“Lòng trung thành” – Một tác phẩm gần gũi với công nhân cao su

CSVN – Trong Hội diễn Nghệ thuật quần chúng VRG khu vực II/2019 diễn ra tại Gia Lai, tiểu phẩm “Lòng trung thành” của anh Lương Quang Hiến – Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông đã gây được sự chú ý với khán giả, không chỉ bởi tính hài hước mà còn bởi kịch bản lạ và thú vị.
Một cảnh trong tiểu phẩm “Lòng trung thành”. Trong đó, tác giả Lương Quang Hiến trong vai trưởng họ.
Một cảnh trong tiểu phẩm “Lòng trung thành”. Trong đó, tác giả Lương Quang Hiến trong vai trưởng họ.
Gần gũi và sâu sát với đời sống công nhân cao su

Nói về hoàn cảnh ra đời của tác phẩm “Lòng trung thành”, anh Hiến cho biết: “Trước khi chọn đề tài tôi đã đi xuống cơ sở, gặp gỡ công nhân (CN) để lắng nghe tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của họ nhằm nắm bắt tư tưởng của họ”.

Tiểu phẩm là câu chuyện kể về một buổi tập kịch của đội văn nghệ công ty với nội dung một gia đình đang tổ chức lễ thành hôn cho con gái, khi lễ thành hôn đến mục “Phu thê giao bái” thì bố cô gái ở xa về, do hiểu nhầm nên ông không đồng ý với đám cưới mà yêu cầu “tuyển rể” bằng cách các ứng cử viên muốn lấy con gái ông phải trải qua một cuộc kiểm tra bằng máy đo “Lòng trung thành” do ông mua về. Các chàng trai phải vào trong máy để quét lòng trung thành. Ứng cử viên thứ nhất được máy quét ra kết quả không có lòng trung thành với lý do “khi giá cao su xuống thấp, thu nhập không ổn định đã bỏ công ty vào các khu công  nghiệp làm CN”.        Ứng cử viên thứ hai máy quét cũng cho ra kết quả tương tự với lý do: “Tuy vẫn đang làm CN cao su nhưng đã mấy lần bớt xén mủ bán ra ngoài”. Đến ứng cử viên thứ 3 thì bỏ cuộc, khi được hỏi vì sao bỏ cuộc, anh nói rằng do thấy giá mủ xuống thấp nên bỏ việc về nhà đi buôn gỗ, nếu có vào thì máy cũng cho kết quả không đạt yêu cầu nên tự nguyện xin rút lui.

Trưởng họ là người điều hành buổi thi đã thốt lên: “Thời buổi bây giờ tìm được người có lòng trung thành sao mà khó thế”. Bất ngờ một chàng trai mặc quần áo CN xuất hiện. Ông trưởng họ hỏi “Đi đâu vậy cháu?”. Anh này trả lời vừa đi cạo về liền chạy đến đây để tập văn nghệ với cô gái…

Nội dung của tác phẩm nói lên rằng: Gia đình cô gái là một gia đình có truyền thống gắn bó với ngành cao su và có cuộc sống ổn định nhờ cây cao su. Vì thế, ông bố chọn con rể phải là người yêu nghề cạo mủ cao su và có lòng trung thành với đơn vị. Chủ đề của tác phẩm đã gởi gắm nội dung tư tưởng của tác giả muốn chuyển tải là dù rằng trong điều kiện khó khăn, giá mủ cao su thấp, thu nhập không ổn định nhưng người CN vẫn một lòng, một dạ gắn bó với cây cao su, họ tin tưởng rằng “Qua cơn bĩ cực tới ngày thái lai”.

Ý nghĩa sâu sắc

Anh Hiến cho rằng ở dưới cơ sở đã xảy ra một số trường hợp CN thấy giá mủ cao su thấp, thu nhập không nhiều nên đã bỏ việc đi vào các khu chế xuất, khu công nghiệp ở các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, khi vào làm họ mới nhận ra rằng dù thu nhập được 5 – 6 triệu/tháng nhưng với việc phải thuê phòng trọ, chi phí đi lại về thăm gia đình cũng như các khoản chi phí khác…hầu như không còn tích lũy được bao nhiêu. So với khi còn làm CN cao su ở quê nhà thì điều kiện vẫn thuận lợi hơn, đó là có chỗ ở gần nơi làm việc, có điều kiện thăm nom chăm sóc bố mẹ và gia đình, giá cả tiêu dùng cũng thấp hơn vùng đô thị nên dù thu nhập từ làm CN cao su có giảm nhưng vẫn đảm bảo cho cuộc sống gia đình.

Khi quay về, muốn xin vào CN họ phải chờ đợt tuyển dụng mới, phải làm lại từ đầu. Nhận thức điều đó, anh Hiến đã đặt bút viết tiểu phẩm “Lòng trung thành”, một câu chuyện kể về thực trạng khá phổ biến thời cao su xuống giá, thanh niên thiếu tình yêu với nghề, với cây cao su và với chính truyền thống của gia đình mình.

VĂN VĨNH