Kỳ 2: TẬN DỤNG THẾ MẠNH CHỦ LỰC
KỲ 1: KHẲNG ĐỊNH 2 CHỮ CÔNG NGHIỆP
CSVN – Từ quy mô diện tích đất và vườn cây cao su hiện có đã giúp VRG triển khai nhiều lĩnh vực có thế mạnh, phù hợp với xu thế phát triển của thị trường trong và ngoài nước. Nếu các đơn vị sản xuất, chế biến gỗ từng bước có tiếng vang trên thị trường thì lĩnh vực “em út” của VRG là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NN ƯDCNC) cũng đang được đầu tư, mở rộng và có thu hoạch tích cực bước đầu.
Ngành gỗ hiên ngang bước tới
Qua 2 mùa Covid – 19, hoạt động SXKD của Công ty CP Chế biến Gỗ Thuận An vẫn trôi chảy. Công ty đã mở showroom 3D để giới thiệu sản phẩm của công ty đến với khách hàng, đây là hình thức bán hàng được ưa chuộng, giúp công ty tranh thủ sự thuận lợi của bán hàng online trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay. Song song đó, bên cạnh việc sản xuất các sản phẩm truyền thống, công ty đã cải tiến, thiết kế các mẫu hàng độc quyền hoặc theo đơn đặt hàng, lắp ráp đơn giản, gọn nhẹ phù hợp với yêu cầu của khách hàng. Nhờ sự năng động đó, ngay trong quý I công ty kín đơn hàng xuất khẩu trang năm 2021, nhà máy sản xuất với 130% công suất. Do đó, chỉ tiêu về doanh thu 593 tỷ đồng của công ty xây dựng có khả năng sẽ thực hiện vượt.
Năm 2001, Công ty CP Chế biến Gỗ Thuận An, một công ty cổ phần đầu tiên thuộc VRG về sản xuất, chế biến sản phẩm gỗ được thành lập với mục tiêu khai thác nguyên liệu dồi dào từ nguồn cao su thanh lý trong toàn VRG để sản xuất các sản phẩm gỗ phôi, gỗ tinh chế từ cây cao su và các nguyên liệu khác.
Trong 20 năm kể từ đó đến nay, VRG đã thành lập thêm nhiều công ty trực thuộc hoạt động trong lĩnh vực này bởi đây được đánh giá là ngành có nhiều tiềm năng, triển vọng và lợi thế để phát triển, nhất là nguồn nguyên liệu dồi dào từ diện tích cao su thanh lý hàng năm. Thêm vào đó, trong điều kiện Việt Nam và các nước đang thắt chặt chính sách đóng cửa rừng, nhu cầu về sản phẩm sản xuất từ gỗ cao su tăng giúp cho VRG càng tự tin hơn khi đầu tư, mở rộng các nhà máy sản xuất gỗ.
Một điển hình khác, trong khi nhiều doanh nghiệp lao đao vì dịch bệnh Covid – 19 thì Công ty CP Chế biến gỗ MDF VRG Quảng Trị có thể tạm yên tâm với kết quả SXKD những tháng đầu năm khởi sắc. Tính trong 4 tháng đầu năm 2021, công ty đã sản xuất 91.089 m³, tăng gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2020. Sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó, thương hiệu MDF VRG Quảng Trị được khẳng định bởi chất lượng tốt và ổn định. Bước sang tháng 5, lợi nhuận của công ty đã hoàn thành 100% kế hoạch. Những con số đó dự báo một năm thắng lợi của công ty và cũng là niềm vui chung của VRG.
Đó là 2 trong số 15 công ty trực thuộc VRG đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến gỗ trải dài từ Đông Nam bộ, Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long. Tổng công suất thiết kế 17 nhà máy chế biến gỗ của VRG khoảng 1.065.320 m3/năm, gồm các chủng loại gỗ phôi, gỗ ghép tấm, gỗ tinh chế, MDF.
Các sản phẩm gỗ mang thương hiệu VRG dần có chỗ đứng trên thị trường và không hề lép vế khi đủ sức cạnh tranh với các thương hiệu khác trong cùng chủng loại. Đặc biệt các đơn vị hoạt động trong ngành gỗ của VRG vẫn vững vàng và “hiên ngang” bước tới trước làn sóng Covid – 19.
