng hơn 10 năm rồi, đã đến lúc thanh lý. Nếu thanh lý, chúng tôi sẽ không trồng lại cao su nữa mặc dù chưa biết trồng cây nào là hiệu quả”.

Theo tính toán của chị Trịnh Thị Vân,Tổ trưởng thu mua cao su tiểu điền, Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh thì với giá bán như năm 2013 chỉ 1 ha của hộ tiểu điền cũng tạo ra lãi ròng khoảng 25 triệu đồng. Còn như năm nay giá thấp hơn còn khoảng 80% so với năm trước thì mỗi ha cũng cho thu nhập lãi ròng khoảng 20 triệu đồng, không thấp đến nỗi để phải phá bỏ. Chỉ có các hộ có điều kiện thì họ cho nghỉ để dưỡng cây, những hộ có diện tích nhỏ lẻ và là thu nhập chính thì vẫn tự bỏ công khai thác bình thường để đủ cho cuộc sống hàng ngày. Điều lo lắng chính là các gia đình như anh Phạm Xuân Vũ ở thôn Tam Điệp – xã Hneng, Đăk Đoa – Gia Lai, dù được hưởng ưu đãi từ dự án nhưng lại là lúc bắt đầu trả nợ ngân hàng như cam kết bao gồm cả gốc lẫn lãi. Cụ thể gia đình anh Vũ bắt đầu trả lãi và gốc từ 2013 cho đến 2018, mỗi năm vợ chồng anh phải trả xấp xỉ 12 triệu đồng, đây cũng chính là một gánh nặng cho gia đình khi còn rất nhiều thứ cần tiền để đầu tư, chi tiêu trong nhà.

Gia đình chị Tâm – EaHLeo, Đăk Lăk thì như ngồi trên đống lửa: “Khi giá mủ lên cao, hai vợ chồng bàn tính vay tiền bà con và ngân hàng để đầu tư trồng 5 ha cao su. Lúc đó, thấy giá mủ cao ai cũng trồng cao su, mình cũng theo trào lưu chung đó. Theo tính toán thì chỉ cần thu hoạch 2 năm là có thể trả nợ ngân hàng và dư chút đỉnh. Ai ngờ đến bây giờ thì giá xuống hơn một nửa so với thời kỳ đỉnh điểm. Gia đình mình cũng chưa tìm ra phương án thích hợp, vì ở đây người ta chặt cao su để trồng tiêu nhiều lắm nhưng mình không nỡ phá bỏ bao nhiêu công sức đầu tư được. Hy vọng giá cao su sẽ tăng trong thời gian gần nhất”.

Bị ép giá thu mua, người dân tìm đến doanh nghiệp Nhà nước

Giá cao su xuống thấp nông dân đã khổ, mang mủ đi bán lại càng khổ hơn. Lúc giá cao, thương lái tới tận vườn tranh nhau mua, khi ế ẩm khệ nệ mang tới tận điểm thu mua còn bị o ép. Để giảm thiệt thòi, nhiều hộ tiểu điền đã chủ động thay đổi phương thức bán mủ. Họ tìm đến những điểm thu mua có uy tín, làm ăn đàng hoàng, không chụp giựt để bán.

Để tránh bị ép giá, họ đã tìm đến bán cho các doanh nghiệp Nhà nước, cụ thể là các nhà máy thuộc VRG. Tại Phước Hòa, huyện Phú Giáo, Bình Dương, nhà máy của Công ty CPCS Phước Hòa là một điểm thu mua uy tín nhiều năm nay. Ông T. ở Phước Hòa, Bình Dương cho hay, “Nhiều hộ có diện tích vài chục hecta trở lên thì vẫn cạo như bình thường, tuy không lời nhiều như thời giá cao su cao đỉnh điểm nhưng vẫn có lời, chứ không hề lỗ vốn. Trên địa bàn có hàng trăm điểm thu mua, chúng tôi vẫn bán cho các nơi thu mua có uy tín, chứ không bán cho các địa điểm nhỏ lẻ mua về bán lại”.

 Hộ tiểu điền mang mủ tới tận nhà máy chế biến Công ty CPCS Phước Hòa để bán

Hộ tiểu điền mang mủ tới tận nhà máy chế biến Công ty CPCS Phước Hòa để bán

Ông Nguyễn Thế Hùng (xã Phước Hòa, Phú Giáo), cho biết khi chia mủ trên cùng vườn cây bán cho hai điểm thu mua nhỏ lẻ khác nhau thì có sự chênh lệch về độ. Chính vì vậy, ông không tin vào cách đo của những điểm thu mua này. “Bị ăn gian vài độ trong thời gian dài thì thiệt hại của nông dân rất lớn. Vài năm gần đây tôi chủ yếu bán mủ cho các công ty quốc doanh”, ông Hùng cho hay.

Còn ông Nguyễn Thành Trung (xã Vĩnh Hòa, Phú Giáo), cho biết 3 năm nay ông mang mủ tới tận nhà máy chế biến của Công ty CPCS Phước Hòa để bán. “Bán cho công ty quốc doanh thì tôi an tâm hơn trong cách cân, đo và chính sách giá rõ ràng, không lo như bán cho các điểm thu mua tư nhân”, ông Trung nói.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Quốc Việt – Phó TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng, cho biết để giúp nông dân có đầu ra ổn định, tránh tình trạng bị tư thương ép giá, công ty đã thành lập hệ thống thu mua mủ của nông dân trên địa bàn huyện. “Năm 2014, công ty đặt kế hoạch thu mua mủ cao su tiểu điền 6.000 tấn. Đến cuối tháng 5, công ty đã thu mua được hơn 540 tấn. Nhìn chung, công tác thu mua thuận lợi, bà con tiểu điền yên tâm khi bán cho công ty. Với sản lượng thu mua hàng năm, công ty hỗ trợ được phần nào nông dân tiểu điền trong việc tiêu thụ sản phẩm”, ông Việt cho biết.

