CSVN Xuân – Mỗi độ Tết đến, hàng trăm ghe thuyền từ các tỉnh miền Tây chở các loại hoa cập bến Bình Đông (Quận 8, TP.HCM) phục vụ người dân Sài Gòn. Những chiếc ghe đầy ắp sắc hoa mang mùa Xuân về phố thị, cùng với đó là những hi vọng, mong ước của thương hồ về một mùa hoa Tết bội thu.
Những người mang Xuân về phố
Từ rất lâu, chợ hoa Bến Bình Đông là nơi cung cấp hoa Tết lớn của Sài Gòn. Người dân đến đây không chỉ để mua sắm mà còn để tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của chợ hoa đậm chất sông nước giữa lòng phố thị.
Đoạn kênh Tàu Hủ trải dài hàng cây số, san sát thuyền hoa khoe sắc, người Sài Gòn quen gọi đó là “chợ hoa trên bến dưới thuyền”. Góp phần tạo nên diện mạo đặc trưng cho phiên chợ đa sắc này phải kể đến những nhà vườn miền Tây. Họ là những nông dân chân chất, dịp Tết đến theo con nước trên những chiếc ghe thương hồ chở hoa Xuân về Sài Gòn.
Thương hồ bán hoa Tết trên Bến Bình Đông đến từ các tỉnh: Bến Tre, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp… trong đó nhiều nhất là đến từ huyện Chợ Lách, Bến Tre.
Ông Nguyễn Hữu Thành, một nhà vườn ở Chợ Lách, Bến Tre cho biết: “Để hoa đến được bến Bình Đông phải trải qua một hành trình dài nửa ngày. Từ Cái Mơn băng qua sông Hàm Luông, vượt kinh Chợ Gạo, qua sông Vàm Cỏ Tây, về Kênh Tân Hóa – Lò Gốm mới đến được bến Bình Đông”.
Đa số thương hồ là các nhà vườn nhỏ hoặc những thương lái trong vùng. Cứ đến rằm tháng chạp lại thuê ghe, xuôi về Sài Gòn. “Tiền thuê ghe hết 8 triệu đồng, nếu ghe nằm chờ thì 12 triệu đồng. Đa số các nhà vườn đều thuê ghe nằm chờ ở bến để có nơi chứa hoa vì diện tích lô nhỏ, chỉ trưng bày được một ít, số còn lại trên ghe để mang lên dần”, ông Thành cho biết.
Chợ hoa đa dạng các loại: Mai, quất, cúc, vạn thọ, hoa giấy, lan… Nhưng nhiều nhất là mai và quất. Ông Nguyễn Văn Bảy, chủ vườn mai ở Chợ Lách, thâm niên gần 20 năm bán hoa bến Bình Đông, chia sẻ: “Dù công vận chuyển bằng ghe cao hơn nhiều so với đường bộ nhưng có những cây mai trị giá hàng chục triệu đồng, không ai dám mạo hiểm vận chuyển bằng xe tải, lỡ đi đường giằng xóc, gãy cành, gãy tược thì công chăm sóc cả năm coi như công cốc. Năm nay thời tiết thuận lợi, khoảng rằm tháng chạp là bắt đầu xuống lá, đến 23 là có thể mai bung nụ để kịp bán dịp Tết”.
Vui buồn thương hồ hoa Tết
Năm nào cũng vậy, đến giữa tháng Chạp, khi chợ hoa bắt đầu mở lô, vợ chồng chị Trần Thị Hoài (Chợ Lách, Bến Tre) lại khăn gói theo ghe xuôi về Sài Gòn. Không khí những ngày gần Tết rộn ràng, người người, thuyền ghe nhộn nhịp mang theo hi vọng về một mùa hoa thắng lợi và một cái Tết đầy đủ, sum vầy cho thương hồ.
“Bao nhiêu công sức, vốn liếng cả năm dồn hết vào mấy chuyến hoa ngày cận Tết. Năm nào bán được, nhà nhà vui vẻ đón Tết rôm rả. Những năm ẩm, hoa bán không hết, xem như Tết buồn. Tết năm trước, nhà tôi mang theo 100 chậu mai, 300 cặp cúc và vạn thọ. Đến tận trưa 30 Tết chỉ bán được 40 chậu mai, cúc và vạn thọ. Dù hạ giá 1 cặp vạn thọ 50 nghìn đồng cũng chỉ bán được một nửa. Mai còn mang về chăm sóc để năm sau bán tiếp, còn cúc và vạn thọ thì phải đổ bỏ. Nhìn công sức của hai vợ chồng đổ sông đổ biển, xót lắm”, chị Hoài một thương hồ bán hoa Tết, chia sẻ.
Với kinh nghiệm bán hoa hơn 15 năm ở Bến Bình Đông, ông Hoàng Văn Cửu (Chợ Lách, Bến Tre) cho rằng khách chơi hoa thực thụ thường 24 – 25 âm lịch là họ đã đi xem và chọn mua. Riêng những người “có thì vui, không có cũng chẳng sao” thường đi rảo giá, xem qua nhiều lần, kỳ kèo trả giá. “Nhiều người có thói quen chờ đến 30 Tết mới đi mua với mong muốn mua được hoa rẻ. Với tâm lý đó, dân bán hoa chúng tôi rất khổ sở. Hơn chục ngày mất ăn mất ngủ, đến cuối cùng giá nào cũng cắn răng bán tháo, hi vọng kiếm thêm chút đỉnh để trở về”.
“Năm nào bán được, ai cũng hớn hở mong sớm về nhà, quãng đường 12 giờ đồng hồ, đón giao thừa trên ghe cũng chẳng là gì. Nhưng với năm ế ẩm, thất bát, chẳng muốn trở về, sợ phải đối mặt với những lời hỏi han của chòm xóm và ánh mắt mong đợi của mấy đứa con nhỏ ở nhà”, ông Cửu tâm sự.
Nhiều thương hồ chia sẻ với chúng tôi, cái nghề thất thường, có vui, có buồn, nhưng cứ Tết đến, lòng lại rộn lên, yêu cái không khí rộn ràng trên bến dưới thuyền, lại khăn gói theo ghe xuôi về Sài Gòn với một niềm hi vọng mới.
ĐÀO PHONG
Related posts:
- Thương nhớ những cánh rừng cao su
- Cao su Chư Păh thi karaoke mừng Quốc khánh
- LỜI CẢM TẠ
- Được gặp Bác - Kỷ niệm đáng nhớ
- Thời kỳ phát triển và các bước thăng trầm
- Chế nhạc là hành vi vi phạm pháp luật
- Tự hào đội văn nghệ cao su Đồng Nai
- Người mẹ Anh hùng trong "Huyền thoại mẹ"
- Cao su Lai Châu II đạt giải nhất Hội diễn Khu vực I
- Chi hội Nhà báo các Báo thường trú tỉnh Gia Lai tổ chức chương trình thiện nguyện “Gắn kết trái tim ...