Cây cao su về bản

Kỳ 2: Diện mạo mới trên các bản vùng dự án

CSVN – 15 năm định hình trên vùng đất phi truyền thống, cây cao su dần dần đã khẳng định hiệu quả bước đầu vì cuộc sống của bà con thôn bản, góp phần tô thêm sức sống xanh vùng cao đất trống đồi trọc. Những hoài nghi, những lo lắng của 15 năm trước, khi cây cao su đầu tiên được trồng ở vùng núi Tây Bắc nay đã được thay thế bằng niềm tin, sự gắn bó của công nhân cao su, của người dân góp đất trồng cao su.

Cán bộ kỹ thuật Cao su Sơn La kiểm tra kỹ thuật trên vườn cây, đây là hoạt động thường xuyên để kịp thời nâng cao tay nghề cho NLĐ
Công nhân cao su ấm no

Tới thăm gia đình công nhân Công ty CPCS Sơn La Ngần Văn Bảy ở bản Khoan, xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai những ngày đầu tháng 6. Trong căn nhà 5 gian rộng rãi kiên cố là nơi sinh hoạt của gia đình anh Bảy với đầy đủ tiện nghi như bàn ghế, ti vi, tủ lạnh, máy giặt… Anh Bảy là người gắn bó với công ty ngay những ngày đầu triển khai dự án và cũng là một trong những lớp công nhân đầu tiên tham gia phát dọn mặt bằng gieo những mầm non cao su đầu tiên trên vùng đất khó Tây Bắc.

Anh Bảy nhớ lại: “Với địa hình đồi dốc cao nên thay vì dùng các phương tiện cơ giới chúng tôi phải làm thủ công từ phát cây, làm đường đồng mức và vận chuyển vật tư, phân bón cũng như cây giống… Quả thật đến hôm nay, những gì chúng tôi thụ hưởng là thành quả đáng trân trọng từ những giọt mồ hôi trong chuỗi ngày vất vả chăm chút cho loại cây lần đầu tiên được trồng nơi đây”.

Cũng như hàng ngàn công nhân là người đồng bào ở Sơn La, ngoài tiền lương, anh Bảy được Công ty CPCS Sơn La tạo điều kiện trồng xen canh các loại cây ngắn ngày trên vườn cây kiến thiết cơ bản, đồng thời cho vay vốn nuôi thêm trâu bò. Hiện gia đình anh đang có 2 con trâu (khoảng gần 60 triệu/con) và 1 con bò (khoảng gần 20 triệu/ con). Hiện nay, với mức lương bình quân hơn 7 triệu đồng/tháng, những tháng cuối năm thu nhập cao hơn cộng với tiền từ phát triển kinh tế gia đình, vợ chồng anh sống thoải mái và có khoản tiền dư dả để dành.

Cũng trong khoảng thời gian này, chúng tôi đến thăm đội sản xuất của Nông trường Điện Biên, Công ty CPCS Điện Biên. Vừa làm việc, chị Cà Thị Phương

– công nhân khai thác vừa chia sẻ: “Công việc trên vườn cây thì không có gì vất vả, khó khăn cả, khi vào làm công nhân cao su thì mình cần thay đổi cách làm việc khoa học hơn, tuân thủ các quy định của đơn vị. Công ty đảm bảo chi trả lương đều đặn hàng tháng và đều có bảng dán công khai mức lương của công nhân ở nhà tổ, bà con có thắc mắc gì cũng được giải đáp thấu tình đạt lý, do đó chúng mình yên tâm làm việc cho công ty cao su. Thu nhập mỗi tháng của mình bình quân là 6 triệu đồng. Thêm các nguồn thu từ trồng trọt và chăn nuôi nữa nên gia đình mình có cuộc sống khá đầy đủ, tốt hơn thời chưa đi làm công nhân cao su, con cái của vợ chồng mình đều được đến trường…”.

