CSVN – Nằm ngay cạnh dòng suối Ia Ghe, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai quanh năm nước chảy hiền hòa nên cây đa làng Ghè gắn với những nét văn hóa truyền thống của người Jrai. Đây không chỉ là nơi nghỉ ngơi lý tưởng của bà con mỗi khi đi rẫy mà còn là nơi thường xuyên diễn ra các lễ hội truyền thống như lễ cúng bến nước, cúng Yàng. Ngày 29/11/2016 cây đa làng Ghè đã được Hội đồng Cây Di sản Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam.
Cây đa làng Ghè đã hơn 200 tuổi, cao 45 mét, tán rộng che phủ hơn 2.000 m², có chu vi gốc thân chính là 13 mét và có 8 thân phụ. Cây đa này nằm bên giọt nước của làng Ghè từ lâu đã trở thành nơi diễn ra mọi sinh hoạt đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, là biểu tượng đẹp về giá trị văn hóa tự nhiên và nhân chứng thời gian cùng tồn tại song song với bao thế hệ nhân dân làng Ghè.
Cây đa làng Ghè được công nhận là “Cây Di sản Việt Nam” sẽ làm tôn thêm giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất này. Theo các bậc cao niên, cây đa do một người đàn ông tên Chơng trồng. Cụ Chơng trồng cây đa với mục đích để lấy bóng mát và làm điểm tựa cho những thân mây leo. Dần dần, cây đa cứ thế lớn lên và trở thành tài sản chung của làng lúc nào không hay. Con cháu của cụ Chơng cũng đã sinh sôi đến thế hệ thứ 5 và chứng kiến cây đa cụ trồng trở thành cây di sản.
Làng Ghè xưa kia chỉ là một ngôi làng nhỏ với mươi nóc nhà bao quanh giọt nước, gần cây đa. Tuy nhiên, hiện nay, nơi này hầu như không có nhà ở, người làng đã dời lên cao, cách xa giọt nước chừng 300 m về phía đỉnh đồi. Từ cây đa và giọt nước phải đi qua một khu vườn rẫy sản xuất và khu nhà mồ khá lớn mới tới nơi ở của dân làng. Lý giải cho sự thay đổi này, Già làng Kpuih Ố cho rằng, trước đây khu vực làng Ghè và một số làng khác thuộc xã Ia Dơk là chiến địa ác liệt.
Từ năm 1965 trở đi, người làng Ghè đã phải sơ tán, lập làng tạm tại khu vực Bàu Cạn thuộc huyện Chư Prông ngày nay để tránh bom đạn của kẻ thù. Hầu như làng chỉ còn lại rất ít người và phần lớn là những gia đình theo cách mạng. Năm 1975, khi chiến tranh chấm dứt, người làng Ghè quay lại quê cũ, làm lại nhà rông và trồng cây gạo mới ngay chính giữa đỉnh đồi và lấy đây là trung tâm, tạo lập nên làng Ghè ở vị trí hiện tại ngày nay
Không phải tự nhiên mà cây đa làng Ghè lại “yên bình” tồn tại qua hàng trăm năm. Bởi được trồng trong khu vườn sản xuất, với việc chiếm lĩnh mất một phần không gian không hề nhỏ trong diện tích vườn rẫy thì theo lẽ thông thường, cây đa sẽ khó lòng được thỏa sức tồn tại và vươn bóng lớn đến như vậy.
Theo già làng Kpuih Ố, đó là bởi cây đa làng Ghè rất linh thiêng. “Trước đây, có người do không biết đã xâm phạm đến cây đa và đêm về nằm ngủ gặp ác mộng. Nhiều trường hợp tương tự nối tiếp xảy ra khiến dân làng tin là cây đa linh thiêng, là nơi trú ngụ của thần linh và các linh hồn; từ đó không ai dám làm tổn hại đến cây”-già Ố nói.
Cũng từ niềm tin này mà các lễ hội của người làng Ghè thay vì làm ở nhà rông đặt ở giữa làng, bà con quyết định đưa ra gốc đa-nơi gần giọt nước của làng để tổ chức. Nhờ bóng mát của cây, nước ở giọt nước làng Ghè rất ngọt mát, trong lành và không khi nào khô cạn.
HÀ ĐỨC THÀNH
Related posts:
- Truyền thống là ngành động lực
- VRG chúc mừng ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6
- Đa dạng sắc màu tại Hội diễn văn nghệ Cao su Sa Thầy
- Trách nhiệm của người làm báo với sự nghiệp xây dựng Đảng
- Lên biên giới ngắm bảo vật cổ truyền của người Hà Lăng
- Cô học sinh giỏi mê "săn bàn"
- Nghề làm lân sư rồng giữa Sài Gòn
- Khởi sắc từ những giọng ca công nhân
- Lợi cả đôi đường
- Lung linh cánh đồng bo bo