(tiếp theo kỳ trước)
Đất đỏ và đất xám
Trong bảng đăng ký ngày 1/1/1911 do Hiệp hội các nhà trồng cao su Đông Dương công bố, có 28 Đồn điền cao su lớn (từ 500 ha trở lên). Trong số này có 18 sở nằm trên vùng đất đỏ thuộc các tỉnh Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Baria, chiếm 71% tổng diện tích khai báo. Điều này cho ta thấy các nhà tư bản Pháp đã chọn vùng đất đỏ để xây dựng đồn điền lớn trồng cao su. Vùng đất xám thuộc các tỉnh Gia Định, Tây Ninh, Nam Thủ Dầu Một, Bắc Biên Hòa… dành chủ yếu cho trung điền và tiểu điền.
Đầu thế kỷ XX, người ta đã bắt đầu so sánh cái lợi và cái hại trong việc xây dựng đồn điền cao su trên 2 loại đất chính của miền Đông Nam Bộ. Mỗi loại có các ưu thế riêng:
Đất xám thì độ phì nhiêu thấp, cây mọc kém hơn trên đất đỏ, về sau phải bón phân cho cao su nhưng được cái lợi lớn là khai hoang không tốn kém lắm; khí hậu lành, bệnh tật ít và gần các khu đông dân cư nên dễ tuyển mộ người làm. Đó là vùng đất cho những người ít vốn.
Đất đỏ thì độ phì nhiêu cao, thêm vào đó có lý tính tốt. Cây caó su trên đất đỏ mọc nhanh tốt. Nhược điểm lớn của vùng đất đỏ là xa xôi hẻo lánh, nước độc, người thưa khó tìm nhân công tại chỗ. Khai hoang tốn kém gấp 2-3 lần đất xám. Đó là vùng lý tưởng cho các nhà “trường” vốn.
Như vậy đến năm 1910 xu thế phát triển cao su ở Việt Nam đã rõ: đại điền trên vùng đất đỏ và trung, tiểu điền trên đất xám là chính. Vùng đất đỏ của miền Đông Nam Bộ thuộc 2 dải đất huyền vũ nham hạ lưu sông Đồng Nai và hạ lưu Sông Bé, nối liền với vùng đất đỏ tỉnh Kompong Chàm của Campuchia. Trong nước Việt Nam diện tích đất đỏ chiếm khoảng 400.000 ha. Có thể nói rằng bước đầu các đồn điền nhất là đồn điền lớn trên vùng hạ lưu sông Đồng Nai có xu hướng tiến về phía đông. Trên vùng hạ lưu Sông Bé, phía bắc tỉnh Thủ Dầu Một thì vươn về phía biên giới Việt Nam – Campuchia. Thảm thực vật của hai vùng đất đỏ này có những điểm giống nhau. Từ Dầu Giây đi về phía đông, chủ yếu là rừng thứ cấp, có chỗ khá dày với cây “dầu” là loại cây chính. Nhiều diện tích ngày xưa là rừng già, nhưng đầu thế kỷ XX đã bị người dân tộc đốt rừng làm rẫy nên đất biến thành trảng tranh dày đặc xen kẽ rừng tre.
Trên vùng phía bắc Thủ Dầu Một lác đác còn một ít rừng già nhưng đại bộ phận đất đỏ đã bị rừng tre che phủ dây bịt; vì vậy người ta gọi vùng đất từ “ngầm” Xã Trạch lên biên giới Việt Nam – Campuchia là “Biển Tre” (mer des bambous). Thỉnh thoảng có một cây cổ thụ vút lên trời xanh, che cho các lùm tre rộng bằng 1-2 cái nhà. Rừng tre dày khó mà chui vào được. Cây cổ thụ thường gặp là cây “cầy” (cây kơnia) mà dân khai hoang ít muốn đụng đến.
Hai vùng đất đỏ giống nhau ở chỗ dân cư thưa thớt và bệnh sốt rét rất nặng. Có nơi là ổ bệnh sốt rét ác tính, thường gây tử vong. Các đồn điền lớn nối tiếp nhau ra đời, mặc dù có khó khăn về tài chính. Sau Công ty Nông nghiệp Suzannah (1907) đến Xã Trạch của Haffner và Aimé Jacque (1908), An Lộc của E. Girard (1908), Lộc Ninh (1911), Courtenay (1912), Xa Cam (1913), Quản Lợi (1916), Phú Riềng (1917) thuộc nhóm Ttivaud – Haiiet… Các đồn điền lớn nói trên đã mở đầu cho thời kỳ phát triển cao su ở Việt Nam và sự mở đầu này thực hiện trên vùng đất đỏ.