Ông Nguyễn Công Tám – Phó TGĐ phụ trách Cao su Điện Biên cho biết: “Tính từ khi thành lập đến nay, đối với NLĐ, chúng tôi thực hiện việc chi trả lương, các chế độ chính sách và chi trả lợi tức cho bà con góp đất một cách công khai, minh bạch. Về công tác an sinh xã hội, công ty đã xây dựng được 22 nhà “Mái ấm Công đoàn” cho NLĐ với tổng kinh phí hơn 816 triệu đồng. Năm 2009, công ty hỗ trợ xây dựng nhà ở bán trú cho học sinh huyện Mường Nhé. Bên cạnh đó còn xây dựng và trang bị đồ dùng học tập cho một trường mẫu giáo ở xã Mường Toong với kinh phí hơn 1 tỷ đồng”.

Ông Lê Bá Quý – Phó TGĐ Công ty CP Cao su Sơn La cho biết: “Cùng với tập trung phát triển sản xuất, trong 15 năm qua công ty đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, bảo hộ lao động cho người lao động. Ngoài ra, công ty đã xây dựng hệ thống 13 nhà trẻ, trường học cho con NLĐ của công ty có điều kiện học tập đàng hoàng. Nhờ những ngôi trường này, NLĐ không phải nhọc nhằn địu con lên nương làm việc như trước kia, mà hoàn toàn yên tâm lên đồi chăm sóc cao su khi con mình đang được các giáo viên có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm chăm sóc chu đáo”.

Không chỉ thế, để hỗ trợ người lao động có thêm thu nhập, lãnh đạo công ty đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể vận động công nhân phát triển kinh tế gia đình. Để cụ thể hóa điều đó, Cao su Sơn La đã hỗ trợ vốn, các phòng ban chuyên môn hỗ trợ kỹ thuật cho hộ công nhân trồng xen canh như ngô, lúa, đậu, lạc, cà phê… và chăn nuôi gia cầm. Đặc biệt, công ty đã có chủ trương cho NLĐ vay không tính lãi để trồng cỏ và nuôi bò nhốt chuồng. Từ chủ trương này, công ty đã cho 1.201 hộ vay vốn với số tiền gần 6,8 tỷ đồng tương đương với 1.201 con bò. Tính đến nay đàn bò đã tăng lên 2.024 con do sản sinh thêm 823 con.

Ngoài giờ cạo trên lô, anh Ngần Văn Bảy còn tranh thủ phát triển kinh tế gia đình bằng việc nuôi bò và trồng trọt
Bản làng thay áo mới

Quả thật, sau 15 năm phấn đấu kiên cường, bộ mặt nông thôn vùng đất khó miền núi phía Bắc đã khoác lên mình chiếc áo mới được tô thắm từ những bản làng có nhiều căn nhà kiên cố; hạ tầng cơ sở được bê tông hóa; trường học và nhà văn hóa ngày càng nhiều và khang trang…

Trao đổi với chúng tôi, ông Lò Văn Sâm – Chủ tịch UBND xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Trên địa bàn xã có hơn 2.500 hộ dân với gần 12.000 nhân khẩu, sinh kế chủ yếu là làm nông nghiệp như trồng lúa, ngô, cà phê và làm cao su. Trong những năm gần đây, số hộ nghèo trên địa bàn đã giảm xuống con số dưới 10% và điều kiện sống so với các xã lân cận nhỉnh hơn trông thấy.

“Có được kết quả như vậy là nhờ vào những người làm cao su ở nông trường và nhà máy chế biến của Cao su Sơn La. Không chỉ thế, khi đầu tư trồng cao su, VRG và công ty hỗ trợ nhiều cho địa phương như xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, xây dựng trụ sở làm việc ủy ban, trường mầm non và các hoạt động xã hội khác; cho công nhân vay vốn ưu đãi để mua trâu, bò về nuôi; hỗ trợ hộ nghèo và các gia đình chính sách trong vùng trồng cao su”, ông Lò Văn Sâm khẳng định.

Chúng tôi tới bản Tin Tốc, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên vào buổi sáng lất phất mưa. Hình ảnh làm chúng tôi bất ngờ là hầu hết những căn nhà sàn được xây dựng kiên cố với mái ngói đỏ tươi. Phía dưới những căn nhà là những bàn ghế salon, máy cày; sau nhà là chuồng trâu, bò và heo. Nối các nhà với nhau là những con đường bê tông rộng rãi và sạch sẽ. Một người dân ở đây cho biết, đến bản Tin Tốc giờ này chỉ có người già ở nhà vì hầu hết người dân đang trên đồi cạo mủ cao su, trẻ em thì đến trường hết. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây bản này nghèo nhất xã Mường Pồn nhưng từ khi làm cao su đã có cuộc sống ấm no. Bản hiện có 53/64 hộ tham gia làm cao su. Nhờ thu nhập ổn định từ tiền lương và tiền chia lợi tức góp đất trồng cao su nên điều kiện kinh tế nhiều gia đình mới được cải thiện như hôm nay.