VRG có 12 dây chuyền sản xuất gỗ phôi, 6 dây chuyền sản xuất ghép thanh và ghép tấm, 6 nhà máy có dây chuyền sản xuất gỗ tinh chế, 4 nhà máy sản xuất gỗ MDF có dây chuyền công nghệ hiện đại từ Châu Âu, trong đó Nhà máy MDF VRG Dongwha là nhà máy sản xuất gỗ MDF có quy mô lớn nhất Đông Nam Á. Với công suất thiết kế lớn, hàng năm các nhà máy này sản xuất trung bình chiếm gần 50% sản lượng sản xuất MDF trong nước.
Trong bức tranh toàn cảnh chung của VRG, tốc độ tăng trưởng của ngành gỗ ngày càng tăng về sản lượng sản xuất, doanh thu và lợi nhuận. Trong giai đoạn 2016 – 2020, sản lượng tiêu thụ trung bình đạt 1.021.860 m3/năm, sản lượng MDF đóng góp 75% tổng sản lượng tiêu thụ. Tổng giá trị doanh thu tăng dần qua các năm, năm 2016 doanh thu ngành gỗ đạt 5.060 tỷ đồng đến năm 2020 con số này đã tăng lên 7.031 tỷ đồng.
Ông Trương Minh Trung – Phó TGĐ VRG cho rằng: “Giai đoạn 2021 – 2025, tuy không có biến động lớn về sản lượng sản xuất nhưng ngành gỗ dự kiến vẫn mang lại doanh thu tăng 30% và lợi nhuận trước thuế tăng hơn 40% sau 5 năm. Xác định chế biến gỗ là một trong những thế mạnh chủ lực, do vậy VRG chủ trương tiếp tục đầu tư mới, mở rộng quy mô sản xuất, mở rộng theo lộ trình sản phẩm gỗ tinh chế với quy mô gấp đôi hiện nay, đầu tư mở rộng tăng công suất nhà máy MDF, xem xét đầu tư các sản phẩm mới như Wood Pellet, Okal…. để tận dụng hết các phụ phẩm của cây cao su, gia tăng chuỗi giá trị của cây cao su”.
“Nhà máy tinh chế sẽ được đầu tư với quy mô lớn trên nền các nhà máy hiện có, mở rộng quy mô và mua lại các doanh nghiệp đã có thương hiệu, bộ máy vận hành tốt hoặc tăng khả năng hợp tác liên doanh, liên kết. Với lợi thế và tiềm năng hiện có, ngành gỗ VRG vẫn còn tiềm năng để phát triển, định hướng xây dựng thương hiệu ngành gỗ VRG, gỗ cao su có chứng chỉ bền vững, nguồn gốc rõ ràng. cần được lồng ghép vào Chiến lược tổng thể phát triển ngành gỗ VRG giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2031 là nội dung quan trọng trong thời gian tới cần thực hiện”, ông Trung cho biết thêm.
Lợi nhuận cố định từ 20 – 30 triệu đồng/ha/năm từ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Dẫn chúng tôi tham quan mô hình liên kết 180 ha chuối già Nam Mỹ được Cao su Bình Long xen canh trên vườn cây cao su kiến thiết cơ bản, ông Lê Văn Vui – TGĐ công ty hồ hởi khoe: “Trồng kiểu này cây cao su được lợi lắm đó, từ phân bón, nước tưới của cây chuối. Qua kiểm tra thì vanh thân cao su to hơn trồng bình thường”. Hướng theo tay ông Vui, từng hàng cao su xanh rì xen lẫn hàng chuối công nghệ cao đang ra trái xa tít tầm mắt.
