CSVNO – Trong giai đoạn khó khăn chung của ngành cao su, Viện Nghiên cứu CSVN (Viện) đã đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật nhằm đưa nhanh các tiến bộ khoa học công nghệ từ nghiên cứu vào phục vụ sản xuất. Kết quả đã hỗ trợ các công ty cao su tăng năng suất sản lượng, giảm giá thành sản xuất. Nhiều công ty là thành viên Câu lạc bộ 2 tấn của VRG trong nhiều năm liền.
Ông Bùi Duy Đốc – Phó TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê: “Hợp tác với Viện đã mang lại nhiều kết quả tích cực cho vườn cây cũng như năng suất lao động”
Nhiều năm qua, công ty đã hợp tác với các trung tâm thuộc Viện trên nhiều lĩnh vực. Việc hợp tác với các đơn vị uy tín, có chuyên môn sâu đã giúp công ty đạt được nhiều kết quả khả quan trong SXKD cũng như năng suất, chất lượng vườn cây và nâng cao năng suất lao động cho công nhân.
Cụ thể, hợp tác trong vấn đề quy hoạch bảng cạo trên vườn cây khai thác với Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật Tây Nguyên; Hợp đồng cung cấp cây giống phục vụ công tác trồng tái canh hàng năm với Trung tâm nghiên cứu phát triển cao su tiểu điền; Hợp tác trên lĩnh vực trồng khảo nghiệm các giống mới với Bộ môn giống và trong công tác kiểm định cây giống, tư vấn phòng trị bệnh hại, cũng như tư vấn các nội dung về kỹ thuật trên vườn cây cao su. Nhiều công việc đã được triển khai, thực hiện như: Khảo sát, đánh giá hiện trạng vườn cây về sinh trưởng, tán lá và tình trạng bảng cạo; Tư vấn kỹ thuật khai thác mủ và quản lý hao dăm trực tiếp trên vườn cây; Quy hoạch bảng cạo năm 2023 trên cơ sở tình trạng vỏ cạo hiện tại và kế hoạch lộ trình thanh lý – tái canh vườn cây. Khuyến cáo chế độ cạo và một số biện pháp kỹ thuật thu hoạch mủ phù hợp.
Kết quả, công ty đã khai thác mủ ở vùng vỏ có tiềm năng sản lượng tốt, tránh được vùng bảng cạo chìm, vùng bảng cạo hạn chế sản lượng. Công tác quản lý kỹ thuật trên vườn cây, tay nghề của NLĐ được nâng cao. Vườn cây kinh doanh nhóm III được khai thác hết tiềm năng, sản lượng theo lộ trình thanh lý tái canh đã được phê duyệt. Kết quả này đã giúp NLĐ tăng năng suất lao động, tăng năng suất trên vườn cây, góp phần giúp công ty nhiều năm liền khai thác vượt kế hoạch sản lượng VRG giao.
Trong công tác giống, những năm qua công ty cũng có sự hợp tác chặt chẽ với Trung tâm nghiên cứu phát triển cao su tiểu điền trong công tác chuẩn bị cây giống phục vụ vườn cây trồng tái canh. Cây giống do trung tâm cung cấp luôn có chất lượng tốt, không bị lẫn giống cũng như tỷ lệ sống cao khi thực hiện trồng tái canh. Cụ thể, vườn cây tái canh 2022 đạt tỷ lệ sống hơn 98,5%.
Ông Lê Chí Hoàng – TGĐ Công ty CP Cao su Quasa – Geruco: “Kết quả phối hợp với Viện đã nâng cao năng suất, ổn định diện tích thu hoạch mủ”
Trong thời gian qua, công ty đã phối hợp toàn diện với Viện và đem lại nhiều kết quả trong lao động sản xuất, cụ thể như:
Về khảo sát phân hạng đất, Viện đã kết hợp cùng với Phòng Kỹ thuật nông nghiệp công ty xác định các diện tích không thích hợp trồng cây cao su, các yếu tố có ảnh hưởng giới hạn rất nghiêm trọng đến sinh trưởng, phát triển và sản lượng mủ đối với cây cao su là hạng đất Ivb. Trong đó, đợt 1 vào tháng 12/2016 có 263.52 ha; đợt 2 vào tháng 5/2017 có 101.84 ha; đợt 3 vào tháng 12/2017 có 73.95 ha. Viện đã đề xuất công ty nên chuyển sang mục đích sử dụng khác, có thể trồng xen các cây trồng khác trên những diện tích đất không thích hợp trồng cao su, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Về phân bón, công ty đã áp dụng bón phân theo tư vấn của Viện, tăng cường bón thúc phân hữu cơ vi sinh phối hợp với phân vô cơ trong những năm đầu vườn cây chưa giao tán. Ở vườn cây KTCB và vườn cây kinh doanh bón đúng đủ định lượng phân bón NPK. Đối với khu vực bị giới hạn bởi sỏi đá trong tầng canh tác cao có đá bàn xen lẫn trong tầng đất, cần có quy trình chăm bón đặc thù cho vườn cây, bón đúng đủ định lượng phân.
