(Tiếp theo kỳ trước)
XÃ HỘI HÓA TRI THỨC
Mặt khác, các phòng thí nghiệm và các lĩnh vực nghiên cứu của Viện phải chịu đựng vì những ràng buộc của họ với ngành công nghiệp cao su. Quân đội Pháp đã cố gắng tổ chức một số chủ đồn điền thành lực lượng “tự vệ” hoặc “tự bảo vệ” nhưng, như Marianne Boucheret đã chỉ ra, quân đội thường phàn nàn rằng các chủ đồn điền quan tâm đến lợi nhuận hơn là những lợi ích chiến lược. Đối với một số chủ đồn điền, tự vệ là sự tiêu tốn không cần thiết và đe dọa nỗ lực trung lập của họ. Họ cho rằng quân đội đã coi thường tình hình thực tế trong dân chúng và bỏ mặc các đồn điền tự bảo vệ mình. Phần lớn các đơn vị chủ lực của Việt Minh ở địa phương không phân biệt viện với các đồn điền khác.
Hầu như mỗi năm, báo cáo thường niên của Viện đều thống kê có một nhân viên người Pháp đã thiệt mạng hoặc bị thương nặng trong các vụ tấn công. Phần nhiều công nhân cạo mủ và quản lý người Việt Nam phải tự đối mặt với các mối đe dọa gần như hàng ngày vì hợp tác với người Pháp. Mối quan hệ giữa quân đội Pháp và các đồn điền càng rạn nứt hơn nữa trong thập niên 1950, khi quân đội không hỗ trợ các cuộc đấu tranh của các chủ đồn điền chống lại người lao động.
Tập trung sản xuất cao su ở miền Bắc
Trong khi các trận chiến vẫn còn tiếp diễn tại miền Nam, thì các lãnh đạo Việt Minh đã bắt đầu quan tâm đến việc bắt tay vào sản xuất cao su ở miền Bắc. Cao su có ý nghĩa quan trọng trong một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa mới được định hình và có giá trị quốc tế trong khối các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Các quốc gia – dân tộc và cường quốc hình thành nên mạng lưới này, bao gồm Liên Xô và Trung Quốc, đã tìm cách tiếp cận cao su, Việt Minh và sau đó là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã tận dụng lợi thế vị trí khí hậu của mình. Mối quan tâm đối với việc trồng cao su cũng được thúc đẩy bởi các thí nghiệm đang được tiến hành ở miền Nam Trung Quốc. Năm 1952, các lãnh đạo Việt Minh nhận được tin về việc những nhóm thanh niên Trung Quốc được phái đi trồng lại cao su tại vùng nông thôn miền Nam.
Trong một lá thư được đánh dấu “mật” ngày 5 tháng 8 năm 1952, Nguyễn Văn Lưu đã thông báo về việc trồng cao su ở Quảng Tây. Đặng Văn Vinh đã bổ sung vào báo cáo này, viết tóm tắt bên lề của bức thư. Vinh ghi rằng nhìn chung cao su có thể được trồng ở hầu hết các khu vực nằm dưới vĩ tuyến 23 độ, ngoại trừ những điểm cực bắc của Việt Nam. Các điều kiện hạn chế chủ yếu đối với sự tăng trưởng là nhiệt độ, mưa và gió mạnh có thể quật đổ cao su do loài cây này chỉ có bộ rễ nông. Do đó, dù có sự giúp đỡ từ Liên Xô và khối Đông Âu, mãi đến sau năm 1975 các nhà nghiên cứu của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới có thể canh tác được các gốc cao su ghép chịu được mùa đông ở miền Bắc. Để tiếp tục phát triển việc trồng cao su ở miền Bắc, các nhà lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tìm cách tiếp cận di sản nghiên cứu thực vật thời thuộc địa của Pháp.
Trong một lá thư đề ngày 14/4/1952, Ủy ban Kinh tế của Chính phủ đã đề nghị Nguyễn Xuân Cung – Bộ trưởng Bộ Canh nông cung cấp thông tin về các chuyên gia trồng cao su ở miền Bắc Việt Nam. Bốn tháng sau, Cung thông báo với ủy ban về nhóm chuyên gia đã từng làm việc trong những thập niên trước, bao gồm Nguyễn Duy Cân, người đã làm việc tại Trạm Thí nghiệm Gia Rây từ năm 1931 đến năm 1937, Đào Thiên Tránh, người đã làm việc tại Bolovens, và các chuyên gia nông nghiệp nổi tiếng Đặng Văn Vinh, Vương Gia Cân và Nguyễn Khoa Chi. Các bản tài liệu in ấn, theo bộ trưởng, đã quá cũ kỹ; cuốn Les plantes à Coutcho năm 1930 của Henri Jumelle và một ít tài liệu khác tại các trạm thí nghiệm ở miền Bắc những là tài liệu hiếm hoi còn lại. Không chỉ có phía Việt Minh quan tâm đến ý nghĩa của nông nghiệp đồn điền và y học trong thời kỳ Chiến tranh Đông Dương lần thứ I.
