Hát lên tình yêu nghề

CSVN – Truyền thống anh hùng, đoàn kết các thế hệ ngành cao su đã và đang tiếp nối giá trị lịch sử hào hùng. Các ca khúc hát về ngành cao su đã thắp lên tình yêu, gắn kết trái tim của hàng ngàn NLĐ, khơi dậy tình yêu, niềm hăng say lao động, thêm sức mạnh, động lực để phấn đấu, nguyện chung vai sát cánh cùng phát triển bền vững.
Các bài hát đã khắc họa nét đẹp của vùng đất, con người và truyền thống của công nhân cao su. Ảnh: Trần Khánh Hưng
Các bài hát đã khắc họa nét đẹp của vùng đất, con người và truyền thống của công nhân cao su. Ảnh: Trần Khánh Hưng
Viết lên truyền thống ngành qua các ca khúc

“Tôi yêu lắm những mảnh đời cao su Bát ngát vùng trời, mênh mông vùng đất Tôi yêu lắm cái màu xanh của lá

Yêu nhiều hơn giọt nhựa chảy trắng ngần”

(Tôi yêu lắm những mảnh đời cao su – Bùi Thị Hường)

Có lẽ những ai đã đến với ngành cao su đều mến yêu những con người, trân quý những màu xanh của lá, hay rực vàng của rừng cây mùa lá rụng, màu nhựa trắng tuôn trào góp phần làm giàu cho đất nước. Tình cây và đất, tình người với người, tình người với cây luôn hòa quyện, kết tinh tạo thành giá trị tinh thần và trở thành văn hóa, thành lẽ sống trong lòng mỗi một NLĐ, gắn kết trở thành một khối thống nhất, chung một con thuyền, một đại gia đình lớn toàn ngành.

Cảm hứng với những nét đẹp sinh hoạt đời thường và trong lao động sản xuất của người thợ cạo, các nhạc sĩ đã sáng tác nhiều ca khúc ca ngợi nhịp sống, sự đổi thay của mảnh đất và con người, ca ngợi nét đẹp của người công nhân cao su.

Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, nguyên Phó Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nguyên GĐ Nhạc viện TP.HCM chia sẻ: “Có không ít ca khúc viết về ngành cao su, về những đơn vị, tập thể lao động, những địa danh gắn liền với ngành như “Ngọn lửa Làng Ba”, “Cao su Bà Rịa tự hào đi lên”, “Cao su Lai Châu vang khúc hát tự hào”, “Cây cao su Việt Nam trên đất bạn Lào, Campuchia”…Về ngôn ngữ âm nhạc mang được sự hài hòa giữa nhạc và lời, mang âm điệu vùng miền, phong phú về đề tài, giàu hình tượng văn học, liên quan đến người công nhân và cây cao su, đến vườn ươm giống, thợ cạo mủ, người lái xe, đến nhiều vùng miền từ Đông Nam bộ, lên Tây Nguyên ra miền Trung và đến tận Tây Bắc. Những ca khúc về tình yêu ngành yêu nghề như “Mưa rừng”, “Chiều Tây Nguyên”, “Bài ca tình đất tình người”, “Như dòng sữa mẹ”, “Thương mãi một loài cây”, “Tình ta trong dòng nhựa trắng”… đã truyền tải hết trái tim, khối óc và đôi tay của người công nhân cao su viết nên truyền thống ngành.

Nhiều bài hát thể hiện cái nhìn mộc mạc, lắng đọng, mang hơi thở của những người trong cuộc nói về ngành nghề, gắn kết họ với mảnh đất cao su tình nghĩa. Những bài hát, ca khúc về ngành đã được lan tỏa, đến gần hơn với người công nhân.

Từng ca khúc với nhạc điệu sôi nổi, hào hùng, đi vào lòng người, khắc họa bức tranh chân thực về một ngành kinh tế, được vang lên vào mỗi dịp đơn vị tổ chức các ngày lễ lớn hay hội diễn văn nghệ:

“Tự hào thay cao su Việt Nam/Thêm sắc màu phồn vinh đất nước.

Dòng nhựa trắng dệt tương lai xanh/Cho trái tim rực hồng khát vọng. Tự hào thay cao su Việt Nam /Chung tấm lòng dựng xây đất nước.

