Nhiều hiện vật giá trị lịch sử tại Nhà truyền thống Cao su Chư Prông

CSVN Xuân – Đến Nhà truyền thống Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông, chúng ta có thể tận mắt chứng kiến một số vật dụng còn lưu giữ lại từ những ngày đầu cha ông mình khai hoang trồng mới cao su.
Một góc nhà truyền thống
Một góc nhà truyền thống

Năm 2006, để chuẩn bị kỷ niệm 30 năm ngày thành lập, Công ty Cao su Chư Prông đã tiến hành xây dựng Nhà truyền thống công nhân cao su. Nhà truyền thống được đặt trong khuôn viên công ty, xây dựng trên diện tích nền khoảng 330 m2, với tổng chi phí trên 1 tỷ đồng.

Nơi này hiện đang lưu giữ một số vật dụng của những ngày đầu Nông trường Cao su Chư Prông tiến hành phát triển cao su như: Quần áo công nhân, dao quắm, cuốc chim phục vụ cho công tác khai hoang. Đặc biệt có cả những mảnh bom mìn, đạn cối còn sót lại mà người công nhân đã cố công giữ gìn như một phần lịch sử không thể thiếu của công ty trong khi khai hoang, trồng mới cao su.

Đến nay, người công nhâncao su của Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông có thể xem lại những hình ảnh ngày đầu cha ông mình trồng cây cao su trên vùng đất Chư Prông qua những cuốn băng còn lưu lại nơi nhà truyền thống.

Một số vật dụng ngày đầu của công nhân Nông trường Cao su Chư Prông.
Một số vật dụng ngày đầu của công nhân Nông trường Cao su Chư Prông.

Nhớ lại những ngày ấy, ông Phạm Ngọc Kiểm – Trưởng Phòng Tổ chức công ty cho biết: “Những năm tháng của thập niên 80 thế kỷ trước, vùng Chư Prông này hoang vắng lắm. Nơi đây chưa phải là trung tâm hành chính nên dân cư hầu như không có. Hệ thống điện lưới quốc gia chưa về, phương tiện nghe nhìn không có… nên công ty đã thành lập Đài Phát thanh – truyền hình Nông trường Cao su Chư Prông để phục vụ công nhân và nhân dân trong vùng. Hàng đêm đài này phát từ 4 – 5 tiếng đồng hồ phục vụ bà con xem thời sự, phim ảnh… nên đến nay trong Nhà truyền thống của chúng tôi vẫn còn máy quay phim, băng đĩa và cả trạm phát sóng vẫn được công ty giữ lại”.

Tại Nhà truyền thống, những nét văn hóa đặc trưng của vùng Tây Nguyên còn được công ty phục dựng hết sức công phu và tỉ mỉ như Nhà rông văn hóa, bộ cồng chiêng của người bản địa hay trang phục của đồng bào dân tộc Tây Nguyên.

 Bài, ảnh: Văn Vĩnh