CSVNO – “Sửa xe ngày và đêm, có tiền cũng vá, không tiền cũng vá, tự bơm miễn phí” – đó là nội dung trên tấm bảng to treo trước cửa tiệm sửa xe của ông Võ Thanh Vinh (59 tuổi) ở đường Âu Cơ, phường Tân Thành, quận Tân Phú.
Không có tiền cũng vá, đừng ngại
Người dân, đặc biệt là cánh xe ôm quanh khu vực phường Tân Thành không ai là không biết ông Vinh với việc làm hết sức ý nghĩa đó là bơm vá, thậm chí sửa xe miễn phí cho người khó khăn, lỡ đường. Chỉ là một cửa tiệm nhỏ như bao tiệm sửa xe khác nhưng lại khá nổi bật với nhiều tấm bảng với nội dung vá sửa xe miễn phí được ông Vinh treo khắp tường.
Ông Vinh cho biết: “Cha mẹ tôi mất sơm, tôi kiếm sống bằng đủ thứ nghề. Sau đó thường xuyên lui tới và học hỏi sửa xe từ các tiệm và bén duyên với nghề sửa xe. Ban đầu tôi chỉ có tiền sắm một bộ đồ nghề, chuyên vá, sửa xe đạp ở lề đường. Sau này lượng xe đạp ít dần nên lại tiếp tục đi tìm hiểu, học hỏi sửa xe máy”.
Cái nghề sửa xe vất vả nhưng cũng giúp ông tồn tại hơn 30 năm và đủ nuôi sống gia đình, cho 2 đứa con ăn học nên người.
Nói về cơ duyên đến với việc làm đặc biệt của mình, ông Vinh chia sẻ: “Trong khoảng thời gian làm nghề, tôi gặp nhiều trường hợp bị hư xe, lủng lốp nhưng lại quên mang theo tiền, hay những người thu mua ve chai với những chiếc xe đạp cũ kỹ, trở chứng nhưng không có tiền sửa, mình nảy ra ý định vá, sửa xe miễn phí giúp họ để giúp đỡ phần nào. Tuy nhiên có nhiều người quên mang tiền nhưng ngại, họ nhất quyết đẩy bộ về nhà, từ đó tôi in thêm mấy tấm bảng “đừng ngại” để họ yên tâm dắt xe vào tiệm mỗi khi có sự cố, lỡ đường”.
Vốn từ nhỏ đã không được lành lặn như mọi người, một chân ông Vinh bị tật, không thể đi đứng nhanh nhẹn bình thường được nên ông hiểu được sự khó khăn trong sinh hoạt của người khuyết tật. Vì vậy, ông sửa xe miễn phí cho người khuyết tật. Còn tấm bảng đề chữ “tự bơm miễn phí” nhưng nhiều người không biết cách bơm, ông bơm giúp cũng không lấy tiền bởi theo ông Vinh bơm xe cũng không hao tốn gì, mình bơm giúp mọi người cho vui vẻ.
Sẻ chia những điều tốt đẹp
Tiệm sửa xe của ông Vinh mở cửa 24/24, tối khuya thì ông đóng cửa kính nằm ngủ trong tiệm. Người đi đường bị hư xe cứ vào gõ cửa là ông dậy sửa. Trong tiệm, trên các tấm bảng đều có in số điện thoại để khi cần mọi người có thể gọi điện ông trợ giúp. Nhiều trường hợp bị hư xe, không đẩy được đến tiệm, ông Vinh xách theo đồ nghề chạy đến tận nơi sửa. Cũng có trường hợp nhận điện thoại của khách nhưng đang bận, không đi được, ông Vinh báo khách xe lủng bánh thì cứ chạy từ từ đến tiệm, hư ruột, vỏ thì ông tặng ruột, vỏ khác.
Trong tiệm, ông Vinh có cả ngăn tủ gỗ chứa vỏ, ruột xe cũ mà khách thay ra nhưng vẫn còn dùng được, ông để dành để thay cho người nghèo hoặc người bị lỡ đường, không mang tiền nhưng xe bị lủng nặng không thể vá được.
Chỉ tay vào trong cửa tiệm, ông Vinh cho biết: “Chủ nhà cũng tốt lắm, họ cho tôi thuê chỗ này mấy năm rồi vẫn không tăng giá. 2 đứa con tôi thì đã trưởng thành, có thể chăm lo tốt cho mẹ. Còn mình tôi thì sống thoải mái, tiền sửa xe chủ yếu để ăn cơm ngày 3 bữa, không bia bọt, thuốc lá nên vẫn còn dư chút đỉnh để mình giúp đỡ người khó khăn. Nhiều người đỡ phải dắt bộ, hoặc có cái vỏ xe dùng tạm để đi làm, họ vui thì mình cũng vui lây”.
Ông Bảy – một người chạy xe ôm gần tiệm sửa xe chia sẻ: “ông Vinh tốt lắm, ngoài vá miễn phí thì nhiều khi ông Vinh còn tặng xăng cho người lỡ đường, nhờ vậy mà nhiều người được giúp đỡ. Tuy nhiên cũng có người vào sửa xe, thay phụ tùng rồi nói không mang tiền, hẹn quay lại trả nhưng mãi không thấy đâu, kể tới thì ổng chỉ cười”.
Bước đi khập khiểng trong bộ quần áo lấm lem nhưng khuôn mặt ông Vinh lúc nào cũng nở nụ cười. Với ông, vui nhất là khi giúp mọi người sửa xe để kịp về nhà, hoặc đêm hôm khuya khoắt khỏi phải oằn lưng đẩy bộ, còn chuyện nhiều người hẹn rồi không quay lại trả chắc là họ đang gặp khó khăn hoặc bận rộn gì đó chưa kịp quay lại thôi.
Với ông Vinh, “cho vay mất bạn, cho nợ mất khách, đòi suốt thì ngại, để lâu thì quên, bởi vậy cho nên vui lòng không nợ, không tiền cũng vá, đừng ngại”, ông Vinh chia sẻ.
ĐÀO PHONG
Related posts:
- Hình thành ‘vành đai chống dịch’ quanh TPHCM
- Trăn trở nhà ở cho công nhân vùng biên
- Xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức không tuân thủ phòng dịch nơi làm việc
- Ngành cao su hướng về đồng bào miền Trung
- TPHCM sáng 23/8: Giãn cách nghiêm ngặt
- Khảo sát đặt cột cờ biên giới ở Tây Ninh
- 4 giải pháp cho nông nghiệp Tây Nguyên
- Thủ tướng: 'Việc nào doanh nghiệp có thể làm tốt hơn thì xã hội hóa'
- Gai xanh - lựa chọn tiềm năng: Mở lối khát vọng làm giàu
- Bị má chồng mắng vì hay chỉnh sửa chồng