CSVN – Năm 1989, Đồn điền Suối Dầu mới có 1 ha cao su, đến 1903, diện tích cao su đạt 10 ha. Ngày 1/8/1907, Yersin báo tin ông sẽ trồng 8 ha và Suối Dầu sắp được 100 ha cao su.
Ông Yersin bắt đầu theo dõi sự phát triển của các cây cao su bằng cách đo bề vòng của các cây trồng đầu tiên. Ngày 10/12/1899, ông đo ngẫu nhiên 50 cây, đo cách mặt đất 1 mét, 0,5 mét và 1 yard (0,92 m) để tài liệu có thể so sánh với các nước khác. Đến năm 1905, cây cao su Suối Dầu 7 tuổi có bề vòng trung bình 66,52 cm. So sánh với các nơi đang trồng cao su thì cao su Suối Dầu đẹp như cao su ở vườn thực vật Heneratgoda (Ceylan) và Singapore là nơi 2 cây cao su trồng thực nghiệm phát triển tốt.
Những cây cao su của Suối Dầu kém hơn cao su Malaysia đến một năm. Việc theo dõi sự phát triển bề vòng của cây cao su qua từng năm trong thời kỳ kiến thiết cơ bản đã giải quyết cho ông Yersin mối lo là mùa khô hạn gay gắt của Khánh Hòa có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tăng trưởng của cây cao su và đến sản lượng.
Năm 1902, Yersin thành lập phòng thí nghiệm hóa đặt ngay trong Đồn điền Suối Dầu do ông G.Vernet, một kỹ sư nông học Pháp phụ trách. Phải nói rằng ông G.Vernet đã tỏ rõ là người phụ tá đắc lực của Dr. A. Yersin và có nhiều đóng góp vào ngành cao su thiên nhiên trong thời kỳ mò mẫm và trong giai đoạn đầu phát triển ở Việt Nam.
Dựa vào tài liệu phân tích của phòng Nông hóa, 2 ông Yersin và Vernet đi sâu vào nghiên cứu lý hóa tính đất ở Suối Dầu. Vào cuối thế kỷ XIX và các năm đầu của thế kỷ XX, người ta còn rất mù mờ về loại đất thích hợp cho cây H.B. Người ta được biết rằng các rừng cao su thiên nhiên dọc theo sông Amazon và các chi lưu là những vùng bị ngập lụt từng phần vào mùa lũ. Cây cao su mọc phóng khoáng trên vùng đất phì nhiêu nhờ phù sa của các dòng sông. Một người Pháp tên là Paul Cibot, sau một thời gian khai thác cao su rừng vùng Rio Beni của Bolivie đã khẳng định rằng đất thích hợp với cây H.B là những đất thấp và ẩm ướt.
Vùng cao su rừng mà ông Paul Cibot khai thác hằng năm đều bị ngập và người đi lấy mủ phải lội nước có chỗ đến thắt lưng để đi từ cây cao su này đến cây cao su khác (bài “L’ Hevea en Amérique et en Asic” đăng trong Journal d’Agriculture tropicale, số 31 ngày 31/1/1904). Trước đó, khi gặp Dr. A. Yersin tại Paris, năm 1903 Cibot cũng đã nhấn mạnh tính chất đất thích hợp với cây H.B: “đất thấp, có thể bị ngập và giàu phù sa, tầng sâu nhiều sét để giữ nước cho rễ cây”.
Qua kinh nghiệm của bản thân, Suối Dầu đã rút ra một kết luận: đất trồng cao su là đất dễ thoát nước, không phải là vùng thấp, nước ứ đọng hay là đầm lầy. Đó cũng là kết luận của các ông Haffner, Capus đối với đất trồng cao su ở Nam kỳ, trên đất vùng Thủ Đức và trên Trạm thí nghiệm Ông Yệm.
Ở Suối Dầu, Yersin và Vernet vừa sản xuất vừa tiến hành nghiên cứu và đúc kết kinh nghiệm, vừa tìm hiểu kinh nghiệm của các nước bạn, vừa vận dụng sát với điều kiện của đồn điền. Năm 1989, đồn điền mới có 1 ha cao su (báo cáo của Tổng giám đốc Nông nghiệp lên Toàn quyền Đông Dương); đến 1903, diện tích cao su đạt 10 ha. Ngày 1/8/1907, trong thư gửi cho bà chị, Yersin báo tin ông sẽ trồng 8 ha và Suối Dầu sắp được 100 ha cao su.
Suối Dầu chọn rừng già để khai hoang trồng cao su vì đất còn nhiều mùn. Yersin và Vernet chủ trương khai hoang sạch, dọn sạch gốc rễ và thân cành để tránh sâu bệnh, nhất là tránh mối. Các cây to được hạ bằng cách đánh bật rễ, gỗ được xẻ thành ván, bán cho dân đóng thuyền. Suối Dầu là nơi có nhiều cây dầu rái, ván dầu rất được ưa chuộng, nhờ vậy công việc khai hoang cũng có phần thuận lợi. Những cây nào không thể đánh bật gốc nổi như cây cầy (cây kơnia) thì theo kinh nghiệm ở Suối Dầu nên để cho chúng chung sống với cây cao su.
(Xem tiếp kỳ sau)
T.S (trích từ sách “100 năm cao su ở Việt Nam” của ông Đặng Văn Vinh)
Related posts:
- "Sống chậm" ngày cách ly
- Du Xuân ấm áp, tiết kiệm
- Tạp chí Cao su VN trao giải 2 cuộc thi sáng tác và ảnh nghệ thuật
- Tổng kết
- "Cao su Đồng Nai - Hành trình xuyên thế kỷ, những dấu ấn và giá trị trường tồn"
- Giai thoại chuyện dê
- Điện gió ở Gia Lai: Sức hút cho du lịch phố Núi
- Ảnh đẹp cao su của Nguyễn Văn Thương
- Cây cao su – cây anh hùng
- Ấn tượng khó phai