VRG phấn đấu mức lợi nhuận trước thuế 6.480 tỷ đồng

CSVN – Bên cạnh những yếu tố thuận lợi về giá bán mủ, thời tiết thì VRG còn gặp không ít khó khăn, thách thức về cơ chế, chính sách trong một số lĩnh vực hoạt động và các chi phí phục vụ sản xuất tăng. Điều này sẽ tác động không nhỏ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ năm 2022.

Từ nay đến năm 2025, VRG tiếp tục đẩy mạnh lĩnh vực đầu tư hạ tầng trên đất cao su. Ảnh: Đào Phong

Tuy nhiên tại Đại hội đồng cổ đông thường niên được tổ chức vào ngày 17/6 vừa qua đã thông qua những chỉ tiêu chính trong năm 2022, hầu hết các chỉ tiêu được xây dựng đều có xu hướng tăng so với năm 2021.

Lợi nhuận sẽ vượt kế hoạch nếu được tháo gỡ cơ chế

Theo ước tính của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu cao su của Việt Nam 5 tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 595.000 tấn, trị giá 1,04 tỷ USD, tăng 8% về lượng và tăng 12% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Đây là những dấu hiệu đáng mừng khi lĩnh vực cao su là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lợi nhuận cao nhất và chi phối trong tổng lợi nhuận của VRG.

Thực tế ngay từ đầu năm, giá bán mủ tăng, thời tiết thuận lợi để vườn cây vào mùa khai thác sớm hơn mọi năm, công tác tái canh cũng kịp tiến độ đề ra. Thêm vào đó, diện tích cao su hiện nay của VRG không mở rộng mà chỉ tập trung đầu tư thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng vườn cây hiện có và tái canh bằng những bộ giống mới, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Do đó, biểu đồ sản lượng VRG từ đây đến năm 2030 sẽ có xu hướng tăng.

Trả lời ý kiến của cổ đông: “Tại sao lợi nhuận năm 2022 đi ngang và không phát triển so với năm 2021?”, ông Phạm Văn Thành – Thành viên HĐQT VRG cho biết: “Hoạt động chính của VRG được Chính phủ cho phép ở 5 mảng chính, mảng lợi nhuận cao nhất vẫn là cao su, chiếm trên 50%. Các ngành nghề, lĩnh vực khác chỉ chiếm trên 40% trên tổng số lợi nhuận. VRG thực hiện nhiệm vụ năm 2022 có những khó khăn nhất định, chi phí đều tăng và các chi phí đó đều không thể nào cắt giảm được như tiền lương của NLĐ, giá phân bón tăng gấp đôi, chi phí điện, gas, nhiên liệu cũng có xu hướng tăng. Tuy nhiên, nhờ thời tiết thuận lợi nên năm nay sản lượng cao su có xu hướng sẽ tăng 6 – 8%. Tăng sản lượng cũng là yếu tố giúp tăng doanh thu, lợi nhuận”.

Ngoài ra, ông Thành cũng chia sẻ thêm, dù định hướng phát triển đến năm 2025 là tập trung phát triển khu công nghiệp, nhưng hiện tại vẫn gặp vướng mắc nhiều vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách về đất đai. Trong trường hợp các vấn đề được tháo gỡ sớm thì kết quả kinh doanh, doanh thu, lợi nhuận năm nay sẽ cao hơn kế hoạch đề ra.

Theo Luật đầu tư và Luật đất đai, khu công nghiệp là đối tượng không phải đấu giá đất, Nhà nước sẽ thu lại và giao cho chủ đầu tư. Nhưng trên thực tế, một số địa phương vẫn khá e dè giao đất cho khu công nghiệp. Do đó, VRG kỳ vọng sau khi Luật đất đai sửa đổi được ban hành thì mọi chuyện sẽ diễn biến tốt hơn.

