Niềm tin chiến thắng Covid

CSVN – Ngày cuối năm, tôi ghé nhà gởi anh cuốn lịch năm mới của đơn vị tặng. Vẫn nụ cười đôn hậu ngày nào nhưng dáng đi chậm rãi, anh bảo “hậu Covid” nên sức khỏe chưa được tốt và chúc tôi giữ sức khỏe để thích ứng an toàn cuộc sống bình thường mới.

Ông Đỗ Văn Tân – tác giả của những bài thơ thể hiện tinh thần lạc quan, niềm tin chiến thắng dịch bệnh (Ảnh nhân vật cung cấp)

Hẳn bạn đọc của tờ Tạp chí Cao su VN “từng gặp” những bài thơ Thất ngôn bát cú Đường luật với hình ảnh sống động, ngôn từ đầy tính triết lý nhưng cũng không kém phần hóm hỉnh của tác giả Đỗ Văn Tân (bút danh Thành Nam và Tuấn Anh) được đăng tải trên các số báo trong năm – anh từng đạt giải Ba với bài thơ “90 năm Phú Riềng Đỏ” tại cuộc thi sáng tác “Tự hào 90 năm truyền thống ngành cao su” của Tạp chí CSVN tổ chức. Đọc thơ ít ai nghĩ rằng anh là người “ngoại đạo”, bởi vốn là “dân kinh tế” chính hiệu, trong “Thay đổi” tác giả bộc bạch:

“Thiếu thời lão ghét nhất môn văn

Mờ ảo mông lung thật khó nhằn…

Cay đắng ngọt ngào chua mặn chát

Về già bỏ toán thích thơ văn”.

Anh tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế TP.HCM khóa II, nguyên TGĐ Công ty CP Đầu tư Xây dựng Cao su. Với sở trường thể thơ thất ngôn bát cú hoặc thất ngôn tứ tuyệt – một thể loại “khó tiếp cận” và cũng “kén” độc giả. Tức cảnh sinh tình là biệt tài của anh, được chia sẻ trên trang cá nhân, trong “Sài gòn về đêm”, anh viết: “Như dải ngân hà sao nhấp nháy/Sài Gòn hoa lệ cảnh về đêm”.

Những ngày dịch bệnh căng thẳng, là người vốn kỹ lưỡng trong sinh hoạt, “phòng thủ” chặt, ấy vậy mà không hiểu sao Covid vẫn “ghé thăm”. Anh chia sẻ: “Không biết vì sao mình bị nhiễm vì trong suốt thời gian giãn cách… Tính tôi cẩn thận nên thường lãnh nhiệm vụ khử trùng và nhận các thứ từ ngoài vào. Có thể có lần nào đó đã để lọt lưới? Cũng có thể nhà có con mèo hay lẻn vào phòng tôi…”. Không mất tinh thần, trong “Dương tính” tác giả hài hước:

“Thế là cô vít nó chơi ta

Chẳng để cho yên chút tuổi già

Cẩn thận như vầy còn bị dính

Kỹ càng đến thế vẫn không tha…”.

Có lẽ thời gian điều trị cách ly là khoảng thời gian cảm xúc “ở ẩn”, khi mệt phải thở máy, lúc khỏe anh lại “giao cảm” với đời bằng những vần thơ viết vội, trong “Nằm hồi sức cấp cứu”:

“Ô xy tinh khiết thở hàng ngày

Nước rót cơm mời đến tận tay

Chụp phổi X quang ngay tại chỗ

Đo tim xét nghiệm chọc hơi dày”.

Mặc dù tính mạng bị đe dọa, nhưng tại khu điều trị hồi sức tích cực cho các bệnh nhân là F0, các “cụ ông” đều cảm thấy yên tâm trước sự chăm sóc tận tình của các “thiên thần áo trắng”. Còn nhớ mãi câu nói của anh điều dưỡng nói với người nhà: “Em yên tâm ở đây nhân viên y tế bọn anh sẽ hết lòng cứu chữa bệnh nhân. Ba không ăn nói anh, ba không uống nói anh, có gì gọi ngay cho anh và bác sĩ nhé”…Vì thế, sau hơn 3 tuần điều trị, ngày ra viện, tác giả cảm động viết những dòng thơ thật đẹp “Niềm tin và hy vọng” để tri ân các bác sĩ, điều dưỡng, tình nguyện viên điều trị người bệnh Covid -19 tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM:

… “Xuất viện mừng vui nhưng lòng lưu luyến

Những con người được sánh với thần tiên

Mắt dõi theo những áo trắng dịu hiền

Tôi gọi thầm: Niềm tin và hy vọng”.

Và anh “Trở về” với những thú vui tao nhã: “Trở về với bụi hồng con/Đã lâu không tưới vẫn còn ra hoa/Hay là mi vẫn chờ ta?/Biết còn gặp lại dành quà tặng nhau…”. Lạc quan “Thưởng nguyệt” bằng trái tim đa cảm: “Trăng trên thành phố chơi vơi/Mấy khi được ngắm lưng trời trăng Thu…”.

Khi đi qua làn ranh sinh tử mới chiêm nghiệm trong cuộc đời những phút giây “Hội ngộ hậu Covid” nào cũng đều trân quý: “Vui mừng gặp lại không ai mất/Bão dịch vừa qua lịch sử mà”.

Tất cả những bài thơ anh viết là cảm xúc đẹp, hình ảnh thơ lấp lánh tình yêu cuộc sống – tinh thần lạc quan – khát vọng chiến thắng dịch bệnh, bởi:“Tháng giá vơi dần rồi Tết tới/Mùa Xuân rực rỡ sắc hoa hồng” (Bình minh cuối Đông).

NGUYỄN LÝ