Mãi mãi là nông trường 2 tấn

CSVN – Nông trường 1 – Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng nằm trên địa bàn 2 xã Bình Thắng và Đa Kin huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước với 203 CB.CNLĐ, quản lý hơn 1.370 ha cao su, trong đó 850,52 ha khai thác và 318 ha kiến thiết cơ bản. Năm 2020, năng suất đạt trên 2,7 tấn/ha của nông trường là một con số đầy ấn tượng.

Tổ 6 chụp hình lưu niệm cùng lãnh đạo CĐ CSVN, Cao su Phú Riềng, NT 1 nhân dịp được trao thưởng thi đua nước rút ngày 19/11/2020. Ảnh: Ngọc Cẩm
10 năm liền có mặt trong câu lạc bộ 2 tấn

Cũng như những nông trường khác trực thuộc công ty, Nông trường 1 đã 10 năm liền nằm trong Câu lạc bộ 2 tấn. Riêng năm 2020, năng suất đạt trên 2,7 tấn/ha của nông trường là một con số đầy ấn tượng. Năm 2020 kế hoạch công ty giao là 1.980 tấn, nông trường khai thác đạt 2.069 tấn. Năng suất lao động bình quân toàn nông trường là 10,8 tấn/ lao động, thu nhập bình quân cả năm của người lao động 11,1 triệu đồng/ người/ tháng. Nhờ vậy NLĐ yên tâm gắn bó vườn cây, nâng cao tay nghề, tận thu hết năng lực vườn cây.

Việc thực hiện Quy trình kỹ thuật được NLĐ tuân thủ đã thành nề nếp. Sáng thấy rõ mặt cạo công nhân mới vào lô làm việc, chính vì vậy mà giảm áp lực cường độ lao động cho công nhân, thuận lợi trong công tác quản lý, bảo vệ sản phẩm.

Việc bón phân trên vườn cây khai khác được thực hiện 1 lần trong năm, công tác tổ chức gắn – nghiệm thu máng, màng chắn mưa khá kỹ lưỡng nên không bị mất mủ do mưa cũng là một yếu tố quan trọng góp phần duy trì sản lượng dù thời tiết thất thường.

“70% diện tích vườn cây khai thác của nông trường được trồng giống RRIV, đó cũng là một điều kiện để đảm bảo năng lực vườn cây, giúp nông trường có tiềm năng về sản lượng duy trì lâu dài, ổn định về năng suất nếu công tác quản lý đạt yêu cầu”, anh Trịnh Đình Yên – Giám đốc NT 1 khẳng định.

Có thể thấy, thành quả đạt được của nông trường không thể tách rời sự quan tâm, hỗ trợ của huyện Bù Gia Mập, đặc biệt là 2 xã Bình Thắng và Đa Kin. Sự phối hợp làm việc trao đổi thông tin hàng tháng giữa tiểu ban chỉ huy thống nhất nông trường và xã để giải quyết những khó khăn và vướng mắc. Trong năm nông trường đã hỗ trợ 25 triệu đồng cho những gia đình khó khăn tại 2 xã, tham gia văn nghệ – thể dục thể thao khi địa phương tổ chức. Tạo mối quan hệ tốt với chính quyền và nhân dân trên địa bàn.

Điều kiện giữ vững mục tiêu chiến lược

Một yếu tố quan trọng, tạo động lực thi đua trong công nhân lao động giữa các tổ chính là tính dân chủ, công khai, minh bạch về đơn giá, định mức đến tận NLĐ, tránh được những thắc mắc trong công tác thi đua khen thưởng. Là địa bàn các khu công nghiệp thu hút nhiều lao động, nên diện tích 318 ha cao su KTCB, nông trường thực hiện khoán công không bố trí lao động đứng lô. Việc làm này vừa kiểm soát tốt suất đầu tư thấp nhất nhưng lại đảm bảo quy trình kỹ thuật, tăng trưởng vườn cây vượt quy trình, giúp các tổ huy động được nguồn lực, tăng thu nhập chăm sóc cây trồng sau khi giao nộp mủ.

“Trong 10 tổ thì tổ 6 năng suất cao nhất toàn nông trường. Tổ có 23 công nhân, cạo vườn cây nhóm 3, năng suất bình quân năm rồi là 3,3 tấn/ha, năng suất lao động đạt 14,5 tấn/lao động. Thu nhập bình quân 13 triệu đồng/người/tháng – Đây là tổ điển hình của nông trường”, anh Yên phấn khởi cho hay.

Từ điển hình này, nhìn rộng ra toàn ngành, nếu vườn cây tốt, quản lý tốt, kỹ thuật tốt thì năng suất lao động, năng suất vườn cây cao thì NLĐ vẫn đảm bảo thu nhập dù giá cả – thị trường có khó khăn, biến động không thuận lợi. Là cơ sở cho các công ty có điều kiện duy trì chống đỡ hiệu quả các tác động tiêu cực và giữ vững mục tiêu chiến lược dài hạn của công ty. Chia tay Nông trường 1, nhìn vườn cây KTCB phát triển đều tăm tắp, hứa hẹn tương lai cho mủ sau này. Tin rằng, nông trường sẽ hoàn thành vượt mức kế hoạch công ty giao, đời sống, thu nhập NLĐ đảm bảo. Và, chắc chắn “Nông trường 1 sẽ mãi mãi là nông trường 2 tấn” – như lời đồng chí tổng giám đốc công ty đã hứa với lãnh đạo Tập đoàn.

MINH ANH