(Tiếp theo kỳ trước)
GIÁ TRỊ CỦA LAO ĐỘNG VÙNG NHIỆT ĐỚI
CSVN – Một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất trong ngành cao su trước Thế chiến lần thứ II là lương của công nhân và các cuộc đấu tranh về lương bổng vẫn tiếp diễn trong suốt thập niên 1940. Chính phủ bắt đầu xác lập quyền kiểm soát đối với ngành công nghiệp này vào mùa xuân năm 1946 bằng việc thành lập một ủy ban để xác định mức lương tối thiểu cho những công nhân đồn điền có ký kết hợp đồng.
Việc đảm bảo quyền lợi cho công nhân rất ít ỏi
Tương tự như mối quan tâm về việc bảo vệ đầu tư nước ngoài trực tiếp được thể hiện khắp nơi ở Đông Nam Á. Trớ trêu thay, quan điểm của người Việt về nguồn lao động di cư này đã tạo ra một sự phân chia lợi ích thuộc địa, trong đó các quan chức và chủ đồn điền người Pháp ở miền Nam muốn tiếp cận nguồn dân cư được coi là rất đông đúc ở miền Bắc. Thủ hiến Nam Việt đề nghị thành lập một ủy ban gặp nhau ở Sài Gòn, trong đó qui tụ các đại diện của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thủ hiến Bắc Việt, Thủ hiến Nam Việt và Hiệp hội Những người trồng cao su.
Tại cuộc gặp, vốn phản ánh và cụ thể hóa những mối liên kết giữa chính phủ và doanh nghiệp, các đại biểu đồng ý là nên soạn lại bản hợp đồng mẫu của năm 1927, chính phủ nên có nhiều công cụ hơn để buộc các chủ đồn điền thi hành những điều khoản của hợp đồng lao động, và tiêu chuẩn cuộc sống của công nhân cần phải được cải thiện. Các đại biểu cũng thống nhất chấm dứt việc tuyển dụng tù nhân chiến tranh cũng như các phương thức tuyển dụng lao động cưỡng bức, cắt giảm thời hạn hợp đồng từ 3 năm xuống còn 30 tháng, giảm giờ làm việc trong tuần từ 60 giờ xuống 48 giờ, tăng thời lượng nghỉ phép có lương từ 8 ngày lên 11 ngày, trao cho thanh tra lao động nhiều quyền giám sát hơn đối với quy trình tuyển dụng, và tăng cường điều kiện vật chất nhằm đảm bảo đời sống cho công nhân cùng gia đình họ.
Những nhượng bộ như vậy là vẫn còn quá ít ỏi, vì trong khi các đại biểu miền Bắc muốn những hợp đồng chỉ có giá trị 1 năm, song họ chỉ có thể thương lượng giảm được 6 tháng so với hợp đồng năm 1927. Sự thay đổi này, tuy vậy, đã được thiết lập trong thời kỳ Mặt trận Bình dân. Vì vậy, bản giao kèo mới này tượng trưng cho chiến thắng của các doanh nghiệp và chỉ đáp ứng tối thiểu các tiêu chuẩn quốc tế hoặc quá mập mờ để có thể chấp nhận trì hoãn thi hành.
Việc đền bù thiệt hại cho gia đình các công nhân tử vong vì tai nạn lao động cũng là một điểm gây tranh cãi. Vào năm 1950, thợ sửa xe Phạm Văn Ban đã tử vong khi đang sửa chiếc xe tải nhỏ tại đồn điền Quản Lợi ở Thủ Dầu Một. Gia đình bất hạnh của nạn nhân chỉ được đồn điền bồi thường 4.529,7 đồng Đông Dương (chưa tới 300 USD) – tương đương khoản tiền lương một năm. Mặc dù số tiền này nhiều hơn 5 đồng Đông Dương so với giá trị mạng sống của một nhân công vào những năm 1920, nhưng so ra số tiền đó vẫn chẳng là bao.
Hơn nữa, các quản lý phần lớn vẫn chưa phải nhận hình phạt nào vì những hành vi bạo lực đối với nam, nữ công nhân, cho dù các công nhân đã thật sự phải cố gắng chống chọi lại. Điệp Liên Anh ghi nhận từ năm 1945 đến năm 1954 “công nhân cao su là nguồn lực của cả hai phía… Việt Minh cố gắng hướng công nhân cao su vào cuộc đấu tranh chống lại người Pháp”. Trung đoàn 303 ở tỉnh Thủ Biên được thành lập vào năm 1951 từ việc sáp nhập giữa Thủ Dầu Một với Biên Hòa, có 95% số thành viên là công nhân cao su. Công nhân cũng chiếm lấy tài sản của đồn điền, từ bò đến hóa chất, có những bài thơ được viết để ca ngợi những nữ nhân công đã tiếp tế cho binh lính.
Đấu tranh đòi tăng lương
Hầu hết các quan chức Việt Nam chấp nhận khuôn khổ về pháp lý – y tế cho người lao động đã được thiết lập trong thời kỳ thuộc địa. Đầu năm 1949, Bộ trưởng Bộ Lao động và Hoạt động xã hội Ngô Quốc Côn đã viết một báo cáo cho quốc trưởng lâm thời của Việt Nam đề cập vấn đề mức lương tối thiểu cho công nhân nông nghiệp. Trong báo cáo của mình, vị bộ trưởng đã trình bày đầy đủ chi tiết về những lợi ích tài chính và phi tài chính mà lực lượng lao động đồn điền đã nhận được. Dựa trên lập luận khoa học thời thuộc địa của mình, ông ta đề cập vấn đề gia tăng phúc lợi. Ông cho rằng giá trị tài chính của khẩu phần dinh dưỡng có thể thay đổi theo không gian và thời gian, nhưng tỉ lệ của bản thân nó là không thay đổi, vì vậy cơ thể người Việt Nam ở miền Bắc có cùng nhu cầu như những người ở miền Nam.