Về sinh lý khai thác, thu hoạch mủ, Viện đã tập huấn và hướng dẫn cán bộ kỹ thuật phương pháp che mưa bằng mái che mưa, màng phủ chén trên diện tích vườn cây kinh doanh nhằm giảm tác động của thời tiết khi áp dụng phương pháp thu mủ đông. Tiếp tục duy trì chế độ cạo nhịp độ thấp D4 nhằm giảm nhu cầu lao động trên đơn vị diện tích nhưng vẫn đáp ứng được năng suất sản lượng vườn cây. Đào tạo kỹ thuật cạo úp cho vườn cây dự kiến thanh lý tái canh sớm, vườn cây kém hiệu quả. Đưa ra các ưu, nhược điểm của phương pháp mở cạo ngửa trên BO-1, mở cạo ngửa trên BO-2 và đưa ra kết luận mở miệng cạo ngửa vào đầu mùa cạo trên bảng cạo BO-2 là tối ưu hơn, thao tác cạo dễ dàng cho công nhân, có thể dẫn mủ ở 2 miệng cạo úp và ngửa vào cùng 1 chén trong giai đoạn chuyển miệng cạo, chất lương mủ không bị ảnh hưởng.
Viện cũng đã kết hợp với công ty xây dựng lộ trình tái canh giai đoạn 2023 – 2030 và tầm nhìn 2046 sớm, nhằm làm cơ sở để khuyến cáo chế độ thu hoạch mủ phù hợp giúp nâng cao năng suất, ổn định diện tích thu hoạch mủ, sản lượng của công ty trong thời gian tới.
Nhiều năm nay, Phòng KTNN công ty kết hợp chặt chẽ với Phòng nghiên cứu sinh lý – khai thác của Viện hoàn thiện việc đào tạo công nhân thu hoạch mủ, kỹ thuật quản lý trong thu hoạch mủ. Đến nay, tay nghề công nhân thu hoạch mủ và cán bộ phụ trách nông nghiệp tại các đơn vị đã tiến bộ rất nhiều, việc cạo cạn, cạo phạm hoặc cạo không đúng quy trình đã giảm đi đáng kể, giúp vườn cây phát triển tốt và năng suất tăng.
Về giống, vườn cây cao su kinh doanh năm của công ty tập trung chủ yếu trên dòng vô tính PB 260 chiếm khoảng 65%, kế đến là dòng vô tính RRIV 4 với 11% còn lại là các dòng vô tính RRIV 1, RRIV 2, RRIV 3, RRIM 600, GT 1, IRCA 130, PB 255, RRIV 114. Với cơ cấu dòng vô tính như vậy, Viện đề xuất công ty cần chú ý hơn đến công tác kiểm tra, giám sát vườn cây và đặc biệt là tần số bôi kích thích trong năm cần theo đúng quy trình để không ảnh hưởng tới năng suất, sản lượng trong các năm sau.
Ông Nguyễn Hoàng Thắng – Phó TGĐ Công ty TNHH PTCS Tân Biên – Kampong Thom: “Xây dựng lộ trình thanh lý và tái canh cho chu kỳ 2 một cách hiệu quả và hợp lý nhất”
Trong thời gian qua, Viện đã nghiên cứu và chuyển giao rất tốt khoa học công nghệ trong các lĩnh vực về khai thác, chế biến, quản lý chất lượng, bảo vệ thực vật… Vừa rồi, công ty đã phối hợp với Viện xây dựng lộ trình phương án tái canh chu kỳ 1, để trồng mới cho chu kỳ 2. Viện đã thu thập tất cả thông tin về đất đai, giống, sản lượng thực hiện của năm 2021. Sau đó, xây dựng 3 phương án: thanh lý 10 năm, 14 năm và 16 năm. Công ty chọn phương án 14 năm để trình cấp trên, bắt đầu 2027 thanh lý đến 2040 (thanh lý trong 14 năm) bình quân mỗi năm khoảng 500 ha, đảm bảo duy trì được sản lượng lúc xuống đáy, để còn duy trì sản xuất của nhà máy chế biến.
Đối với những công ty khu vực bên Campuchia hiện nay, đa số vườn cây đang và chuẩn bị bước vào giai đoạn tuổi cạo cho năng suất sản lượng cao. Do vậy, nếu được sự tư vấn của Viện ở các lĩnh vực trên sẽ giúp cho công ty khai thác đúng chu kỳ và khai thác được hết tiềm năng năng suất của vườn cây. Đồng thời trên cơ sở các số liệu thực tế đã thực hiện của các công ty, Viện sẽ đưa ra được lộ trình thanh lý và tái canh cho chu kỳ 2 một cách hiệu quả và hợp lý nhất.
GIA LINH – THẢO NHI
Related posts:
- Hành trình 40 năm cây cao su có mặt ở Tây Nguyên
- Phát động thi đua năm 2020
- Năm 2019 Cao su Chư Mom Ray mở cạo mới hơn 680 ha
- Cao su Sơn La chống cháy mùa khô
- Cao su Hương Khê: Nhiều phương án khắc phục khó khăn
- VRG chúc Tết các lực lượng Quân đội
- Cao su Hà Tĩnh vượt khó hoàn thành nhiệm vụ
- Công ty CP Gỗ MDF VRG Kiên Giang thông báo tuyển dụng
- Cao su Mang Yang tái canh 1.000 ha cao su năm 2016
- Đồng chí Trần Ngọc Thuận tái đắc cử chức vụ Bí thư Đảng ủy VRG