CSVNO – Đây là đề nghị của ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch HĐQT VRG tại buổi làm việc với Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Tập đoàn, vào ngày 13/7.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Tập đoàn (BCĐ), Tập đoàn đã phối hợp với Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh triển khai 8 đợt tiêm vaccine phòng Covid-19 cho NLĐ Công ty mẹ – Tập đoàn và các đơn vị thành viên trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra còn có 1 đợt tiêm theo phân bổ của Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh tại Trung tâm Y tế quận 10. Sau 9 đợt tiêm có khoảng 313 NLĐ của Công ty mẹ – Tập đoàn và một số đơn vị được tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 1.
Các công ty cao su thành viên Tập đoàn tại Campuchia đã triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho 595 /13.680 NLĐ (đạt 4,3%). Số đã tiêm đối với lao động Việt Nam là 446 người, lao động Campuchia là 149 người. Các công ty cao su tại Lào đã tiêm cho 504 người lao động Việt Nam và trên 346 lao động người Lào. Số chưa tiêm với lao động Việt Nam là 125 người (chiếm 19,9%) và với lao động Lào là 1.994 người.
Kể từ đợt dịch thứ 4 bùng phát ở trong nước bắt đầu ngày 27/4 đến nay, Tập đoàn đã ban hành 7 văn bản chỉ đạo chung toàn Tập đoàn. Lãnh đạo Tập đoàn đã chủ trì 2 cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Tập đoàn (ngày 2/6, 22/6) và 2 cuộc họp Tổ An toàn Covid-19 tại Tập đoàn (ngày 4/6, 17/6) để tập trung chỉ đạo các biện pháp quyết liệt nhằm tăng cường phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ở Tập đoàn.
Trước tình hình diễn biến phức tạp, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn đã tổ chức 4 cuộc họp trực tuyến với các đơn vị thành viên khu vực Lào, Campuchia để nắm bắt tình hình diễn biến dịch bệnh và chỉ đạo phương án ứng phó kịp thời, quyết liệt.
Cùng với đó, Ban Chỉ đạo Phát triển cao su tại Campuchia ban hành 4 văn bản về phòng, chống dịch Covid-19; Ban Chỉ đạo Phát triển cao su tại Lào cũng đã ban hành 2 công văn về phòng chống dịch bệnh.
Ở đợt dịch thứ 4, TP. Hồ Chí Minh trở thành địa bàn có nhiều ổ dịch với nhiều nguồn lây lan, số ca lây nhiễm lớn và tình hình nguy hiểm nhất từ đầu mùa dịch. Chính vì vậy, từ ngày 27/4, công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Tập đoàn tập trung rất lớn đối với Công ty mẹ – Tập đoàn, tòa nhà 177 Hai Bà Trưng và các đơn vị thành viên trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Trong hơn 2 tháng qua có đến 18 văn bản của Tập đoàn được ban hành khẩn (kể cả ngoài giờ hành chính) tới các Ban, Văn phòng Tập đoàn, NLĐ Công ty mẹ – Tập đoàn, Ban Quản lý tòa nhà 177 Hai Bà Trưng và các đơn vị thành viên khu vực TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời, Lãnh đạo Tập đoàn còn tổ chức cuộc họp chỉ đạo, quán triệt, triển khai thực hiện các biện pháp tăng cường phòng phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Ngoài công tác chỉ đạo liên tục, Tập đoàn còn triển khai các biện pháp hỗ trợ đơn vị và NLĐ phòng, chống dịch bệnh. Ủng hộ Quỹ vaccine phòng Covid-19 Việt Nam 200 tỷ đồng; Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Nam, Lai Châu, Gia Lai mỗi tỉnh 200 triệu đồng. Hỗ trợ các đơn vị tại Campuchia bằng việc mua dụng cụ xét nghiệm nhanh (kit test) Covid-19, đồng thời có hỗ trợ thiết thực cho các cơ quan hữu quan tại Campuchia trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19
Tại cuộc họp, các thành viên BCĐ đã có các đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay. Cụ thể: BCĐ tiếp tục quyết liệt tiếp cận với đa nguồn cung vaccine phòng Covid-19 để đảm bảo mục tiêu trong năm 2021 tất cả NLĐ và gia thuộc được tiêm vaccine phòng Covid-19.
Tiếp tục theo dõi sát tình hình diễn biến dịch bệnh tại các địa phương nơi có đơn vị thành viên Tập đoàn đứng chân để có các chỉ đạo kịp thời; nghiên cứu phương án hỗ trợ các đơn vị thành viên gặp khó khăn trong công tác phòng, chống dịch. Tăng cường công tác chỉ đạo các đơn vị thành viên khu vực miền Đông Nam Bộ do dịch bệnh các tỉnh giáp TP. Hồ Chí Minh bắt đầu diễn biến phức tạp.
