Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử – Sinh thái (1897 – 1975)

(tiếp theo kỳ trước)

XÃ HỘI HÓA TRI THỨC

Sự liên kết của các đồn điền cao su với việc sản sinh và lưu thông nguồn tri thức thuộc địa đã thách thức các nhà lãnh đạo chống chủ nghĩa thực dân áp dụng những quan điểm mang sắc thái khoa học hơn.

Người Pháp thúc đẩy công tác nghiên cứu về cây cao su.
Thành lập các Viện, trạm nghiên cứu về cao su

Số phận của Viện Nghiên cứu Cao su Đông Dương là ví dụ về những áp lực bủa vây công tác nghiên cứu khoa học. Viện này được thành lập vào năm 1941 để thực hiện các điều khoản của Hiệp ước Cao su Quốc tế năm 1934. Món nợ của Đông Dương với các đế quốc thực dân là cái cớ bề ngoài để thành lập Viện Nghiên cứu Cao su Đông Dương, còn nguyên nhân thực tế xuất phát từ mong muốn của các chủ đồn điền người Pháp muốn duy trì tính cạnh tranh, vì mối đe dọa từ cao su tổng hợp và cả những lo ngại về việc rớt giá. Viện được tài trợ bằng nguồn vốn tư nhân và được thụ hưởng từ một di sản nghiên cứu của chính quyền về cao su. Nhiều cơ sở nghiên cứu của Viện, như trạm nghiên cứu nông nghiệp Lai Khê, được kế thừa từ chính quyền. Các cơ sở mới đã được xây dựng trên cả vùng đất xám và đất đỏ ở Nam Kỳ và Campuchia, các doanh nghiệp tư nhân sẽ đóng vai trò chính. Chẳng hạn, công ty Đồn điền Đất Đỏ đã cung cấp máy móc của mình cho Phòng Hóa học và Công nghệ của Viện Nghiên cứu Cao su Đông Dương để nghiên cứu các thuộc tính của mủ cao su.

Sự áp đảo hoàn toàn của ngành công nghiệp cao su trong việc quản lý viện được phản ánh trong thành phần của ban giám đốc, bao gồm năm đại diện của ngành và chỉ có một đại diện của chính quyền. Tuy nhiên, tổ chức nghiên cứu tư nhân này tiếp tục có quan hệ chặt chẽ với chính quyền. Giám đốc đầu tiên của viện là một kỹ sư nông nghiệp, người từng đứng đầu phòng thí nghiệm của các sở nông nghiệp thuộc chính quyền thuộc địa tại Đông Dương trong nhiều năm. Trên thực tế, những mối quan tâm của ngành công nghiệp cao su đã áp đặt viện nghiên cứu trong việc xác định phần lớn kiến thức nông học do các trạm nghiên cứu của viện tạo ra. Các trạm này phù hợp với sự phân chia lao động khoa học đã có từ trước giữa công nghiệp và chính quyền, tập trung vào lĩnh vực thực vật học kinh tế và khoa học về nhựa cây, để các trạm do chính quyền điều hành thực hiện những nghiên cứu đòi hỏi phải đo vẽ đất đai và lập bản đồ khí hậu. Các trạm của viện cũng có chức năng điều chỉnh, khi các nhà nghiên cứu phân loại cao su dành cho thương mại quốc tế và theo dõi dữ liệu thống kê sản xuất.

Năm 1941, sử dụng các dòng vô tính, hoặc các gốc ghép, đã được phát triển tại Đông Ấn Hà Lan và Mã Lai, trạm nghiên cứu nông nghiệp tại Lai Khê đã tạo ra các dòng vô tính của riêng mình. Lĩnh vực thực vật học kinh tế đang được vận hành tại các trạm của viện tiếp tục thực hiện các chương trình khoa học của thập niên 1930 và nhắm đến việc tạo ra giống cao su hevea phù hợp với điều kiện địa phương, nghiên cứu tập tính của các bộ phận trên cây trong mối quan hệ với một loạt các yếu tố sinh trưởng. Những nghiên cứu này phù hợp với xu hướng của ngành công nghiệp cao su vào cuối những năm 1940 và đầu những năm 1950, khi các nhà nghiên cứu tìm ra cơ chế sinh học của việc tạo mủ. Những thí nghiệm này rốt cuộc là nhằm trả lời cho một câu hỏi cơ bản: làm thế nào để có được năng suất cao su cao nhất trên mỗi đơn vị đầu vào và tạo ra năng suất của dòng vô tính trong thực tế gần hơn với năng suất tiềm lực về mặt lý thuyết của chúng”. Khoản tài trợ cho viện ban đầu đến từ Văn phòng Cao su Sài Gòn, được chu cấp từ nguồn thuế xuất khẩu cao su được ủy thác theo hiệp ước quốc tế năm 1934. Từ năm 1941 cho đến khi Nhật đảo chính Pháp năm 1945, viện đã hoạt động hiệu quả đến mức đáng ngạc nhiên. Đã có những dự thảo thành lập một trung tâm nghiên cứu mới tại Lai Khê mà sẽ nhấn mạnh tầm nhìn hiện đại về cao su, tập trung vào dây chuyền sản xuất và tạo ra sản phẩm về tri thức.