Cao su hiện vẫn là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng lợi nhuận của VRG. Ảnh: Vũ Phong
Quyết tâm hoàn thành kế hoạch SXKD năm 2022

Với vai trò là một tập đoàn kinh tế Nhà nước quy mô lớn, VRG có nghĩa vụ cùng các cơ quan ban ngành, địa phương phấn đấu khai thác hiệu quả tiềm năng hiện có, xây dựng kế hoạch có tăng trưởng so với năm 2021 và quyết tâm tập trung hoàn thành ở mức cao nhất kế hoạch SXKD, bảo toàn và phát triển nguồn vốn, đảm bảo quyền lợi cho cổ đông và chăm lo tốt đời sống tinh thần, vật chất cho 85.000 NLĐ trong toàn ngành. VRG quyết tâm kiên định phát triển bền vững trên ba trụ cột: Kinh tế – Xã hội – Môi trường.

Tại Đại hội, ông Lê Thanh Hưng – TGĐ VRG nhấn mạnh: “Để thực hiện đạt và vượt các kế hoạch đã đề ra, VRG đã chủ động xây dựng nhiều phương án để thích ứng với điều kiện dịch bệnh Covid – 19 còn nhiều phức tạp, trên nguyên tắc đảm bảo an toàn cao nhất cho NLĐ và hoàn thành tốt kế hoạch SXKD; tiếp tục có giải pháp thích hợp để bảo đảm nguồn lao động cho các công ty cao su nhất là các đơn vị ở các khu kinh tế trọng điểm; đẩy mạnh việc trồng xen, trồng luân canh, hợp tác phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển cây nguyên liệu gỗ … để tăng hiệu quả sử dụng đất và đáp ứng các tiêu chí về phát triển bền vững”.

“Các công ty tiếp tục thực hiện chính sách tiết giảm đầu tư, chỉ đầu tư những hạng mục thật sự cấp thiết. Ngoài việc cân đối vốn cho đầu tư phát triển, VRG và các đơn vị thành viên sẽ tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển các dự án khu công nghiệp/cụm công nghiệp trên đất cao su chuyển đổi theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt (dự án Nam Tân Uyên, An Điền mở rộng, dự án Hiệp Thạnh tại Tây Ninh…)”, ông Lê Thanh Hưng chỉ đạo.

Ngoài hoạt động SXKD, năm 2022, VRG tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đề án tái cơ cấu VRG sau cổ phần hóa đến năm 2025. Trong năm nay, nếu công ty mẹ và các công ty thành viên tiếp tục thoái vốn thành công thì lợi nhuận đạt khoảng 500 – 600 tỷ đồng, chiếm 15% lợi nhuận đề ra. Trả lời các cổ đông về vấn đề thoái vốn ngoài ngành, các thành viên HĐQT VRG khẳng định sẽ chọn thời điểm thoái vốn phù hợp để đạt hiệu quả cao nhất.

Ông Trần Công Kha – Chủ tịch HĐQT VRG khẳng định, năm 2022 là năm bản lề trong kế hoạch 5 năm 2021 – 2025, lãnh đạo VRG xác định trong bất kỳ hoàn cảnh nào đều phải tổ chức sản xuất hiệu quả, chống dịch Covid – 19 tốt và quan trọng là chăm lo đời sống tinh thần, vật chất cho NLĐ.

“HĐQT VRG định hướng quyết tâm phấn đấu hoàn thành kế hoạch SXKD theo các chỉ tiêu Đại hội đồng cổ đông thông qua và thỏa thuận của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Tiếp tục triển khai kế hoạch khai thác tiềm năng hiệu có, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng cường công tác quản lý đất đai. Quyết liệt trong việc thực hiện Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2021 – 2025, sắp xếp mô hình tổ chức sản xuất, xây dựng phương án quản lý tổ chức theo hướng tinh gọn, hiệu quả ở các đơn vị thành viên phù hợp với đặc thù từng vùng miền và trong giai đoạn khó khăn của dịch bệnh”, ông Trần Công Kha nhấn mạnh.

MINH NHIÊN