Ông Lê Văn Thủy – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn công ty giải thích thêm: “Ngoài việc thu được lợi nhuận từ xuất khẩu sản phẩm chuối, vườn cây cao su KTCB được hưởng lợi rất lớn từ cây chuối như sinh trưởng tốt hơn nhờ thụ hưởng chất dinh dưỡng khi chăm bón phân cho cây chuối, sau khi thu hoạch chuối, phần thân cây sẽ tạo nguồn phân hữu cơ cho đất giúp đất cân bằng được độ ẩm tốt hơn”. Hiệu quả kép từ việc trồng chuối xen trên vườn cây KTCB đã giúp công ty mạnh dạn xây dựng kế hoạch phát triển 500 ha diện tích trồng chuối theo mô hình xen canh lẫn chuyên canh trong giai đoạn 2020 – 2025.
Năm 2016 đánh dấu VRG chính thức bắt tay vào thực hiện đầu tư NN ƯDCNC bằng việc cho phép và khuyến khích Cao su Dầu Tiếng thực hiện thí điểm dự án trồng 117 ha chuối cấy mô theo mô hình liên doanh liên kết với Công ty CP Nông nghiệp U&I (Unifarm) mang thương hiệu Chuối Dole. Đây là một thương hiệu nông sản nổi tiếng thế giới của Mỹ.
Hợp tác với một doanh nghiệp có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, Cao su Dầu Tiếng được hỗ trợ về cây giống, cán bộ kỹ thuật hướng dẫn chăm sóc và quy trình sản xuất từ khi trồng cho đến khi xuất ra thị trường. Nhìn những hàng chuối cấy mô xanh mướt, cho năng suất cao, đến thời điểm thu hoạch NLĐ không phải mang vác nặng mà vận chuyển bằng cáp tải vào nhà máy sơ chế, đóng gói, các công đoạn được thực hiện “chuẩn từng milimet” mới thấy rằng làm NN ƯDCNC cần sự quyết tâm, kỹ lưỡng và đảm bảo tối ưu các nguyên tắc để đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Chuối cấy mô không bị động trong đầu ra mà được đơn vị hợp tác bao tiêu sản phẩm. Sau khi đóng gói bảo quản kho lạnh, sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia… Lãnh đạo Cao su Dầu Tiếng cho biết, trong năm 2020 lợi nhuận của dự án này thu được hơn 6,5 tỷ đồng. Với hiệu quả như vậy, công ty tiếp tục mở rộng trồng thêm trên 1.300 ha trồng chuối trong năm 2021 và những năm tiếp theo để nâng cao hơn nữa giá trị sử dụng đất và giúp công ty đa dạng lĩnh vực ngành nghề sản xuất được cho phép.
Trong toàn VRG, không chỉ có Cao su Dầu Tiếng và Cao su Bình Long triển khai dự án NN ƯDCNC mà còn nhiều đơn vị khác đã thực hiện và bước đầu cho hiệu quả tích cực như Cao su Phước Hòa, Cao su Đồng Phú… VRG cũng đã giao quyền chủ động cho các đơn vị trong việc quy hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang phát triển NN ƯDCN phù hợp với quy hoạch của địa phương. Đồng thời giao quyền chủ động cho đơn vị trong việc lựa chọn cây trồng, đối tác hợp tác để triển khai thực hiện với mục tiêu là nâng cao giá trị sử dụng đất trên một diện tích, góp phần nâng cao lợi nhuận cho công ty và thu nhập cho NLĐ. Tính đến năm 2020, VRG đã phê duyệt thực hiện 2 khu NN ƯDCNC tại Cao su Phước Hòa, Cao su Đồng Phú và 13 dự án NN ƯDCNC với tổng diện tích 4.370 ha. Đến nay, các đơn vị thành viên đã thực hiện được 5 dự án chiếm 38,4% tổng số dự án được chấp thuận. Các loại cây đầu tư rất đa dạng như: chuối, sachi, dưa lưới, bưởi da xanh, các loại cây có múi khác… kể cả chuỗi sản phẩm sau thu hoạch. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại cây chuối vẫn là cây chủ lực với 403 ha chiếm 82,9% và mít 83 ha chiếm 17,1%. Theo thống kê của VRG, lợi nhuận cố định khi thực hiện trồng cây NN ƯDCNC thu được trong khoảng từ 25 – 30 triệu/ ha/năm ngay từ năm thực hiện đến hết thời gian dự án mà không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh.