Ông Chá A Tà – Phó Chủ tịch xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên cho biết: “Ở xã có hơn 505 ha cao su của Cao su Điện Biên và có 8/11 bản có người dân làm công nhân cao su. Trước đây bà con chủ yếu làm chăn nuôi, trồng trọt. Khi cao su đến, bà con được công ty hỗ trợ phối hợp với xã tiến hành đo đạc đất đai được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất. Bà con vào làm công nhân đời sống được nâng lên, kinh tế xã hội của xã nhờ đó cũng phát triển hơn so với trước”.

Bản Tin Tốc bây giờ đã khác trước rất nhiều, những ngôi nhà dần được bà con làm mới, đường sá giao thông đi lại thuận tiện hơn trước

Là người trong cuộc và cũng là người chứng kiến cuộc trường kỳ đưa cây cao su về bản, ông Phạm Đức Hiển – nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Điện Biên khẳng định: “Nói về kinh tế, cây cao su đã có lợi nhuận trên vùng đất khó khăn. Đây là điều rất đáng mừng. Nhưng quan trọng trên hết là cao su đã tạo được công ăn việc làm ổn định và kèm theo các chế độ chính sách cho NLĐ. Qua đó góp phần lớn xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng quê hương bản địa của mình ở biên giới vùng cao. Đấy mới là cái đáng trân trọng, bởi bà con đã có nguồn thu ổn định trên chính mảnh đất quê hương mình.

“Và thay cho những lo lắng, hoài nghi trước đây về cây cao su thì giờ đây nhờ những hiệu quả rõ rệt của Công ty CPCS Điện Biên, bà con đã tin tưởng và yên tâm gắn bó. Tôi tin chắc rằng, không chỉ tại Điện Biên mà các tỉnh khác ở miền núi phía Bắc nơi có cao su đứng chân, bà con đã dần có cuộc sống tốt đẹp hơn, ổn định hơn và các bản làng cũng dần được thay màu ngói đỏ, điện đường thôn bản rực sáng”, ông Hiển bày tỏ.

15 năm đã đi qua, thành quả bước đầu đã có sẽ là bước đệm quan trọng để các đơn vị trực thuộc VRG trên vùng đất này tiếp tục vững tin tiến bước về phía trước. Khó khăn đã lùi xa nhưng những thách thức khách quan trước mắt vẫn còn, nhưng tập thể NLĐ các đơn vị luôn có niềm tin với chủ trương đầu tư phát triển cao su tại đây. Và có niềm tin về việc cây cao su sẽ vững vàng nơi vùng đất khó, như 15 năm qua đã từng. Hiện tại cao su ở miền núi phía Bắc được tạm coi như khúc hát hoan ca chinh phục bao khó khăn, trở ngại để đưa cây cao su vùng truyền thống đến với những đồi bát úp. Nói vậy bởi lẽ, lãnh đạo VRG và các đơn vị thành viên còn có tham vọng lớn hơn nữa là, làm sao để người dân nơi đây ngày càng có cuộc sống khá giả hơn, như TGĐ VRG Lê Thanh Hưng đã khẳng định: “Ngay từ đầu, Ban lãnh đạo VRG đã xác định việc đầu tư trồng cao su tại MNPB không hoàn toàn hướng đến lợi nhuận. Với trách nhiệm của tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước, VRG mong muốn cùng địa phương chung tay chăm lo cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, đưa cuộc sống bà con dần ổn định, phát triển kinh tế gắn với ổn định an sinh xã hội, củng cố quốc phòng, xây dựng nông thôn mới và đặc biệt là nhằm tri ân đồng bào dân tộc tại vùng giàu truyền thống cách mạng”.

NG. CƯỜNG – QUỲNH MAI