Trên vùng đất xám lúc ấy mới có đồn điền của hai anh em de Bellesme, bắt đầu trồng năm 1908 tại Vên Vên và chính thức trở thành Công ty Cao su Tây Ninh năm 1913. Phải đợi đến năm 1923, mới xuất hiện đồn điền lớn thứ hai trên đất xám là đồn điền của Công ty Michelin ở Dầu Tiếng.
Thời kỳ khai sơn phá thạch – Những người đi đầu
Những công nhân đầu tiên – Đồng bào dân tộc trong công tác khai hoang xây dựng đại điền
Vùng đất mới thường nằm ở một nơi xa, gần như không có dân cư người Kinh; không có đường giao thông ngoài đường xe bò xe trâu trong rừng; tiếp tế vô cùng khó khăn; nơi nào cũng bị sốt rét nặng… Ngày đêm thú dữ vào tận lán trại bắt người.
Công tác khai hoang phải làm khẩn trương để tranh thủ mùa khô dọn đốt và chuẩn bị đất để gieo trồng kịp mùa mưa tới.
Trong điều kiện kham khổ và căng thẳng như vậy tuyển mộ công nhân người Kinh không dễ và họ không trụ được lâu đài. Tuyển mộ đã khó, giữ họ lại càng khó vì họ là người phu tự do, có dùng súng đe dọa họ cũng bỏ đi. Công việc khai hoang lại nặng nhọc và nhiều nguy hiểm, thường xảy ra tai nạn chết người. Phải nói trong giai đoạn này, chính đồng bào dân tộc là lực lượng lao động chủ yếu của đồn điền đang hình thành. Bị ép buộc, bị đói muối, đói cơm, họ đành đi làm cho đồn điền mặc dù làm công việc nặng nhọc không công nhân nào khác chịu nhận làm, mặc dù họ bị khinh miệt ra mặt. Đồn điền Courtenay, thành lập năm 1912, lúc ấy thuộc tỉnh Baria, xác nhận rằng đồng bào Thượng là những công nhân đầu tiên của đồn điền.
Công việc khai hoang là thuộc sở trường của đồng bào Thượng. Người dân tộc, dù là Châu Ro, Châu Mạ, Stiêng, K’Ho, M’Nông… đều giỏi về khai hoang, đặc biệt là khai hoang rừng tre.
Chúng ta hãy nghe đồng chí Trần Việt Trung (tức là Tư Trung) nguyên Ủy viên thường vụ Công đoàn Cao su Nam Bộ, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ kể về đồng bào dân tộc làm công tác khai hoang:
“Bà con rất tài trong việc chặt hạ cốc lùm tre, có lùm bằng cả một hai căn nhà. Họ làm nhanh và không xảy ra tai nạn đáng kể. Bà con phân công nhau, mỗi người một bụi tre, như vậy là cách tốt nhất để tránh tai nạn lao động nhưng thường 3-4 người một bụi.
Để tiến công vào lùm tre, họ chỉ có cây xà gạt (người Châu Ro thì dùng cả cây rựa) là dụng cụ khai hoang tre nứa hữu hiệu nhất. Lưỡi cây xà gạt dài 20 cm, rất bén, chật gốc tre đứt ngọt; chỉ cần 3-4 nhát xà gạt là đủ hạ một cây tre. Tôi không biết bà con làm thế nào để có lưỡi xà gạt sắc bén như vậy, vì lúc ấy đâu có loại thép nhíp xe ô tô như sau nầy thường tháo về làm dao cạo mủ theo bà con thì họ chỉ nhặt sắt đem về rèn và trui, cứ làm tới làm lui như vậy 2-3 ngày mới xong được một lưỡi xà gạt đáp ứng yêu cầu.
Nhưng quan trọng là kỹ thuật chặt hạ làm sao cho tre ngã về một phía cho dễ dọn và làm sao cho đoạn gốc của cây tre không bật lên và đâm vào bụng làm đổ ruột chết người.
(xem tiếp kỳ sau)
CSVN
(trích từ sách “100 năm cây cao su ở Việt Nam”)
Cơ cấu sản xuất và các chuyển biến lớn
Related posts:
- Cao su Bà Rịa tham gia Hội diễn "Tiếng hát công nhân, người lao động" tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
- Cao su Ea H'Leo tổ chức giải bóng chuyền truyền thống
- Phát huy hiệu quả Dự án Trí thức trẻ tình nguyện ở Binh đoàn 15
- Phó Bí thư Đoàn hát hay, đàn giỏi
- Hy vọng
- Ứng dụng khoa học kỹ thuật
- Cao su Dầu Tiếng tổ chức Hội trại Hoa phượng đỏ lần thứ 17
- "Bưu thiếp của rừng": Tấm bưu thiếp cho cuộc sống
- Từ cuộc bùng nổ cao su 1910 đến cuối kế hoạch Stevenson
- Công ty 732: Hỗ trợ trồng 610 cây cao su, tạo sinh kế cho trẻ em mồ côi