CSVN – Để phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất, các công ty cao su khu vực MNPB đã xây dựng định hướng và các giải pháp thực hiện kế hoạch sản lượng giai đoạn 2023 – 2030 và tầm nhìn đến hết chu kỳ khai thác. Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự linh hoạt áp dụng đồng bộ các giải pháp cùng sự hỗ trợ sát sao của VRG, tin tưởng rằng các công ty sẽ hoàn thành kế hoạch sản lượng được giao.
Ông Bùi Thanh Tâm – TGĐ Công ty CPCS Lai Châu: “Chú trọng quan tâm công tác quản lý khai thác mủ để hoàn thành kế hoạch được giao”
Năm 2016, Cao su Lai Châu bắt đầu đưa vào khai thác 70,52 ha và đến năm 2023 đưa 6.089,28 ha vào khai thác. Kết quả thực hiện sản lượng từ năm 2016 – 2022 là 22.872 tấn. Năm 2023, công ty được Tập đoàn giao kế hoạch sản lượng 6.600 tấn.
Công ty đã xây dựng kế hoạch khai thác mủ giai đoạn 2023 – 2030, định hướng lộ trình đến hết chu kỳ khai thác vào năm 2045. Theo đó, sản lượng từ năm 2023 – 2045 dự kiến là 146.221 tấn. Để hoàn thành kế hoạch Tập đoàn giao, ổn định năng suất sản lượng, chất lượng vườn cây, công ty chú trọng quan tâm công tác quản lý khai thác mủ, công tác giao khoán sản lượng cho các NT, tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ, phương án khai thác mủ linh hoạt nhằm nâng cao năng suất vườn cây và năng suất lao động.
Thực hiện nghiêm việc khóa mặt cạo toàn bộ diện tích khai thác và quy trình sử dụng kích thích mủ đúng nồng độ, liều lượng và số lần bôi theo đúng đối tượng vườn cây. Kiểm tra tay nghề công nhân định kỳ hàng tháng, chấn chỉnh các lỗi kỹ thuật vi phạm, báo cáo tổng hợp cụ thể các lỗi kỹ thuật trên vườn cây của từng NT, tổ theo từng tháng. Cố gắng thu tuyển đủ lao động theo chế độ cạo D3 để khai thác tối đa sản lượng.
Địa bàn công ty triển khai sản xuất có địa hình trải dài phức tạp, núi non hiểm trở bị chia cắt bởi nhiều khe suối, đường giao thông đi lại khó khăn, độ dốc lớn kèm theo thời tiết mưa lớn vào mùa cạo. Về mùa mưa đường lô, liên lô bị sạt lở, rét đậm rét hại kéo dài từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch khai thác mủ của công ty. Vì vậy, công ty sẽ triển khai giải pháp khai thác mủ tại chỗ bằng cách làm lán trú mưa ở những vị trí xa, đường đi lại trơn trượt, trong trường hợp thời tiết mưa, hạn chế thời gian đi lại.
Bên cạnh đó, tuyên truyền và vận động công nhân đi cạo sớm, khuyến khích đi cạo trước 4 giờ sáng, có thể cạo đèn trong thời điểm cho mủ nhiều nhất trong ngày. Huy động người nhà công nhân đi cạo phụ giúp để cạo hết cây cạo trong ngày thời gian sớm nhất.
Thường xuyên kiểm tra vườn cây để sớm phát hiện bệnh gây hại và có biện pháp phòng trị kịp thời tránh lây lan. Thực hiện công tác kiểm tra, giám sát quy trình từ công ty đến các NT, Tổ đến công nhân trực tiếp sản xuất nhằm đảm bảo sản phẩm mủ thu hoạch đạt chất lượng.
Ông Trương Minh Tuấn – TGĐ Công ty CPCS Sơn La: “Chủ động các giải pháp cho năm 2023”
Cao su Sơn La nằm trên địa bàn có thời tiết khí hậu không thuận lợi, mưa liên tục vào những tháng khai thác mủ. Trong những năm gần đây, tình hình thời tiết diễn ra phức tạp dẫn tới tình hình bệnh phấn trắng ảnh hưởng rất lớn tới công tác khai thác của công ty. Trong năm 2022, bệnh phấn trắng diễn ra trên diện rộng và tái nhiễm nhiều lần, cao điểm có tới 1.300 ha vườn cây kinh doanh phải ngưng cạo, trong đó có nhiều diện tích đã bị phấn trắng lần 3,4, dẫn tới sản lượng bị giảm.
Thời tiết mưa nhiều và địa hình đồi núi dốc cao, công tác quản lý nhát cạo khó khăn dẫn tới mất mủ. Năm 2022, bình quân mưa tới 75 ngày, dẫn tới bị mất khoảng 58.911 nhát cạo. Vườn cây công ty trải dài ở 6 huyện nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu lao động chưa được giải quyết dứt điểm, đặc biệt ở NT Mường Bú. Mặc dù công ty và NT đã làm việc nhiều lần với chính quyền địa phương, tích cực tìm kiếm nguồn lao động ở các khu vực xung quanh, tuy nhiên vẫn chưa giải quyết được tình trạng thiếu lao động.