Cho cuộc sống ngời xanh tin yêu/Vang khúc ca dòng nhựa trắng dâng đời” (Hành khúc Cao su Việt Nam – Nguyễn Long).

Hay viết về cây cao su đến với núi rừng Tây Bắc, phủ xanh đất trống đồi trọc, làm giàu cho quê hương:

“Bản làng cuộn theo dòng nhựa trắng/Thoát đói nghèo xây cuộc sống ấm no.

Thương người hoa cao su nở thắm/Mầm xanh, lộc biếc ngát triền đồi bản em”.

(Cây cao su về bản em – NS Quỳnh Hợp)

Đến với nông trường là đến với yêu thương, là đến với mạch nguồn xúc cảm, không quên lớp người đi trước đã góp phần đem lại màu xanh trải dài khắp đất nước: “Ngắm lá trên tay, lòng chợt bâng khuâng/Nghĩ đến cha ông, nhớ đến bao người mẹ…/Gắn bó cả cuộc đời bên vườn cây lặng lẽ/Bao chiến sĩ vô danh đã nằm xuống nơi này”…(Xin chớ lãng quên – Quỳnh Lệ).

Nhà báo, nhạc sĩ Quỳnh Lệ cũng chia sẻ: “Phong trào văn hóa văn nghệ trong ngành cao su từ lâu đã phát triển đều khắp và mạnh mẽ. Có rất nhiều bài hát về ngành khá hay, đã khắc họa nét đẹp của vùng đất, con người và truyền thống của công nhân cao su. Và các bài hát đã được vang lên, khẳng định lòng tự hào và tình yêu ngành yêu nghề của đội ngũ công nhân… Văn nghệ là một trong những công cụ tuyên truyền quảng bá có sức hấp dẫn, dễ đi vào lòng người, có khả năng hun đúc tinh thần, góp phần tạo sự đoàn kết…”.

Phút giải lao. Ảnh: Lê Thành
Phút giải lao. Ảnh: Lê Thành
Lan tỏa khát vọng và tình yêu nghề

Có rất nhiều bài hát về ngành cao su mang giai điệu đa dạng, từ vui tươi, nhẹ nhàng, trữ tình, đến sôi động, trẻ trung… kể câu chuyện về người công nhân cao su một cách giản dị, lôi cuốn.

Những tán cao su xanh mướt, dòng nhựa trắng và hình ảnh người công nhân lam lũ được khắc họa chân thực hiện lên thật đẹp, lãng mạn qua các ca từ, giai điệu trầm bổng. Các bài hát được ngân lên bởi chính giọng hát của người công nhân, lao động của ngành càng thêm giá trị ý nghĩa.

Nói về các ca khúc về ngành, chị Nguyễn Duy Thái Hà – Cao su  Phú Riềng chia sẻ: “Mỗi chương trình văn nghệ của công ty đều chọn bài hát về ngành lúc mở màn hoặc khi kết thúc để tạo điểm nhấn. Các chương trình đều được dàn dựng công phu, ai cũng háo hức tham gia và cảm thấy rất đỗi tự hào, thiêng liêng khi hát các ca khúc về ngành để nhân lên tình yêu ngành yêu nghề trong mỗi NLĐ”.

Anh Trần Quốc Chí, Tổng Công ty Cao su Đồng Nai cho biết, “Mỗi lần nghe và hát các bài hát về ngành đều cảm thấy tự hào với ngành nghề mà mình đã chọn. Bản thân luôn cảm thấy vinh dự khi được đóng góp chung vào sự phát triển của ngành và đất nước, nguyện nỗ lực và cống hiến nhiều hơn, chung vai sát cánh với ngành trong thời điểm khó khăn hiện tại”. “Mỗi bài hát đều có đời sống riêng của nó và khi đã được vang lên thì sẽ tìm được chỗ đứng xứng đáng trong lòng người nghe. Những bài hát truyền thống sẽ cổ vũ, động viên người công nhân thêm yêu nghề, khích lệ niềm tự hào và tinh thần đoàn kết. Để phát huy hiệu quả các cuộc thi sáng tác; để các bài hát hay về ngành được phổ biến rộng rãi đến với công nhân ở từng đội tổ sản xuất, thì có một cách hữu hiệu là hãy dấy lên phong trào ca hát trong ngành hơn nữa”, Nhà báo, nhạc sĩ Quỳnh Lệ chia sẻ thêm.

ANH SA