Xã hội hóa ngành y tế
Viện Cao su Pháp đã tổ chức các cuộc nói chuyện dành cho những người có kinh nghiệm trực tiếp về đồn điền và vào năm 1949, bác sĩ Trần Đình Quế đã nói về lịch sử của hệ thống y tế ở Việt Nam và cố gắng đánh giá những ảnh hưởng của Pháp bằng cách so sánh Đông Dương với các quốc gia khác trong khu vực, đặc biệt là Nhật Bản, Trung Quốc, Xiêm La (Thái Lan) và Đông Ấn Hà Lan. Bác sĩ Quế kết luận rằng, ngoại trừ Nhật Bản, hệ thống y tế của Việt Nam dưới sự cai trị của thực dân Pháp, về chỉ số giường bệnh và chi phí y tế dành cho mỗi người dân tốt hơn so với các nước khác tại châu Á. Ông cũng đề xuất một chương trình nhằm cải thiện sức khỏe của người Việt Nam, nhấn mạnh rằng những điều luật về bảo vệ quyền lợi của người lao động tại các đồn điền và các cơ sở công nghiệp khác cần phải được củng cố. Ông đã dẫn trường hợp nước Anh như một ví dụ điển hình về lợi ích của sức khỏe trong việc “xã hội hóa” ngành y tế.
Bác sĩ Quế khép lại bài nói chuyện bằng cách tuyên bố rằng các bác sĩ y khoa là “nghệ nhân chính của các công trình hòa bình”. Ông cho rằng y tế có vai trò quan trọng đối với “nguồn vốn con người” và nhấn mạnh đến việc coi cộng đồng như chiếc chìa khóa mở ra các biện pháp chăm sóc sức khỏe đã được hình thành một phần trong thời kỳ thuộc địa. Tuy nhiên, bác sĩ Quế không xem những thành tựu này chỉ là sản phẩm của người Pháp. Ông đề cập đến việc ngài Hoàng Trọng Phu, vị quan đã đưa người dân của một số làng tới bệnh viện để rồi sau đó họ có thể trở về nhà và phổ biến quy tắc vệ sinh.
Bác sĩ Quế nêu thêm ý kiến rằng các chiến dịch vệ sinh công cộng sẽ đạt hiệu quả cao nhất nếu tập trung vào một căn bệnh vì làm như vậy thì người nông dân sẽ hiểu rõ hơn về những gì họ đang chống lại, về hiệu quả từ những hoạt động của họ và về các quy tắc vệ sinh trừu tượng hơn. Việc chống lại nhiều căn bệnh cùng một lúc sẽ chỉ đơn thuần làm phân tán nỗ lực. Để điều chỉnh các quy tắc ở Việt Nam, bác sĩ Quế nói tiếp, cá nhân sẽ chịu trách nhiệm trước tập thể và ngược lại, kỷ luật của xã hội sẽ được sử dụng để thực thi các quy tắc”.
HÀ KHUÊ
(trích từ Sách “Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử – Sinh thái (1897 – 1975)” của tác giả Michitake Aso, NXB tổng hợp TPHCM, tháng 6/2023)
(Xem tiếp kỳ sau)
Related posts:
- 3 trong 1
- Hát lên tình yêu nghề
- Nông trường 9 đạt giải nhất Hội thi Tiếng hát Cao su Phú Riềng
- Đa dạng sắc màu tại Hội diễn văn nghệ Cao su Sa Thầy
- Cách chống dịch Covid - 19 độc đáo của người Giẻ Triêng
- Dòng nhựa trắng chảy mãi với thời gian
- Hãy đến thành cổ Quảng trị
- Ảnh dự thi "Nét đẹp lao động" trên fanpage Tạp chí Cao su Việt Nam
- "Bưu thiếp của rừng": Tấm bưu thiếp cho cuộc sống
- Hy vọng