“Nhảy”

  • Ủa Tư Mủ, mới gặp lại thằng Tèo con ông Sáu cạo ở lô kế bên nè. Sao hồi đợt nghe nói nó nghỉ làm công nhân đi làm khu công nghiệp rồi cà.
  • Thì làm không quen, chịu không nổi quay về chứ gì. Mấy năm nay công nhân mình “nhảy việc”đi rồi “nhảy” trở lại thường xuyên đó mà.
  • Vậy là đi để… trải nghiệm, thấy làm “công nhân máy lạnh 8 tiếng” không bằng công nhân cao su hả. Vậy cũng làm khó cho đơn vị quản lý mình quá.
  • Nhưng mà vậy cũng có cái hay ông ơi, người này đi thấy không ổn về kể lại cho những người khác nghe, thế là công nhân ta bỏ đi cái ý định “nhảy”. He he.

HAI CẠO

Đừng mong học làm giàu 

Rủ nhau lên mạng học làm giàu 

Gom tiền đóng phí học chuyên sâu 

Ngờ đâu bị nó lừa mất tuốt 

Giờ đây ngồi khóc hận ôm sầu 

Muốn giàu thì phải chăm lao động 

Làm giàu bằng tay chớ ngồi không 

Đừng mong giàu có chờ sung rụng 

Suốt ngày lên mạng tìm viễn vông 

Muốn giàu thì phải biết lo xa

Dành dụm phòng thân xây cửa nhà 

Có đâu ngồi không đòi giàu có 

Chớ nghe lừa đảo hại thân ta

Trắng tay vì bởi học làm giàu 

Tiền thật đóng vô thật là mau 

Lãi thời tiền ảo làm sao rút 

Bởi thế đừng mong học làm giàu.

NGUYỄN VĂN DŨNG

Xây bể…

Tổ của cô Ngân cạo vượt kế hoạch mủ trên 2 tấn/năm, công nhân của tổ lãnh lương, thưởng… hàng chục triệu vào dịp cuối năm. Có chút tiền dôi dư, ai cũng mua sắm xe máy, tiện nghi máy lạnh, ti vi… mới. Nhưng riêng tổ Ngân, sôi nổi nhất vẫn là phong trào xây bể nuôi cá cảnh, và trồng cây kiểng bon-sai trước nhà, trông cảnh quan tuyệt đẹp.

Bác Tám phu công- tra trầm trồ:

– Bác phải công nhận công nhân tổ bây. Giỏi từ chuyện cạo mủ cho đến việc chăm lo đời sống tinh thần chu đáo. Tinh thần có tốt, thì làm việc gì cũng hiệu quả hơn hẳn. Mà ở đây bác chấm cái phong trào xây bể nuôi cá cảnh, phải nói là đồng bộ nhà ai cũng xây bể cá trước nhà: bể vuông, bể tròn, bể hình thoi, hình bán nguyệt. Bể nào cũng rặt nuôi toàn cá koi, đẹp, thấy ham thiệt. Nghĩ lại có những công nhân ở chỗ nọ, chỗ kia cũng xây bể mà đựng thứ khác thiệt là rầu!

– Bể đựng nước, nuôi cá. Sao đựng thứ khác được hả bác?

– Vậy mới có chuyện để nói. Bây còn nhớ mấy năm trước sốt đất bùng phát rầm rộ không. Lúc đó, bọn đầu cơ cấu kết với cán bộ tiêu cực trong bộ máy công quyền thao túng tạo giá đất sốt ảo. Đó chính là chiêu thức, thủ đoạn… để nhằm thu lợi trên mảnh đất, trên những đồng tiền làm bằng mồ hôi nước mắt của người nghèo, người làm ăn còn non kinh nghiệm. Khi trò gian xảo bị lật tẩy, thì họ đã ấm cật, no nê… cao chạy xa bay.

– Cho nên người nghèo, người làm ăn còn non tay bị mất đất, mất tiền vốn… vướng vào vòng nợ nần kêu thời không thấu. Đó gọi là … “bể nợ” phải không bác?

– Đúng rồi. Khi giá đất sốt, cũng có công nhân bỏ cạo (số ít thôi) đi làm cò đất, làm mai dắt mối… khi chủ gả bán được đất thì hưởng phần trăm, hoa hồng. Làm cò đất, vài tháng đã có tiền tỷ, ngon ăn quá mà. Vậy là, các anh chị gom số tiền “lợi tức”, rồi gom tiền lương cả đời tích luỹ được, lấy thêm sổ đất tài sản nhà ở của gia đình đem cầm cố ngân hàng vay thêm tiền tỷ nữa. Có vốn rồi, thì làm nhà đầu tư mua đất, mà khi mua giá đất cao chót vót như bong bóng căng, đến lúc kêu bán ra thì giá đất xẹp lép như bong bóng xì hơi (tức không còn sốt ảo). Thì không “bể nợ” mới lạ, phải không bây?

– Thấm thía quá bác!

– Thành ra, đã làm nghề công nhân cao su, làm thợ cạo mủ được làm chủ công việc của vườn cây thì phải xác định mục tiêu, tiền lương… và công sức mình bỏ ra là hoàn toàn tương xứng, hợp lý rồi. Còn nếu ai đã “sa cơ lỡ vận” thì quay đầu, nghề nghiệp cũng sẽ không phụ lòng người. Bởi vậy, việc xây cái bể nuôi cá cảnh phục vụ đời sống tinh thần cũng là việc có ích, hãy từ bỏ mon men xây cái bể khác, cái… “bể đựng nợ” (bể nợ) thì suốt đời lam lũ đó nhé!

NGUYỄN CỦ CẢI