CSVN – Năm 2021, năng suất vườn cây bình quân của Cao su Chư Mom Ray đạt 1,75 tấn/ha, do đó năm nay công ty kỳ vọng sẽ gia nhập Câu lạc bộ 2 tấn/ha của VRG. Để thực hiện được mục tiêu đó, công ty đã đề ra 4 giải pháp kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng vườn cây.
Chủ động thực hiện các giải pháp kỹ thuật
Ông Nguyễn Thành Trí – Trưởng phòng Kỹ thuật nông nghiệp công ty cho biết: “Phấn đấu đưa đơn vị gia nhập Câu lạc bộ 2 tấn/ha của VRG, công ty đã đề ra 4 giải pháp chính. Đó là, chú trọng công tác bảo vệ thực vật trên vườn cây kinh doanh; Tập trung trang bị tốt máng, mái che mưa cho vườn cây; Quản lý chặt chẽ quy trình kỹ thuật đối với công nhân (CN) và nhất là áp dụng linh hoạt thời gian cạo phù hợp với tình hình thực tế, diễn biến của mùa mưa”.
Lãnh đạo công ty cũng xác định phun thuốc phòng bệnh phấn trắng là một giải pháp quan trọng để cải thiện chất lượng vườn cây giúp cây nhanh phục hồi sau mùa cạo. Cũng theo ông Trí, mặc dù diện tích vườn cây của công ty có địa hình đồi núi và nhiều khe chia cắt trong lô, tuy nhiên công ty rà soát kỹ những diện tích có thể phun và phun trước cho diện tích có nguy cơ phát bệnh cao, vì thế hạn chế được mầm bệnh lây lan trên diện rộng.
Mặt khác, công ty cũng giao cho nông trường chủ động theo dõi và tổ chức phun thuốc trị bệnh, với phương châm “Phát hiện bệnh nhanh và trị bệnh kịp thời”. Nhờ vậy, thời gian qua đã phát hiện được sớm bệnh gây hại ở mức độ nhẹ và tổ chức phun thuốc trị bệnh đúng lúc nên đạt hiệu quả tốt.
Một giải pháp được công ty quan tâm thực hiện nữa đó là trang bị hệ thống máng, mái che mưa mặt cạo và váy che chén ngay từ đầu mùa cạo. Chỉ đạo phòng kỹ thuật hướng dẫn trực tiếp và chia sẻ video về kỹ thuật gắn mái che mưa và váy nilon che chén đến với từng CN qua các ứng dụng trực tuyến như Youtube, Zalo, Facebook… để CN thực hiện đúng kỹ thuật. Nhờ đó, trong suốt mùa mưa năm 2021, công ty không có ngày nào phải nghỉ cạo đã góp phần giữ được sản lượng mủ và tăng thu nhập cho NLĐ.
Linh hoạt về thời gian cạo theo diễn biến thời tiết
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Duy Vương – Phó TGĐ công ty cho biết: “Công ty chủ trương linh động điều chỉnh thời gian cạo mủ theo điều kiện thực tế của thời tiết. Trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 10 mưa nhiều, nên chúng tôi không quy định giờ cạo cụ thể mà cho CN linh hoạt cạo khi mặt cạo khô ráo và đảm bảo cạo hết số cây trên phần cạo trong ngày. Từ tháng 11 trở đi, thời tiết nắng nóng do vậy công ty quy định thời gian hoàn tất việc cạo mủ phải trước 7 giờ sáng để tránh ảnh hưởng tiêu cực của nhiệt độ cao làm giảm sản lượng mủ, nếu cạo không xong hoặc trùng với ngày thu mủ thì công ty linh động cho CN cạo buổi chiều tối, thời gian bắt đầu cạo từ 17 giờ giúp gia tăng sản lượng”.
Công tác quản lý kỹ thuật cạo cũng được công ty quan tâm hàng đầu, thể hiện qua việc hàng tuần tổ trưởng thực hiện chấm lỗi kỹ thuật cho 25% số CN của tổ, đảm bảo hàng tháng 100% CN được chấm lỗi kỹ thuật. Công ty có chế độ khen thưởng cho CN theo kết quả xếp loại tay nghề, theo đó CN có tay nghề giỏi được hưởng 105% lương nhằm khích lệ CN rèn luyện, nâng cao tay nghề.
“Tranh thủ những ngày tập trung thu mủ, chúng tôi kết hợp tổ chức tập huấn đầu bờ, lồng ghép và quán triệt các lưu ý về kỹ thuật cạo đến với từng CN. Từ đó giúp CN nắm chắc về lý thuyết cũng như giúp cho kỹ năng thực hành ngày càng tốt hơn”, ông Vương chia sẻ thêm.
MINH HẠNH
Related posts:
- Cao su Ea H’leo kỷ niệm 40 năm thành lập
- Thu nhập bình quân người lao động Rubico trên 10 triệu/người/tháng
- Thi đua về đích
- "Bữa cơm Công đoàn": Ấm áp nghĩa tình, thắm tình đoàn kết
- Các đơn vị miền núi phía Bắc năm 2021: Dự báo có nhiều khởi sắc
- An cư lạc nghiệp bên tán rừng cao su
- Một ngày ở tổ lần đầu tiên đạt năng suất cao nhất
- BSC và KPIs là công cụ quan trọng để doanh nghiệp thực hiện chiến lược và nâng cao hiệu quả hoạt độn...
- Cao su Lai Châu: Bệnh phấn trắng ảnh hưởng vườn cây
- Sôi nổi Hội thi “Bánh chưng xanh” trong Chương trình “Tết sum vầy - Xuân chia sẻ”