Vững tin vào điều “kỳ diệu”!

CSVN – Tôi đã chứng kiến biết bao sự thăng trầm của kinh tế xã hội, hoặc chí ít cũng được biết những sự kiện đã từng xảy ra ảnh hưởng đến đời sống kinh tế xã hội toàn cầu, nhưng có lẽ chưa có bao giờ toàn thế giới lại rúng động như đại dịch Covid – 19.

Ảnh: Vũ Phong

Đến cuối tháng 12/2020, đại dịch vẫn hoành hành trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hệ thống y tế trong viễn cảnh quá tải có nguy cơ bị vỡ, công cuộc điều chế vắc-xin bước vào giai đoạn thử nghiệm để đưa ra thị trường. Khi cả thế giới đang chờ được phân phối thuốc ngừa thì loại covid này lại có biến chủng mới, báo hiệu một cuộc chiến mới đầy thách thức.

Nhưng những điều ấy vẫn chưa là gì so với những tác động của đại dịch đối với con người trên phạm vi toàn cầu.

Hàng loạt công ty, xí nghiệp ngừng hoạt động, phá sản, đẩy NLĐ lao đao vật vã với cuộc sống cách ly, giãn cách.

Chuỗi cung cấp sản phẩm dịch vụ đứt gãy, rối loạn.

Nhiều ngành kinh tế chủ chốt ngưng hoạt động như hàng không, du lịch…

Chính phủ đã phải sử dụng hàng loạt các giải pháp vĩ mô để giải cứu nền kinh tế như: giảm lãi suất cho vay, giảm thuế, giãn nợ, lập gói hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng của dịch để không bỏ lại phía sau những người yếu thế.

Nhìn lại trong năm qua, VRG cũng chịu tác động khá rõ, vào đúng mùa mở miệng cạo thì là cao điểm giãn cách xã hội. Nên công tác khai thác chậm hơn so với quy trình thêm một tháng, dẫn đến thiệt hại về mặt sản lượng, cũng như việc làm, thu nhập của NLĐ.

Hàng loạt các dự án tại Lào và Campuchia bị ảnh hưởng bởi quy định về chống dịch của nước bạn, khi  đa số anh em phải “trụ” lại, không thể đi về vì thời gian cách ly và chi phí cách ly quá lớn.

Chuỗi cung ứng sản phẩm tiêu thụ bị ảnh hưởng, lãnh đạo Tập đoàn đã kịp thời có kịch bản phù hợp đối phó, các công ty rất năng động vận hành bằng các giải pháp sát tình hình, nhờ đó mà khi vào vụ guồng máy vận hành thích ứng nhanh với giai đoạn “bình thường mới”.

Đại dịch Covid đã làm cho một số các nước sản xuất cao su thiên nhiên hàng đầu thế giới bị tác động nghiêm trọng, thiếu nhân công thu hoạch cộng với một số bệnh lá cao su làm giảm sản lượng, giảm nguồn cung thị trường, nên giá cao su đã tăng đáng kể so với năm 2019. Đây cũng là cơ hội để ngành cao su Việt Nam phát huy tiềm năng, nắm bắt cơ hội để phát triển trong khó khăn thử thách.

Một điều kỳ diệu là cổ phiếu của Tập đoàn. Còn nhớ năm 2018, thực hiện cổ phần hóa theo quyết định của Chính phủ, VRG với trên 20.000 cổ đông (chủ yếu là CB.CNVC -LĐ trong ngành) đều là cổ đông ưu đãi, chỉ trên 3,3% vốn điều lệ. Sau khi lên sàn giao dịch, có lúc chỉ 8.000 – 9.000đồng/cổ phiếu, thì trung tuần tháng 12/2020, có lúc giá cổ phiếu lên đến hơn 30.000đồng/ cổ phiếu (gấp 3 lần).

Đó chính là niềm tin của thị trường, của nhà đầu tư vào cổ phiếu của Tập đoàn, đó là việc ngành điều hành linh hoạt hiệu quả vừa sản xuất vừa phòng chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ. Tín hiệu kết quả tốt đẹp của việc thoái vốn khu công nghiệp VRG thu về 1.300 tỷ đồng, hàng loạt các khu công nghiệp từ đất cao su của Tập đoàn đã lấp đầy, đã và đang được phê duyệt mở rộng thu hút đầu tư, khi các “cá mập” – “đại bàng” từ các nước phát triển chọn Việt Nam làm nơi đầu tư thích hợp.

Một năm mới lại bắt đầu, những khó khăn phía trước chắc chắn vẫn khốc liệt khó lường. Nhưng tin rằng, là ngành có bề dày truyền thống, có đội ngũ NLĐ có tâm có tầm, năng động sáng tạo, đoàn kết sẽ vượt qua mọi khó khăn thử thách. Mùa xuân mới đang về với mọi người, mọi nhà, cùng nhau vượt khó vì sứ mệnh đầy tự hào:“Công nhân giàu -Tập đoàn mạnh”.

MINH ANH