Ánh sáng từ Phú Riềng Đỏ

CSVN – Từ cuối những năm 20 của thế kỷ XX, nền kinh tế Việt Nam nói chung và tình hình sản xuất kinh doanh của các đồn điền cao su nói riêng chịu tác động sâu sắc từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Mặt hàng mủ cao su sơ chế bị rớt giá mạnh, từ 28 Franc/1kg năm 1919 xuống còn 3 Franc/1kg năm 1930. Trong lúc đó, phong trào công nhân cả nước, phong trào đấu tranh của công nhân đồn điền cao su bắt đầu có những chuyển biến mới mang tính chất tự giác.

Đồng chí Lê Ngọc Liệu – Một trong những người đầu tiên lãnh đạo phong trào công nhân cao su
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hồng – Một trong những đảng viên đầu tiên của Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng

Sự chuyển biến ấy bắt nguồn từ hoạt động của Nguyễn Ái Quốc về truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin. Thực hiện chủ trương của Kỳ bộ Nam kỳ – Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (do Nguyễn Ái Quốc thành lập), Nguyễn Xuân Cừ đi “vô sản hóa” tại Đồn điền Cao su Phú Riềng. Tại đây, Nguyễn Xuân Cừ tổ chức kết nạp Trần Tử Bình và 3 người nữa vào tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, và trên cơ sở đó, thành lập chi bộ Hội. Tiếp nối Phú Riềng, một số đồn điền cao su khác như Courtenay… cũng thành lập chi bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên.

Các chi bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ra đời, lãnh đạo phong trào công nhân cao su đã làm cho các cuộc đấu tranh không còn mang hình thức tự phát, lẻ tẻ mà bắt đầu đi vào con đường có tổ chức dưới các hình thức bãi công, biểu tình. Đó là cuộc bãi công của công nhân Đồn điền Cao su Lộc Ninh và Đăk Kia chủ Pháp De Lalande cải thiện đời sống (ngày 8/4/1928); cuộc đình công và biểu tình của công nhân Phú Riềng đòi chủ đồn điền bồi thường cho nạn nhân do bị thầy xu đánh, đồng thời nêu khẩu hiệu “cấm đánh đập, bỏ lối cúp phạt lương” (tháng 9/1928); cuộc bãi công của 500 công nhân Đồn điền Cao su Cam Tiêm đòi tăng lương và cải thiện đời sống (ngày 20/9/1928). Cuộc đấu tranh được Tổng Liên đoàn Lao động Pháp lên tiếng ủng hộ…

Ngày 17/6/1929, Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập thay cho tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Thực hiện sự chỉ đạo của Ngô Gia Tự (đại diện Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng tại Nam kỳ), trên cơ sở chi bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, Nguyễn Xuân Cừ thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Đồn điền Cao su Phú Riềng. Đêm 28/10/1929, trong một khu rừng cạnh Làng 3 của đồn điền, Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Đồn điền Cao su Phú Riềng ra đời. Sự ra đời của Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Phú Riềng đã tạo ra bước ngoặt lớn trong phong trào công nhân Việt Nam. Từ đây, Đảng Cộng sản đứng ra nắm ngọn cờ lãnh đạo phong trào công nhân cao su Việt Nam.

Ngã ba thằng Tây, nơi công nhân cao su vùng lên giết chết một chủ đồn điền người Pháp. Hiện tại là vị trí ở phía trước Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng.

Trên phạm vi cả nước, sự phát triển của phong trào giải phóng dân tộc đặt ra yêu cầu khách quan là giai cấp công nhân cần có một chính đảng tiên phong thống nhất để lãnh đạo cách mạng trong cả nước. Ngày 3/2/1930, tại Hương Cảng Trung Quốc, dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc, đại diện các tổ chức cộng sản trong nước quyết định hợp nhất thành một Đảng Cộng sản duy nhất: Đảng Cộng sản Việt Nam. Vừa mới ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã bắt tay lãnh đạo một phong trào cách mạng rộng lớn trong cả nước, trong đó có phong trào đấu tranh của công nhân cao su.

Phong trào đấu tranh của công nhân cao su dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản mở đầu bằng cuộc bãi công của 5.000 công nhân Đồn điền Cao su Phú Riềng (Biên Hòa, từ ngày 30/1 – 6/2/1930). Cuộc đấu tranh chính trị có vũ trang hỗ trợ ở Phú Riềng tạo nên dư chấn rộng rãi trong khắp các Đồn điền Cao su Việt Nam.

Tiếp sau sự kiện Phú Riềng là cuộc đấu tranh của 1.300 công nhân Đồn điền Cao su Michelin (ngày 10/2/1930); cuộc tổng biểu dương lực lượng của công nhân các đồn điền cao su trong cả nước (ngày 1/5/1930). Trong nửa cuối năm 1930 đến năm 1935, công nhân cao su trong các đồn điền Dầu Giây, An Lộc, Bình Lộc, Ông Quế, Bến Củi, Bình Ba… thuộc Công ty SIPH, Quản Lợi, Xa Cam, Xa Trạch, Bình Sơn, Phú Hưng thuộc Công ty Đồn điền Đất Đỏ, Dầu Tiếng, Lộc Ninh, Đăk Kia thuộc Công ty CEXO… lần lượt nổi dậy. Với khẩu hiệu đòi dân chủ, dân sinh, ủng hộ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, kết hợp với khẩu hiệu chống thực dân đế quốc, ủng hộ Liên Xô, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc, các cuộc đấu tranh của công nhân cao su phần lớn giành được thắng lợi.

P.V

(trích Kỷ yếu 90 năm truyền thống ngành cao su)