Tính năng động của các đồn điền cao su Việt Nam

(tiếp theo kỳ trước)

CSVN – Các đồn điền thuộc nhóm Rivaud I Hallet cũng áp đụng phương pháp ghép của Van Pelt nhưng không đụng đến cây 4 tuổi.

DCIM\100MEDIA\DJI_0412.JPG

Có thể nói rằng Việt Nam áp dụng phương pháp ghép một cách kiên quyết và đã đạt kết quả tốt trong các năm cuối của thập kỷ 30; đặt biệt việc ghép đại trà trên cây 3-4 tuổi là một cách làm táo bạo nhằm chuyển đổi các vườn cây thực sinh thành vườn cây ghép có năng suất cao.

Cũng trong thời gian này, công tác giống đã được chú trọng. Từ năm 1932 “Sở Kỹ thuật” (Service technique) của Công ty Terres Rouges đã bắt đầu tuyển chọn các cây cao su có năng suất cao. Và năm 1933, bắt đầu làm công việc lai hoa thụ phấn nhân tạo. Từ đầu năm 1933, sở Kỹ thuật bắt tay vào việc thử nghiệm việc cạo nguyên vòng (full spiral) nhằm thay cho chế độ cạo S/2 J/2.

Chúng tôi chỉ kể lại một số đổi mới xảy ra trong thời kỳ khó khăn của giai đoạn sau kế hoạch Stevenson và đầu thập kỷ 30 để chúng minh tính năng động của các đồn điền cao su Việt Nam. Phải nói rằng các đồn điền cao su Việt Nam đã có nhiều cố gắng để khắc phục khó khăn một cách sáng tạo và vươn lên, cho đến năm 1939, khi nổ ra thế chiến lần thứ hai.

Những khó khăn mới ập đến, và lần này chiến tranh diễn ra tại Đông Dương; ngay trên đất Việt Nam do bọn quân phiệt Nhật mang đến tận nơi và gây đau thương tang tóc cho dân lành đang sinh sống yên bình.

Nhật nhảy vào Việt Nam sớm nhất. Tháng 6 năm 1940, Nhật đòi quyền kiểm soát đường xe lửa Laokai – Hải Phòng; ngày 21-6-1940 Nhật đưa ra yêu sách chiếm đóng Bắc Bộ và cùng ngày hôm ấy tấn công Lạng Sơn. Với 6 vạn quân của đội quân Quảng Tây, Nhật đè bẹp ngay trong ngày 16.000 quân của Pháp gồm 4.000 lính Âu Phi và 12.000 lính khố xanh. Tháng 9 năm 1940, Nhật chiếm tả ngạn Sông Hồng, một số sân bay Bắc Bộ. Đến tháng 7 năm 1941, Nhật chiếm đóng toàn bộ phía Nam Đông Dương.Các đồn điền Pháp một lần nữa lại bị đảo lộn về tổ chức quản lý do các cán bộ người Pháp bị gọi về Pháp để làm nghĩa vụ quân sự. Một lần nữa, giới chủ các đồn điền cao su bị lúng túng trong công tác quản lý với cách suy nghĩ lỗi thời của họ trong đồn điền nhất thiết phải có mặt người Pháp!

Phen này Đông Dương bị Nhật bao vây chặt chẽ đến nỗi các nước đồng minh không cựa được, sau khi bị “quân đội Phù Tang” đánh cho bể đầu mẻ trán. Trang thiết bị, thuốc men… bị cắt đứt gần như hoàn toàn. Nêu không có các vườn cây quinquira của Dr.

A. Yersin trồng nhiều nơi ở Lâm Đồng (Djiring, Diom, Dran, Trại mát) thì số người chết vì bệnh sốt rét có thể tăng lên rất cao

Đến thời kỳ Công ước 1934, cao su Việt Nam xem như đã định hình. Diện tích mở rộng không bao nhiêu; chủ yếu là từ phía tiểu điền, người Việt và một số ngoại kiều như Hoa kiều, Ấn kiều. Các đồn điền cao su lớn không phát triển diện tích mà chuyển về cải tiến công việc khai thác.

Quân đội Nhật không đụng đến cao su Việt Nam cho đến cuộc đảo chính ngày 9 tháng 3 năm 1945. Sau khi quân đội Nhật lật đổ Chính quyền Pháp ở Đông Dương, những người Pháp trong các đồn điền cao su đều bị tập trung; các đồn diền của Pháp do sĩ quan hay lính Nhật quản lý nhờ dựa vào các cán bộ Việt Nam mà chúng giữ lại làm việc. Nhiều đồn diền nhỏ và vừa của người Pháp bị đóng cửa hoặc bỏ hoang.

Tiếp đến là cuộc Cách mạng Tháng 8 thành công mang lại độc lập tự do cho đất nước. Cao su Việt Nam viết cho mình trang sử mới.

CSVN

(trích từ sách “100 năm cây cao su ở Việt Nam”)

(Xem tiếp kỳ sau)

Kinh tế khủng hoảng toàn cầu và công ước 1934 (tt)