Ông Huỳnh Văn Bảo – TGĐ VRG, Trưởng BCĐ, nhận định: Để đảm bảo mục tiêu trong năm 2021 tất cả CB.CNV-LĐ và gia thuộc được tiêm vaccine phòng Covid-19, BCĐ phải tiếp tục dùng nhiều biện pháp mở, linh hoạt để tiếp cận nguồn phân bổ vaccine để tiêm phòng Covid-19 cho NLĐ. Đây là nhiệm vụ cần sự chung tay của cả hệ thống, từ công ty mẹ đến các đơn vị thành viên.
Vai trò của người đứng đầu các đơn vị là quan trọng nhất, đảm bảo vừa phòng chống dịch theo yêu cầu, vừa thực hiện sản xuất kinh doanh theo đúng tiến độ đề ra. Trên cơ sở Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của Chính phủ, Tập đoàn đã nghiên cứu, rà soát và ban hành, triển khai đến các đơn vị thành viên xem xét những nơi nào có đủ điều kiện để nhận sự hỗ trợ theo cơ chế của Chính phủ.
Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch HĐQT VRG đánh giá cao hoạt động kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả của BCĐ, đảm bảo hiệu quả, hỗ trợ các đơn vị định hướng thực hiện mục tiêu kép. Công tác phòng, chống dịch của Tập đoàn hiện nay rất tốt.
Lãnh đạo Tập đoàn biểu dương các đơn vị triển khai phòng, chống dịch nghiêm túc, đảm bảo an toàn cho NLĐ. Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm, các đơn vị thành viên Tập đoàn đã hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu đã đề ra trong điều kiện khó khăn, đảm bảo thu nhập người lao động. Đó là sự nỗ lực rất lớn của toàn thể NLĐ toàn Tập đoàn.
“Xác định dịch Covid-19 còn phải phòng, chống lâu dài, BCĐ các cấp tiếp tục phát huy tốt công tác phòng chống dịch, để hoàn thành cao nhất kết quả sản xuất kinh doanh năm 2021. Linh hoạt trong chỉ đạo và phương pháp, liên tục nắm bắt thông tin chỉ đạo của các cấp, tổ chức thực hiện tất cả giải pháp đảm bảo an toàn cho NLĐ.
Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nhận thức chung về tư tưởng, thái độ của NLĐ và gia thuộc đối với các chủ trương, chỉ đạo của lãnh đạo Tập đoàn trong công tác phòng, chống dịch; cần có sự chung tay, đồng lòng chung, tuyệt đối không lơ là, chủ quan.
Quán triệt vài trò, trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo phòng ban trong việc thực hiện mục tiêu kép, vừa tập trung sản xuất kinh doanh, vừa bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch bệnh. Các đơn vị phải báo cáo thường xuyên hàng ngày và có kịch bản cụ thể trong tình hình dịch diễn biến phức tạp hiện nay, đặc biệt là khu vực Đông Nam bộ. Khả năng dự báo còn kéo dài, phải có phương án sản xuất cụ thể, đặc biệt Cụm công nghiệp, KCN, nhà máy, xưởng sản xuất… những nơi có mật độ tập trung cao” – Chủ tịch HĐQT VRG, yêu cầu.
“Ngay sau cuộc họp này, lãnh đạo Tập đoàn tiếp tục gửi ngay văn bản đến Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ và các tỉnh thành có cao su trong và ngoài nước, với 3 nội dung cụ thể: giúp đỡ NLĐ các công ty cao su trên địa bàn về phòng chống dịch, hỗ trợ xét nghiệm nhanh Covid-19 và sớm phân bổ nguồn vaccine cho NLĐ và gia thuộc ngành cao su.
Tập đoàn gửi văn bản với các địa phương có biên giới, hỗ trợ tối đa cho NLĐ về nước nếu bị nhiễm bệnh, thành lập các khu cách ly gần biên giới cho NLĐ các công ty cao su. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mục tiêu 100% NLĐ và gia thuộc xét nghiệm nhanh và tiêm vaccine phòng Covid-19 trong thời gian nhanh nhất. Để đảm bảo các hoạt động trước mặt và lâu dài, sẽ thành lập Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 của Tập đoàn từ các nguồn…” – ông Trần Ngọc Thuận, nhấn mạnh.
TRẦN HUỲNH
Related posts:
- "Mở miệng cạo cây cao su là sự kiện có ý nghĩa lớn đối với đồng bào Tây Bắc"
- Cao su Hà Giang: Chú trọng tạo việc làm, nâng cao thu nhập người lao động
- Cơ khí Cao su chia cổ tức 6%
- Cao su Sơn La: Lao động đồng bào dân tộc chiếm trên 97%
- VRG tích cực hỗ trợ tỉnh Bình Phước phát triển toàn diện
- Lãnh đạo VRG chúc Tết Tỉnh ủy Điện Biên
- Để Nghị quyết đi vào cuộc sống
- Hơn 210 công nhân được đào tạo khai thác mủ
- Hào hùng truyền thống ngành Cao su Việt Nam
- Khối Khu công nghiệp tổ chức nhiều phong trào thi đua