So sánh với hiệu quả trên cùng 1 ha đất thì trong điều kiện hiện nay, tính bình quân mỗi ha cao su sẽ đạt năng suất 2 tấn, lợi nhuận thu về tùy vào giá cả thị trường sẽ dao động từ 6 – 10 triệu đồng/năm thì lợi nhuận của mô hình NN ƯDCNC mang lại gấp đôi và thậm chí gấp ba lần. Vì vậy, trong thời gian tới sẽ có nhiều đơn vị thành viên thuộc VRG triển khai dự án NN ƯDCNC bên cạnh các lĩnh vực ngành nghề khác.
NN ƯDCNC là lĩnh vực khá mới mẻ và được xem là “em út” trong các lĩnh vực ngành nghề sản xuất kinh doanh chính của VRG. VRG có quỹ đất là một lợi thế rất lớn khi sản xuất NN ƯDCNC cần phải có quy mô diện tích đất lớn, tập trung, quy trình sản xuất khép kín. Mặc dù rất thuận lợi khi có tư liệu sản xuất, nguồn nhân lực dồi dào, có trí tuệ và sẵn sàng hội nhập kinh tế quốc tế nhưng các đơn vị VRG cũng gặp không ít khó khăn trong công tác thực hiện, nhất là một số nơi việc chuyển đổi một phần diện tích đất sang phát triển NN ƯDCNC vẫn còn vướng mắc về mặt thủ tục, pháp lý.
Do chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này, VRG rất thận trọng trong từng bước triển khai đầu tư bằng hình thức liên doanh, liên kết hợp tác với các doanh nghiệp có kinh nghiệm để cùng nhau thực hiện và đôi bên đều có lợi. Song song đó, các đơn vị thành viên thường xuyên cử nhiều đoàn cán bộ đi tham quan, học hỏi mô hình NN ƯDCNC tiêu biểu từ những tập đoàn lớn trong nước, từ đó có phương án triển khai phù hợp với tình hình thực tế tại đơn vị.
Đánh giá về hiệu quả bước đầu của việc đầu tư phát triển NN ƯDCNC, đại diện lãnh đạo VRG cho biết: “Mặc dù mới thực hiện trong thời gian ngắn song có thể khẳng định việc tiếp cận mô hình liên kết để tranh thủ kinh nghiệm, công nghệ, thị trường, vốn của đối tác là bước đi đúng đắn, tiến tới làm chủ công nghệ, thâm nhập thị trường tạo đà để tự thực hiện các dự án NN ƯDCNC trong tương lai”.
Phát triển NN ƯDCNC là xu hướng tất yếu trong thời đại nông nghiệp 4.0 như hiện nay. Là một tập đoàn kinh tế được giao quản lý diện tích đất rất lớn, do vậy VRG có rất nhiều lợi thế khi mạnh dạn phát triển trong lĩnh vực này. Bước chuyển đổi này vừa phù hợp với sự phát triển của nền nông nghiệp nước nhà nói chung và vừa phù hợp với thực tiễn sản xuất của VRG nói riêng khi những năm gần đây giá cao su giảm, lợi nhuận trong hoạt động trồng và chế biến cao su chưa đạt được như kỳ vọng thì việc nâng cao giá trị sử dụng đất, trên cùng một diện tích đất nhưng lợi nhuận cao hơn sẽ giúp cho VRG phát triển tốt hơn.
NGUYỄN CƯỜNG – HUỆ LINH
(Kỳ tới: Tập trung nâng cao năng suất, chất lượng vườn cây cao su – Hướng đến pháttriển bền vững)
Related posts:
- Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh Covid - 19 trong tình hình mới
- Nâng cao sức cạnh tranh của cao su Việt Nam
- Khơi thông tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn
- Những sáng kiến, cải tiến từ thực tiễn của thanh niên công nhân đồng bào dân tộc thiểu số
- Nông trường An Lộc "lội ngược dòng" ngoạn mục
- Kỳ đại hội khó quên
- "Xuân này anh không về"
- Kinh nghiệm tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết đối với Đảng viên đồng bào dân tộc thiểu số
- Hội thao CNVC – LĐ VRG: Giao lưu, chia sẻ, học hỏi
- Tết thời Covid - 19