CSVN – Vào mùa cao su rụng lá, công nhân (CN) được nghỉ ngơi sau một năm lao động miệt mài. Tuy nhiên, với đức tính cần mẫn, chịu khó, nhiều CN vốn đã quen việc, cảm thấy “ngồi yên không được” đã tìm việc làm thêm để tăng thu nhập.
Để tìm hiểu về những việc làm thêm của CN mùa nghỉ cạo, chúng tôi đã đến Bình Phước – vùng đất có nhiều loại cây công nghiệp, các khu công nghiệp nơi mà CN có nhiều sự lựa chọn việc làm thêm. Mùa cao su rụng lá cũng là mùa thu hoạch của cây tiêu. Tại vườn tiêu có quy mô hơn 4 ha của gia đình bà Lê Thị Sính – ngụ xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước mỗi ngày phải thuê hàng chục người hái cho kịp tiến độ. Đa số những người hái tiêu cho gia đình bà đều là công nhân cao su trên địa bàn.
Bà cho biết: “Trước đây gia đình tôi có ít tiêu thôi nhưng những năm trở lại đây, diện tích đầu tư lớn đã đi vào thu hoạch. Gia đình ít người, mỗi người một công việc, chính vì vậy tôi thuê nhân công là những anh chị em CN cao su của Công ty Cao su Bình Long. Ngày trước thì phải gọi điện dặn trước là đi hái giúp nhưng bây giờ thành “mối” rồi, lâu năm thành thân quen. CN cao su vốn rất nhiệt tình, chịu khó nên không nề hà gì hết, họ hái tiêu rất nhanh, năng suất mỗi ngày đều đạt. Gia đình tôi rất quý các anh chị em CN cao su. May mà mùa tiêu chín rơi vào mùa nghỉ cạo mủ nên chúng tôi mới có người để hái, chứ không cũng không biết làm sao”.
Giữa cái nắng oi bức đầu tháng 3, anh chị em CN vẫn thoăn thoắt tay hái, tiếng nói cười vang rộn cả khu vườn. Hôm chúng tôi ghé thăm, thật may có rất đông anh chị em CN đến làm thêm. Hỏi han đôi điều về công việc này, các anh chị đều rạng rỡ: “Đi làm quen tay rồi, ở nhà một thời gian dài không quen”.
Chị Lâm Thị Gái – CN khai thác tổ 3, Nông trường Lợi Hưng, Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long cho biết: “Năm nào nghỉ cạo, tôi cũng tranh thủ đi hái tiêu thuê hoặc làm những việc khác để tăng thêm thu nhập. Ở đây có nhiều công việc lắm, hái điều, hái tiêu, rồi làm công nhân xí nghiệp hoặc nhận mây tre về nhà đan lát… Mọi người nhìn vào thì bảo mùa này sao không nghỉ dưỡng sức, thư giãn đi nhưng mà chúng tôi ở nhà chơi một hai ngày là được rồi, chứ mà ở không hoài không được. Mỗi ngày đi hái tiêu thế này nhận được tiền công 160.000 đồng. Mùa nghỉ cạo cũng kiếm thêm được khoảng 5 – 6 triệu đồng, có thêm đồng ra đồng vào cho gia đình. Chúng tôi thường đi làm theo nhóm, anh chị em thân quen rồi nên vui lắm, khi nông trường thông báo bốc thăm vườn cây thì chúng tôi mới nghỉ để chuẩn bị trang bị vật tư vườn cây, sẵn sàng cho mùa cạo mới”.
Không đi hái tiêu như những đồng nghiệp khác, anh Lưu Bảo Tú – CN Nông trường Lợi Hưng chọn cho mình công việc ở một đại lý thu mua nông sản. Thu nhập ở đây không tính bằng ngày mà tính bằng tấn sản phẩm, làm bao nhiêu anh sẽ nhận tiền công tương ứng. Công việc tại đại lý nặng nhọc hơn rất nhiều so với những nơi khác nhưng là lao động chính trong gia đình, cứ hễ được nghỉ là anh lại tìm việc để làm.
“Vào mùa cao điểm như hiện nay, hàng nhập về nhiều có ngày tôi cố gắng làm cũng được 700 – 800 ngàn đồng. Có năm mùa nghỉ cạo kiếm thêm được mười mấy triệu đồng. Có thêm cũng đỡ nhiều vì con cái đều đi học cả nên chi phí tốn kém lắm”, anh Tú chia sẻ.
HÀ KHUÊ
Related posts:
- Quỹ vắc xin Covid-19 đã tiếp nhận 7.807 tỷ đồng
- Nan giải tìm lao động thu hoạch cà phê
- Hội viên phụ nữ thoát nghèo nhờ trồng cao su tiểu điền
- Mỗi hộ dân TP.HCM được phát 10-15 thẻ đi chợ trong 30 ngày
- Cao su Mang Yang: Trên 600 hội viên Chữ thập đỏ hiến máu
- Gặp người “giải cứu” hàng chục máy cày bị… đắp chiếu!
- Số ca nhiễm Covid 19 ở Campuchia vượt mốc 10.000, Lào lần đầu có ca nhiễm 3 con số
- Con ạ, mọi người không giống nhau…
- Vẫn trăn trở với chuyện thu nhập của người lao động ngành cao su
- Làm giàu từ chăn nuôi gà