Tương tự, tại khu vực Tây Nguyên, mặc dù số lượng thu mua của các doanh nghiệp thuộc VRG còn ít so với miền Đông nhưng vẫn uy tín hơn các hộ tư thương. Chị Trịnh Thị Vân,Tổ trưởng thu mua cao su tiểu điền, Phó Giám đốc Xí nghiệp Cơ điện chế biến – Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh, cũng là hộ tiểu điền có 2 ha đang khai thác ở năm thứ 14, cho biết: “Đầu vụ khai thác năm nay, số lượng tiểu điền đến hợp đồng bán mủ cho công ty đã tăng lên 1,5 lần so với năm trước. Theo tôi, với thực trạng hiện nay nhiều hộ cao su tiểu điền đã bị ép giá dẫn đến đặt niềm tin vào các doanh nghiệp lớn, có uy tín lâu nay. Hiện giờ, mỗi ngày xí nghiệp cũng thu mua được khoảng 2 tấn quy khô”.

Để tạo dựng niềm tin đối với khách hàng, việc thu mua mủ cao su tiểu điền luôn được các công ty cao su VRG chú trọng. Với lợi thế vườn cây cao su của công ty quản lý đứng chân trên hai huyện Đức Linh và Tánh Linh, tiếp giáp các dự án, hộ trồng cao su tiểu điền với diện tích trên 30 ngàn hecta, thời gian qua Công ty TNHH MTV CS Bình Thuận luôn thực hiện chính sách thu mua ưu đãi bằng phương án quy định cụ thể, chi tiết cho từng đối tượng khách hàng. Mạng lưới tiếp thị, thu mua đi sâu xuống cơ sở, nhà vườn tìm kiếm khách hàng, thực hiện giá mua bán cạnh tranh, linh hoạt.

Chủ động “lấy ngắn nuôi dài”

Tại một số huyện trên địa bàn tỉnh Bình Dương, đã có nhiều diện tích cao su được người dân thanh lý để trồng lứa cao su mới hoặc chuyển qua các loại cây trồng khác. Tuy nhiên, nhìn chung, đa số người dân đều đặt niềm tin vào cây cao su. Tình hình khó khăn trong vài năm gần đây, nhiều hộ dân tìm cách xây dựng các mô hình kinh tế phụ để cải thiện thu nhập và cũng là để có nguồn đầu tư duy trì vườn cây cao su. Tại một số địa phương, người trồng cao su tiểu điền đã kết hợp xây dựng một số mô hình như nuôi gà thả vườn, trồng cây cảnh, nuôi heo, bò, dê… theo kiểu nhỏ lẻ.

Người trồng cao su tiểu điền giờ chỉ còn trông mong vào mô hình chăn nuôi để lấy ngắn nuôi dài, chờ giá cao su khôi phục
Người trồng cao su tiểu điền giờ chỉ còn trông mong vào mô hình chăn nuôi để lấy ngắn nuôi dài, chờ giá cao su khôi phục

Khi giá mủ cao su xuống thấp, ông Đinh Văn Quyền (ấp Đồng Trâm, xã Phước Sang) tranh thủ thanh lý vườn cây già và trồng mới. Ông chỉ giữ lại một số diện tích cây khai thác khoảng 3 năm vì vườn cây còn trẻ. Ông hy vọng, vườn cây trồng mới khi đưa vào khai thác giá sẽ tăng trở lại. Để có vốn tái canh và đầu tư vào vườn cây khai thác, ông mạnh dạn đầu tư nuôi dê và trâu. “Để có vốn đầu tư cho vườn cây mới trồng, tôi phải đầu tư xây dựng mô hình mới. Để nhanh chóng có thu nhập tôi chọn mô hình chăn nuôi. Trong 3 năm nay, gia đình tôi có nguồn thu ổn định từ mô hình chăn nuôi và có điều kiện để tiếp tục đầu tư cho cây cao su. Từ khi đầu tư cho chăn nuôi, tôi tính toán, nếu xây dựng mô hình chăn nuôi hợp lý và có cách chăn nuôi khoa học, có quy mô thì các mô hình chăn nuôi cũng không thua kém gì mấy so với cây cao su”, ông Quyền chia sẻ.

Cách làm của ông Quyền trong điều kiện hiện nay là hợp lý và đã có nhiều nông dân chọn xây dựng các mô hình chăn nuôi như ông. Trong khi đó, ông Trịnh Hùng – hộ tiểu điền ở xã Trừ Văn Thố (huyện Bàu Bàng), bày tỏ Nhà nước cần có sự can thiệp để giá cả các loại nông sản, nhất là giá mủ cao su, loại cây trồng có ảnh hưởng lớn đến thu nhập của nhiều hộ dân không còn cảnh bấp bênh. “Sản xuất nông nghiệp ngày càng khó khăn, giá đầu vào cao, còn đầu ra thì bấp bênh, trong khi thương lái lại ép giá. Người trồng cao su tiểu điền rất mong muốn các cơ quan Nhà nước cần có phương án quản lý các thương lái thu mua mủ và cần có nhiều điểm thu mua mủ tập trung có sự quản lý của cơ quan chức năng để người trồng cao su chúng tôi bớt thiệt thòi”, ông Hùng đề xuất.

Bài, ảnh: Đinh Sơn – Bình Nguyên – Văn Vĩnh – Minh Nhiên

(Xem tiếp kỳ sau)