Tăng cường viện trợ, thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học

Năm 1949, việc thành lập Quốc gia Việt Nam đã tạo ra một cấu trúc pháp lý mới cho các tổ chức như Viện Nghiên cứu Cao su Đông Dương, trong đó các chủ đồn điền người Pháp vẫn giữ quyền kiểm soát. Bất kể áp lực của chính sách lấy quốc gia làm trung tâm và bao lực gia tăng cùng với sự suy giảm việc lưu chuyển nhân lực và dòng tiền từ Pháp; các chương trình hợp tác khu vực đã được thiết lập trở lại ở các quốc gia mới độc lập như Malaysia, Indonesia và Sri Lanka. Những liên kết khu vực này báo hiệu không còn những liên minh đế quốc nữa; thay vào đó, chúng phản ánh các liên minh trong Chiến tranh Lạnh dựa trên bản sắc các quốc gia. Các báo cáo kỹ thuật và báo cáo thường niên của thập niên 1950 càng cho thấy rõ nét hơn sự bất ổn như với tình trạng nghiên cứu khoa học ở Lai Khê. Từ năm 1952 đến năm 1958, các báo cáo đã phân loại những thí nghiệm thành hai loại: thí nghiệm khoa học cơ bản được thực hiện nhằm hiểu rõ hơn các đặc tính cơ bản của cao su và của mủ cây; và thí nghiệm khoa học ứng dụng nhằm giải quyết các vấn đề cụ thể mà ngành công nghiệp cao su đang phải đối diện. Khả năng xây dựng tri thức ban đầu của các trạm được thúc đẩybởi các yêu cầu công nghiệp. Sau năm 1958, do sự suy giảm các thí nghiệm nên những kết quả nghiên cứu về sản xuất và tiêu thụ mủ đã được công bố cùng lúc và trở thành các hạng mục tổ chức của hoạt động nghiên cứu.

Chiến tranh Đông Dương lần thứ I đã trộn lẫn những tác động kinh tế đối với viện. Một mặt, chiến tranh mang lại nguồn lợi cho khoa học về cao su và đến năm 1952, ngân sách của Viện Nghiên cứu Cao su đã nhận được tổng cộng 2.250.000 đồng Đông Dương tiền bồi thường thiệt hại chiến tranh cho các công trình xây dựng và cơ sở hạ tầng. Khoản tiền này chiếm một tỷ lệ đáng kể trong ngân sách hàng năm của viện, nguồn ngân sách này vốn đã tăng đều đặn từ 6.358.818 đồng Đông Dương (khoảng 430.000 USD) vào năm 1949 lên 11.812.000 đồng Đông Dương vào năm 1952 (khoảng 670.000 USD). Theo đó, các trạm nghiên cứu chỉ chiếm khoản chi phí nhỏ; ngân sách hoạt động hàng năm của trạm Lai Khê vào năm 1949 ít hơn 200.000 đồng Đông Dương và doanh thu từ việc cạo mủ những cây cao su thử nghiệm cùng với thuế xuất khẩu cao su, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho ngân sách của Viện. Sự gia tăng của nguồn ngân quỹ này càng làm dấy lên hoài nghi về những lời than vãn khó khăn của các chủ đồn điền trong các cuộc đàm phán về lương của công nhân.

HÀ KHUÊ

(trích từ Sách “Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử – Sinh thái (1897 – 1975)” của tác giả Michitake Aso, NXB tổng hợp TPHCM, tháng 6/2023)

(Xem tiếp kỳ sau)