Xác định rõ nguyên nhân các khó khăn, công ty đã đưa ra một số giải pháp thực hiện trong năm 2023 và các năm tiếp theo. Nỗ lực chủ động nguồn lao động để đảm bảo không có phần cây thiếu công nhân cạo bằng cách tuyển thêm công nhân mới và vận động các công nhân cũ đang có ít phần cạo nhận thêm phần cây. Thực hiện nghiêm túc công tác quản lý và thực hiện kỹ thuật trên vườn cây kinh doanh, nâng cao tính chuyên nghiệp của công nhân.
Khắc phục tình trạng mất mủ mùa mưa bằng cách tiến hành đánh đông chủ động. Các năm trước chỉ tiến hành đánh đông khi trời sắp mưa, dẫn tới trường hợp không kịp đánh đông do số lượng cây cạo nhiều hoặc thời tiết mưa đột ngột. Năm 2023, triển khai đánh đông khi ngày đó dự báo thời tiết khả năng trời có mưa và khi trời âm u công nhân đi cạo thì triển khai cho công nhân chủ động đánh đông luôn, để không bị mất mủ.
Xây dựng phương án khoán sản phẩm đối với các khu vực thiếu lao động, nhằm khai thác tối đa các diện tích đủ điều kiện khai thác. Với các khu vực thiếu lao động thì thay đổi chế độ cạo từ D3 sang D4, D5 để có thể khai thác tối đa hiệu quả vườn cây.
Đề xuất Tập đoàn, cân đối nguồn vốn để có thể bón phân cho vườn cây kinh doanh trong năm 2023 và các năm tiếp theo. Đề xuất Ban Quản lý Kỹ thuật Tập đoàn xem xét tăng lần bôi kích thích so với quy trình hiện nay để khai thác hết tiềm năng của vườn cây.
Ông Phan Thúc Hào – TGĐ Công ty CPCS Yên Bái: “Thực hiện nhiều giải pháp ổn định lao động”
Tổng diện tích cao su của công ty là 2.266,62 ha. Trong đó diện tích vườn cây KTCB là 1.310 ha và vườn cây kinh doanh là 956,53 ha. Hơn 70% NLĐ của công ty là người đồng bào dân tộc thiểu số.
Công ty bắt đầu khai thác năm 2019 và hàng năm đưa diện tích mở mới vào nhiều, làm cho năng suất bình quân chưa tăng được như kỳ vọng. Tổng sản lượng thu được từ năm 2019 – 2022 là 782 tấn. Công ty đã xây dựng lộ trình khai thác đến hết chu kỳ vào năm 2040, năng suất bình quân dự kiến cả chu kỳ trên 1,25 tấn/ha.
Để hoàn thành kế hoạch sản lượng Tập đoàn giao, công ty thực hiện phân bổ tiến độ sản lượng theo từng năm, từng giai đoạn trung hạn và dài hạn. Có chế độ chính sách thu hút lao động, khuyến khích, khen thưởng những công nhân có năng suất sản lượng cao trong toàn công ty gắn tiền lương với sản lượng và thưởng vượt kế hoạch sản lượng để khích lệ NLĐ tăng gia sản xuất. Thực hiện nhiều giải pháp ổn định lao động, đặc biệt công nhân sản xuất trực tiếp. Cố gắng lương bình quân hàng năm phải tăng hoặc bằng với năm trước.
Nâng cao năng lực quản lý, sắp xếp, bố trí nhân sự phù hợp, tinh gọn bộ máy là giải pháp nâng cao năng lực sản xuất trong toàn công ty. Tuân thủ quy trình kỹ thuật khai thác là yếu tố then chốt nhằm duy trì tính ổn định và lâu dài cho kế hoạch của công ty.
THIÊN HƯƠNG (thực hiện)
Related posts:
- Cao su Bà Rịa dự kiến vượt 14,3% kế hoạch
- Trên 83% lao động Gỗ Thuận An làm việc “3 tại chỗ”
- Cao su Dầu Tiếng: Đã khai thác 4.881 tấn mủ
- Cao su Chư Sê – Kampong Thom ra quân khai thác và thi thợ giỏi
- Nông trường Phú Xuân mang thu nhập cho đồng bào
- Tăng năng suất sản lượng, giảm giá thành sản xuất nhờ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật
- Các đơn vị Hành chính sự nghiệp - Công nghiệp - Dịch vụ: Vượt khó, đảm bảo thu nhập cho người lao độ...
- Tăng trưởng xanh - Chìa khóa để phát triển bền vững
- Khách hàng đánh giá cao thương hiệu VRG
- VRG về trước kế hoạch sản lượng 6 ngày