Cao su miền Trung: Thiệt hại nặng sau bão số 9

CSVNO – Chỉ sau khoảng 5 giờ bão số 9 quét qua các tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam, hàng ngàn ha cao su  đã bị gãy đổ, hư hại hoàn toàn và nhiều công trình dân sinh bị thiệt hại nặng.

Đoàn công tác của VRG thực địa vườn cây Cao su Quảng Ngãi

Thiệt hại quá lớn

Vườn cây gãy đổ la liệt, ngổn ngang. Giao thông đi lại bị chia cắt, điện bị mất khắp nơi. Nhà cửa, công trình dân sinh bị hư hỏng nặng nề, hoa màu và vật nuôi cũng bị ảnh hưởng không nhỏ là những hình ảnh mà chúng tôi chứng kiến khi đặt chân đến 2 tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam trong những ngày sau bão số 9 (Molave).

Sự tàn phá khủng khiếp của bão

Theo báo cáo sơ bộ ban đầu và chưa chính thức của 3 công ty bị ảnh hưởng nặng do bão số 9 gây ra thì Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam là đơn vị bị thiệt hại nặng nhất với trên 923 ha không thể khắc phục được, tiếp đến là Cao su Quảng Ngãi với mức thiệt hại trên 684 ha cao su kinh doanh bị hư hại từ 50 – 80% trở lên và cuối cùng là Cao su Nam Giang – Quảng Nam với khoảng 300 ha.

Đối với vườn cây KTCB thì Cao su Quảng Nam vẫn là đơn vị bị thiệt hại nặng nhất với hơn 250 ha không thể khắc phục và trên 1.870 ha bị hư hại dưới 50% có thể khác phục được. Đơn vị có vườn cây KTCB bị thiệt hại nhiều thứ 2 là Cao su Nam Giang – Quảng Nam với 91.222 cây (tương đương gần 50 ha), ít nhất là Cao su Quảng Ngãi với mức ảnh hưởng khoảng 39 ha.

Dù vườn cây khai thác hay KTCB đều bị bão bẻ gãy hoặc bật gốc

Bão Molave cũng gây thiệt hại lớn đối với tài sản của 3 công ty, theo thống kê thì Cao su Quảng Nam bị sập hoàn toàn một nhà kho, tốc mái toàn bộ 2 kho, tốc mái một phần 14 cái, sập tường 2 nhà. Trong khi đó, nhà ở cho công nhân bị sập hoàn toàn 18 cái, tốc mái toàn bộ 18 cái và tốc mái một phần là 13 cái…

Ngoài ra, cả 3 đơn vị đều bị hư hại khá lớn hệ thống giao thông nội vùng với chục km đường bị sạt lở, hàng chục cống, cầu và ngầm bị cuốn trôi và hư hại nghiêm trọng cần được khắc phục ngay để nối lại hệ thống giao thông. Tuy nhiên, trong bão giữ cả 3 công ty này đều không có thiệt hại về người.

Nhanh chóng khắc phục hậu quả

Trước thiệt hại quá lớn về vườn cây và tài sản của các đơn vị miền Trung, trong các ngày 1 – 2/11 ông Huỳnh Văn Bảo – TGĐ VRG cùng đại diện các ban liên quan đã đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ một phần kinh phí để giúp các đơn vị nhanh chóng khắc phục hậu quả sau bão.

Vườn cây khai thác bị xóa sạch chỉ sau vài giờ bão quét qua

Theo đó, VRG đã hỗ trợ cho Cao su Quảng Ngãi 250 triệu đồng, Cao su Quảng Nam 500 triệu đồng và Cao su Nam Giang – Quảng Nam 300 triệu đồng. Làm việc với lãnh đạo 3 đơn vị này, ông Huỳnh Văn Bảo đã yêu cầu các đơn vị nhanh chóng và huy động mọi nguồn lực khắc phục hậu quả của bão, tích cực và chủ động liên lạc với các tập thể, cá nhân để tiến hành cưa cắt sớm, làm việc với các đối tác để tiêu thụ nguồn gỗ.

Đồng thời, tuyên truyền, vận động công nhân cùng nhau chia sẻ thiệt hại và có phương án hỗ trợ những gia đình công nhân bị mất hoàn toàn phần cạo, giúp đỡ công nhân sớm ổn định cuộc sống và tiến hành sản xuất ngay khi có thể, nhưng phải trên tinh thần an toàn tuyệt đối tính mạng khi làm nhiệm vụ.

Ngổn ngang sau bão

TGĐ VRG cũng cho biết: Trước mắt tập trung khắc phục hậu quả của bão, còn các phương án tái thiết vườn cây, chuyển đổi cây trồng hay mục đích khác cũng như kế hoạch sản lượng năm 2020 sẽ được xem xét sau. Lãnh đạo VRG ghi nhận những kiến ghị, đề xuất của các đơn vị và sẽ có chỉ đạo để các đơn vị khác trong ngành có sự chung tay chia sẻ, ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần nhằm hỗ trợ công ty và người lao động sớm khắc phục hậu quả của bão, nhanh chóng ổn định cuộc sống và tiến hành sản xuất trong điều kiện an toàn.

Chủ động đối phó với cơn bão số 10 và 11

Mặc dù chưa thể khắc phục xong hậu quả của bão số 9, nhưng hiện trên biển Đông đã hình thành 2 cơn bão số 10 và 11. Theo dự báo cơn bão số 10 sẽ vào đất liền trong ngày thứ 5 và sau đó khoảng một tuần cơn bão số 11 sẽ tiếp tục đổ bộ vào đất liền nước ta.

Do đó, ông Huỳnh Văn Bảo đã yêu cầu lãnh đạo các đơn vị sớm có phương án đối phó với những diễn biến xấu của bão, nhất là phải đảm bảo an toàn tuyệt đối về con người. Lãnh đạo các Ban XDCB – KCN, Ban QLKT cũng có những chia sẻ và góp ý, phân tính tình hình để các đơn vị chủ động ứng phó.

Theo đó, hiện vườn cây và các công trình dân sinh đang bị ảnh hưởng nặng của bão số 9 nên rất dễ bị gãy đổ khi bão đổ bộ vào đất liền dù sức gió ở cấp 7 – 9 thì nguy cơ gãy đỗ, hư hại, sạt lở đất… rất dễ xảy ra. Do đó, cần phải có những phương án cụ thể, chi tiết để đối phó với sức gió của cơn bão 10 và 11 gây ra.

Ông Huỳnh Văn Bảo chỉ đạo khắc phục hậu quả của bão

Nỗ lực hết mình và bằng nhiều kênh thông tin để nắm bắt được thông tin, tình hình ở các nông trường, tổ đội. Có sự chỉ đạo quyết liệt để đảm bảo an toàn tính mạng cho người lao động, thường xuyên và liên tục báo cáo tình hình về VRG và có báo cáo bằng văn bản cho các cấp chính quyền từ xã, huyện đến cấp tỉnh và các sở ban ngành liên quan biết về tình hình thiệt hại của đơn vị mình để chính quyền địa phương có sự hỗ trợ.

Kịp thời hỗ trợ, chia sẻ với bà con các tỉnh miền Trung

VĂN VĨNH