Do đó, khẩu phần này có thể được xem là “cơ sở khoa học để xác định một phần tiền lương”, cùng với các nhu cầu khác của con người, như nhà ở và sức ép liên quan đến giá cả các loại thực phẩm, bằng một tỷ lệ cố định. Bên cạnh vấn đề lương thực, nhà ở và các khoản trợ cấp khác được nêu trong các quy định về lao động ban hành năm 1927, vị bộ trưởng kết luận rằng mức lương hiện tại là không đủ và người lao động nên được phép có nhiều quyền kiểm soát hơn đối với cách mà họ nhận được các khoản trợ cấp để điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh của gia đình mình.
Trong khi đó, công nhân đang đấu tranh để yêu cầu tăng mức lương này, vào ngày 30/4 và 1/5/1949, hơn 200 công nhân ở đồn điền An Lộc và Courtney đã đình công đòi tăng lương. Theo thói quen của nông dân Đông Á, họ đã ký tên của mình thành một vòng tròn để không xác định được người ký đầu tiên và đã thành công trong việc đòi tăng lương từ 3,5 đồng Đông Dương lên 5,25 đồng Đông Dương mỗi ngày. Những nhượng bộ như vậy cho thấy các chủ đồn điền đang rất cần công nhân, nhưng họ chỉ sẵn sàng tăng lương khi công nhân chủ động đấu tranh. Những người chỉ trích mức lương thấp và biện pháp tuyển dụng khắc nghiệt thường công kích ngành công nghiệp cao su bằng cách nêu ra lợi nhuận mà các đồn điền cao su thu được. Ví dụ, một báo cáo được lưu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III đã xem xét các chi phí và lợi nhuận từ việc sản xuất cao su của Công ty Đồn điền Đất Đỏ ở Campuchia. Với sản lượng hàng năm từ 1.000 đến 2.000 tấn cao su của Công ty Đồn điền Đất Đỏ, mức lợi nhuận đạt từ 800.000 đến 1.600.000 đồng Đông Dương (tương đương 50.000 USD đến 100.000 USD). Theo tính toán của Việt Minh, lợi nhuận trên toàn Đông Dương vào năm 1948 của ngành cao su là 224.200.000 đồng Đông Dương (tương đương 12 triệu USD). Trong cuộc tranh luận năm 1950 về tuyển dụng lao động, ông Thiệu và chính phủ Quốc gia Việt Nam cũng nêu lên vấn đề tiền lương. Chính phủ Quốc gia Việt Nam chỉ ra rằng những lao động phổ thông tại Hà Nội kiếm được 15 đồng Đông Dương mỗi ngày, trong khi những lao động có tay nghề cao kiếm được 40 đồng Đông Dương. Xem xét việc cung cấp gạo, nhà ở, quần áo, phương tiện đi lại và công cụ, mức lương tương đương cho các đồn điền sẽ vào khoảng 10 đồng đến 25 đồng Đông Dương. Vào thời điểm đó, tiền lương thực tế tại các đồn điền đã được quy định đối với mỗi lao động phổ thông và lao động lành nghề lần lượt là 4,25 đồng Đông Dương và 5,25 đồng Đông Dương mỗi ngày.
Các đại biểu đã không thể đạt được sự đồng thuận về vấn đề này, và đại diện của các chủ đồn điền đã rời cuộc họp cùng với lời hứa “sẽ trao đổi với hiệp hội”. Trong một ghi chép không rõ ngày tháng vào khoảng đầu năm 1950, Công ty Đồn điền Đất Đỏ đã tự đưa ra những tính toán của họ về mức lương. Không có gì ngạc nhiên khi công ty cho rằng mức lương hiện tại 4,25 đồng Đông Dương và 5,25 đồng Đông Dương là hợp lý. Mức lương này đã bao gồm mọi khoản trợ cấp vật chất mà đồn điền cung cấp, căn cứ vào mức chi tiêu của gia đình những lao động phổ thông và lao động lành nghề tại Sài Gòn theo tính toán của Viện Thống kê và Khảo cứu Kinh tế (Institute de la statictique et des études économique). Những mức chi tiêu gia đình như vậy không đưa ra các mức giá tuyệt đối; chúng được tính toán dựa trên các khoản tiền chi tiêu tương đối cho thuốc men, quần áo, thực phẩm và giải trí.
HÀ KHUÊ
(trích từ Sách “Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử – Sinh thái (1897 – 1975)” của tác giả Michitake Aso, NXB tổng hợp TPHCM, tháng 6/2023)
(Xem tiếp kỳ sau)
Related posts:
- Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử - Sinh thái (1897 - 1975)
- Doanh nghiệp ứng phó với sự cố truyền thông
- Hội diễn Khu vực I – Hà Giang rực rỡ sắc màu
- Đội Cao su Quảng Nam đoạt giải nhất Hội thi 85 năm khu vực II
- Đi để trưởng thành
- Cây cao su già nhất Malaysia hiện có trị giá gần 200.000 Ringgit
- Cao su thành thị
- Binh đoàn 15 gặp mặt báo chí Xuân Tân Sửu 2021
- Vẫn hát lời tình yêu
- Hội thi Tiếng hát Công nhân Cao su: Sân chơi bổ ích của người lao động toàn ngành