Bộ Lao động Thương binh và Xã hội làm việc với VRG

CSVNO – Chiều ngày 17/5, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã có buổi làm việc với VRG về tình hình thực hiện quản lý‎ lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng và chế độ chính sách tại Tập đoàn.

Ông Lê Văn Thanh – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH – Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia phát biểu tại buổi làm việc

Đoàn công tác Bộ LĐTBXH có ông Lê Văn Thanh – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH – Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia, ông Nguyễn Huy Hưng – Cục trưởng Cục QHLĐTL Bộ LĐTBXH, ông Tống Văn Lai – Phó Cục trưởng Cục QHLĐTL Bộ LĐTBXH và các thành viên trong đoàn công tác.

Làm việc với Đoàn công tác có ông Trần Công Kha – Chủ tịch HĐQT VRG, ông Huỳnh Kim Nhựt – Phó TGĐ VRG, Chủ tịch Công đoàn CSVN, ông Trần Thanh Phụng – Phó TGĐ VRG, ông Trần Khắc Chung – Trưởng Ban LĐTL VRG cùng các Ban chuyên môn VRG và Công đoàn CSVN.

Thay mặt lãnh đạo VRG ông Huỳnh Kim Nhựt đã báo cáo với lãnh đạo Bộ về tình hình thực hiện quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng của Tập đoàn giai đoạn 2021 – 2023 và những kiến nghị với đoàn công tác Bộ LĐTBXH.

Ông Huỳnh Kim Nhựt – Phó TGĐ VRG, Chủ tịch Công đoàn CSVN báo cáo tại buổi làm việc

Theo đó, về công tác lao động tiền lương, hiện tổng số lao động của các đơn vị thành viên tính đến ngày 31/1/2024 là 83.125 người. Trong đó, lao động nước ngoài (Campuchia, Lào) là 23.479 người, chiếm tỷ lệ 28,2%, lao động dân tộc là  20.524 người, chiếm tỷ lệ  24,7%, lao động nữ 35.342 người, chiếm tỷ lệ 42,5%. Lao động trong lĩnh vực chính là trồng, chăm sóc, chế biến cao su 78.143 người; lao động khu vực sự nghiệp 712 người người, sản xuất gỗ 2.056 (năm 2021), đến năm 2023 còn 1.265 người; Lao động khu vực Khu công nghiệp, Thuỷ điện vào năm 2021 là 815 đến năm 2023 là 486 người; Lao động khu vực Công nghiệp, dịch vụ 1.399 người.

Tiền lương bình quân toàn ngành trong 3 năm gần đây không đạt như kỳ vọng và thấp hơn các ngành cùng khu vực. Cụ thể tiền lương trung bình NLĐ VRG năm 2021 là 7,35 triệu đồng/người/tháng; năm 2022 là 7,64  triệu đồng/người/tháng; năm 2023 là 7,57 triệu đồng/người/tháng.

Về chế độ chính sách VRG chú trọng công tác đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn và tay nghề cho NLĐ. Ngay từ những ngày đầu năm, tận dụng thời gian cây cao su thay lá, Tập đoàn tập trung huấn luyện, đào tạo nâng cao tay nghề cho công nhân khai thác mủ. Đào tạo trung cấp chuyên môn nghiệp vụ và tập huấn ngắn hạn để hoàn thiện, nâng cao trình độ chuyên môn cho NLĐ làm công tác quản lý trực tiếp tại vườn cây, nhà máy… TGĐ Tập đoàn ban hành Công văn về việc triển khai lập kế hoạch và phê duyêt chi phí đào tạo ngắn hạn hàng năm cho hàng nghìn lượt lao động tại các đơn vị thành viên.

Với vai trò và nhiệm vụ là cơ quan quản lý đầu ngành, Tập đoàn cùng với Công đoàn Cao su Việt Nam trong những năm qua đã tiếp thu các kiến nghị của các đơn vị thành viên và NLĐ, công đoàn viên trong ngành để đề xuất lên các cơ quan có thẩm quyền để nâng cao quyền lợi và đảm bảo chế độ chính sách cho NLĐ thông qua các buổi đối thoại, toạ đàm cấp quốc gia. Kết quả, Bộ LĐTBXH đã bổ sung 19 nghề, công việc nặng nhọc độc hại nguy hiểm của ngành cao su vào 01 chương riêng trong Danh mục nghề nặng nhọc độc hại nguy hiểm, tại Thông tư 11/2020/TT- BLĐTBXH.

Về công tác an toàn vệ sinh lao động, nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh lao động cho NLĐ trong sản xuất, VRG đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thành viên thực hiện nghiêm, trang bị đầy đủ các phương tiện bảo hộ lao động. Giúp NLĐ đảm bảo an toàn và giảm thiểu tai nạn lao động không may gặp phải. Hàng năm, Tập đoàn đều ban hành văn bản hướng dẫn xây dựng kế hoạch an toàn vệ sinh lao động và phê duyệt chi phí thực hiện cho các đơn vị thành viên.

