Nông thôn mới trên vùng đất Long Tân

CSVN XUÂN – Lên NT Long Tân, Cao su Dầu Tiếng chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay ở vùng đất 55 năm trước (1965), nơi lần đầu tiên Mỹ sử dụng máy bay chiến lược B.52 tham chiến ở chiến trường Việt Nam. Vùng đất chịu hàng chục lượt rải bom ấy, nay diện mạo đã “thay da, đổi thịt” khởi sắc từng ngày.
NT Long Tân chung tay xây dựng NTM, nhiều tuyến đường lô đã được nhựa hóa. Ảnh: Anh Quân
NT Long Tân chung tay xây dựng NTM, nhiều tuyến đường lô đã được nhựa hóa. Ảnh: Anh Quân
Qua rồi thuở hàn vi

Cách NT Long Tân chừng 2 cột số, ở ấp Hố Muôn,  xã Long Nguyên có một làng tên “Làng Tân Bình”. Vào đầu thập niên 80 (thế kỷ 20), chính quyền quận  Tân Bình (TP.HCM) tổ chức đưa gần 300 hộ dân sống quanh khu vực Lăng Cha Cả, Ông Tạ, Phạm Văn Hai… lên    lập nghiệp. Đây cũng là thời điểm Công ty Cao su Dầu Tiếng thành lập NT Long Nguyên.

Xã Long Nguyên (cũ) bao gồm Long Tân ngày nay, không chỉ là căn cứ cách mạng của huyện Bến Cát và tỉnh Bình Dương mà còn là căn cứ của các cơ quan Khu ủy Sài Gòn – Gia Định thời chống Mỹ. Sau giải phóng, Long Nguyên còn ngổn ngang hố bom, hố pháo. Những quả đạn chưa nổ vẫn âm ỉ nằm dưới mặt đất, từng gây hậu quả làm 2 con anh Phan Văn Lộc người làng Tân Bình và 3 cháu nhỏ khác tử nạn khi đi đào sắt vụn. Không chịu cảnh đói nghèo và tàn tích chiến tranh, sau 10 năm, trong số 300 hộ dân lên từ quận Tân Bình sống ở làng Tân Bình còn chưa đầy 1/6 hộ trụ lại.

Họ khai hoang vỡ đất, bứng từng bụi le, gò mối, cặm cây khoai, cây mì. Từ khoai, mì chuyển sang trồng điều, cao su. Những người còn đủ tuổi lao động và con em của họ được NT Long Nguyên thu nhận làm công nhân (CN) lúc cây cao su trồng mới, trở thành những người thợ khai thác mủ có thâm niên. Sau 3/4 thế kỷ, giờ đây làng Tân Bình đã trở nên khá giả. Cách đây gần một con giáp, ông Phạm Tiến Thành – cư dân người Làng Tân Bình là một CN gương mẫu của NT Long Nguyên. Do tay nghề vững, ông Thành được bầu làm tổ trưởng “Tổ khai thác mủ”. Nay ông Thành đã nghỉ hưu nhưng vẫn tích cực góp phần tham gia xây dựng khu dân cư ấp Suối Muôn đạt Ấp văn hóa.

Ông Thành so sánh: “So với thuở hàn vi ngày mới đến Long Nguyên, cuộc sống thay đổi 100 lần. Nhờ cây cao su của nông trường cộng với ý chí xóa nghèo của bà con, những hộ còn lại ở Làng Tân Bình ai cũng xây được nhà đẹp. Một số con em Làng Tân Bình tốt nghiệp đại học, trở thành người hữu ích của xã hội”. Dưới ánh nắng đầu mùa khô, ngồi nhâm nhi ly rượu  đế, ốc gạo làm mồi với các anh Phan Văn Lộc, Nguyễn Phước Hưng, Phạm Nông, Lập… Anh Lộc dùng đốt lóng tay nhẩm đếm những hộ từ quận Tân Bình lên NT Long Nguyên cách đây gần 40 năm còn trụ lại đến hôm nay rồi chỉ tay sang bên kia đường nhựa xuôi ra thị trấn Bầu Bàng có dãy nhà mới cất, nói rổn rảng: “Anh nhìn kìa, dãy nhà cất sơn màu sữa đẹp mê hồn là của người Làng Tân Bình chúng tôi đó. Bây giờ đến Làng Tân Bình đố anh tìm được căn nhà lợp cỏ tranh, vách đất. Giờ nhà nào cũng xài bếp ga, tủ lạnh,  ti vi màu, Internet, điện thoại 4 G”.

Xã Long Tân hiện đã mọc lên các cụm công nghiệp, khu công nghiệp cho thấy bước phát triển của địa phương. Ảnh: H.N
Xã Long Tân hiện đã mọc lên các cụm công nghiệp, khu công nghiệp cho thấy bước phát triển của địa phương. Ảnh: H.N
Chung tay xây dựng nông thôn mới

Tuy xã Long Nguyên và Long  Tân  là  hai  đơn  vị  hành  chính nhưng có chung nông trường cao su. Ngày 1/3/2017 NT Long Tân và NT Long Nguyên hợp nhất làm một và mang tên NT Long Tân.

Ông Phạm Quốc Hùng – Chủ tịch Công đoàn NT Long Tân khẳng định: “Người lao động trong nông trường chúng tôi ngoài việc hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn được giao, họ cũng rất tích cực tham gia các phong trào ở địa phương, cùng cộng đồng khu dân cư xây dựng nông thôn mới”. Theo ông Hùng, đến năm 2019, một trong 19 tiêu chí nông thôn mới (NTM) trong đó có tiêu chí xóa nghèo bền vững thì 100% hộ CN của nông trường gắn với địa bàn dân cư không còn hộ nghèo. “Các hộ CN xóa nghèo bền vững đã góp phần hạ tỷ lệ hộ nghèo ở hai xã Long Nguyên và Long Tân xuống còn 0,35%, trên 75% người lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề cơ bản, 95% hộ xây được nhà kiên cố”, ông Hùng chia sẻ.

Tìm hiểu sâu ý kiến của ông Phạm Quốc Hùng, chúng tôi được ông Nguyễn Tấn Nam –  Chủ tịch UBND xã Long Nguyên thông tin: “Trong  gần 10 năm thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng NTM (2010 – 2019), sau 5 năm đến năm 2014 Long Nguyên đã được công nhận đạt chuẩn NTM.

Hiện Long Nguyên đang triển khai giai đoạn 2 nâng chất lượng các tiêu chí NTM”. Cùng năm 2014, xã Long Tân cũng được UBND tỉnh Bình Dương công nhận đạt chuẩn NTM.

Thực hiện bộ tiêu chí xây dựng xã đạt NTM nâng cao giai đoạn 2 của UBND tỉnh Bình Dương ban hành, chỉ sau 2 năm (2018 – 2019) đến cuối năm 2019 Long Tân trình hồ sơ đề nghị tỉnh Bình Dương ra quyết định  công nhận xã này đạt chuẩn NTM nâng cao. Trao đổi về NTM nâng cao,  ông Nguyễn Ngọc Thạch – Chủ tịch UBND xã Long Tân lấy tiêu chí xây dựng giao thông nông thôn (GTNT) làm ví dụ: “Chỉ trong 2 năm, Long Tân đã huy động 30,6 tỷ đồng nâng cấp 40 công trình GTNT, trong đó NT Long Tân phối hợp với một số doanh nghiệp đóng trên địa bàn ủng hộ 4,7 tỷ đồng xây dựng 3/40 công trình, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn”.

KHUYNH DIỆP