Ngoài việc thực hiện các chế độ, chính sách về bảo hộ lao động cho NLĐ theo quy định của pháp luật. Tập đoàn cũng chỉ đạo các đơn vị chú trọng hơn về công tác phòng ngừa, hạn chế các mối nguy hiểm, rủi ro tai nạn lao động tại đơn vị. Chủ động thực hiện đánh giá các mối nguy hiểm, rủi ro gây ra tai nạn lao động bằng các hình thức. Tuân thủ tốt việc kiểm định máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, 100% các máy, thiết bị đều đã được kiểm định và đạt yêu cầu trước khi đưa vào sử dụng. Người lao động làm việc với các máy, thiết bị này đều đã được huấn luyện chuyên sâu trước khi được đưa vào làm việc…

Ông Nguyễn Huy Hưng – Cục trưởng Cục QHLĐTL Bộ LĐTBXH phát biểu tại buổi làm việc

Xây dựng kế hoạch liên tịch, phối hợp với công đoàn tổ chức tháng ATVLSĐ và Tháng Công nhân hang năm; thực hiện tổng kết phong trào này vào cuối năm và báo cáo kết quả về Cục An toàn – Bộ LĐTBXH theo quy định. Với những nỗ lực, cố gắng vượt bậc trong công tác ATVSLĐ, VRG đã có 1 tập thể được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 12 tập thể nhân nhận Cờ thi đua của Bộ trưởng LĐTBXH, 24 tập thể và 31 cá nhân nhận  Bằng khen của Bộ trưởng LĐTBXH, 28 tập thể và 33 cá nhận nhận Giấy khen của Cục trưởng Cục ATLĐ kể từ năm 2021 đến năm 2023.

Qua đây, VRG đề xuất kiến nghị khi xây dựng chế độ chính sách tiền lương mới như: Đề xuất cho phép doanh nghiệp tự chủ trong việc xây dựng dựa theo quy mô, tính chất và đặc thù của ngành nghề đang quản lý. Tự chịu trách nhiệm để phù hợp công tác thu tuyển lao động lao động có chuyên môn cao, giữ chân lao động hiện có và quản lý điều hành tại đơn vị cho phù hợp.

Đề nghị Bộ LĐTBXH xem xét cho phép Tập đoàn được áp dụng nội dung này và thêm yếu tố doanh nghiệp sử dụng nhiều đồng bào dân tộc để từ đó có cơ sở triển khai hiệu quả các giải pháp nhằm bảo đảm và nâng cao thu nhập việc làm, đời sống vật chất và tinh thần cho NLĐ trong giai đoạn hiện nay.

Việc loại trừ các yếu tố khách quan làm ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận thực hiện so với kế hoạch: Cần quy định bổ sung thêm việc mất giá của đồng tiền của nước đầu tư. Giá bán sản phẩm giảm do các nguyên nhân khách quan của thị trường, do cơ chế chính sách của nhà nước chưa được thống nhất, làm giảm năng suất và tiền lương.

Cho phép Tập đoàn xây dựng quỹ lương đặc thù theo hai nhóm đối tương là người quản lý và lao động quản lý chung quỹ lương. Vì hiện nay Tâp đoàn đã ban hành quyết định quy định về công tác sắp xếp bộ máy tổ chức, mô hình hoạt động và tỷ lệ lao động gián tiếp đối với các công ty cao su thành viên.

Đề nghị bổ sung nội dung xếp hạng này đối với các công ty cổ phần có vốn nhà nước chi phối để có cơ sở pháp lý thực hiện. Giao trách nhiệm xếp hạng cho nhóm người đại diện phần vốn nhà nước tại Tập đoàn tổ chức thực hiện đối với các công ty con và chịu trách nhiệm.

Thông qua Bộ LĐTBXH, hiến nghị các đến các bộ ngành Trung ương chấp thuận doanh thu cao su thanh lý được xem là doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh để từ đó sử dụng nguồn này góp phần tăng năng suất lao động để tăng quỹ tiền lương và thu nhập cho NLĐ.

Kiến nghị các bộ ngành Trung ương khi Nhà nước thu hồi các diện tích đất cao su của Tập đoàn đang quản lý, ngoài chi phí hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề cần tính thêm chi phí hỗ trợ ổn sản xuất để Tập đoàn có thêm nguồn chuyển đổi mô hình sản xuất nhằm đảm bảo việc làm cho NLĐ.

Quang cảnh buổi làm việc

Sau khi nghe báo cáo, đề xuất, kiến nghị của VRG, ý kiến của lãnh đạo Cục QHLĐTL Bộ LĐTB&XH, ý kiến của lãnh đạo VRG, ông Lê Văn Thanh – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH đã ghi nhận và biểu dương những kết quả đã đạt được của VRG trong những năm qua. Theo ông ngành cao su là ngành kinh tế có những đặc thù riêng, địa bàn trải rộng trên các vùng, miền, khu vực biên giới khó khăn như Tây Bắc, Duyên hải miền Trung, nước ngoài Lào, Campuchia. Bên cạnh đó còn chịu ảnh hưởng lớn từ nhiều từ yếu tố về lao động vùng miền, thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng, đất đai… giá cả bấp bênh, lên xuống thất thường do tác động của thị trường… làm ảnh hưởng lớn đến việc xây dựng đơn giá tiền lương và các chế độ khác.

Ông Thanh đề nghị VRG cần xây dựng chặt chẽ quỹ tiền lương, phân phối sao cho phù hợp, qua đó có thể giữ chân được NLĐ, thu hút được nguồn lao động có trình độ chuyên môn cao, phục vụ cho các lĩnh vực ngành nghề tiềm năng mà VRG đang hướng đến. Việc này ông đề nghị các bộ phận chuyên môn của Bộ LĐTBXH tham mưu thêm, giúp sức, làm sao để xây dựng được thang bảng lương phù hợp với từng cấp bậc, ngành nghề, tính đặc thù của ngành cao su, tạo điều kiện để VRG tiếp tục phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm cho NLĐ trên các địa bàn nơi có cao su đóng chân.

DUY VŨ