Khúc tráng ca cao su Tây Bắc: [Bài 4] Tình đất, tình người Tây Bắc

CSVNO – 15 năm cao su Tây Bắc là một hành trình gian nan, vất vả nhưng cũng là một khúc ca thấm đẫm tình đất, tình người. 

Cao su Tây Bắc hôm nay. Ảnh: Hoàng Anh.

Ở lại với Tây Bắc

Nhìn lại hành trình 15 năm cây cao su lên Tây Bắc, đã có những hi sinh, mất mát, những gian truân để có được những thành tựu lớn ngày hôm nay. Hành trình đó cũng bộc lộ hết những giá trị của tình đất, tình người, những tình cảm quý báu, trách nhiệm của người miền xuôi đối với người miền ngược, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào vùng cao. 15 năm ấy, đã có hàng nghìn con người từ khắp mọi miền lên với Tây Bắc để thực hiện một chủ trương mang ý nghĩa chính trị lớn lao, hoàn toàn có thể gọi là “chiến dịch cao su Tây Bắc”.

Có người ngã xuống, có người rời đi nhưng cũng đã có rất nhiều người bám trụ lại. Có người cống hiến tuổi trẻ, lại có người dành những năm tháng cuối đời mình để cây cao su lớn từng ngày trên Tây Bắc. “Là sứ mệnh hay là định mệnh không ai rõ, nhưng họ đã gắn bó với cây cao su Tây Bắc, đồng bào vùng cao bằng sợi dây tình cảm rất khó diễn tả bằng lời”, anh Lò Văn Thương, Phó Tổng giám đốc phụ trách Công ty Cổ phần cao su Lai Châu nói với tôi trên chuyến xe xuống Lùng Thàng.

Anh Thương là người Thái ở Mường Lay, vốn là cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lai Châu, “đón” cây cao su lên Tây Bắc từ những ngày đầu, sau chuyển sang làm “người cao su” ngay thời điểm cây cao su được trồng đầu tiên ở Lùng Thàng và xã Ma Quai.

Lúc đó cơ sở vật chất, hạ tầng chẳng có gì. Tỉnh Lai Châu cho công ty mượn một trung tâm cai nghiện để làm trụ sở, năm 2008 bắt đầu tuyển dụng công nhân trồng cao su. Chính sách, chiến lược của tập đoàn và địa phương là ưu tiên tuyển dụng đồng bào dân tộc tại chỗ, nhưng đồng bào lúc đó hầu như chưa ai biết gì về cây cao su cả.

Khó vô cùng. Họ quen với phát nương làm rẫy, quen với du canh du cư, quen với tập quán thích thì làm không thích thì nghỉ, vận động đi làm công nhân cao su nhiều người còn hỏi là làm gì, làm cán bộ á? Cho nên suốt một năm đầu, bộ máy công ty chỉ có 5 người. Một ông Tổng giám đốc, một ông phó, một kế toán, một thủ quỹ và một lái xe.

Anh em phải chia nhau về quê vận động người thân, họ hàng, bè bạn, nhờ các mối quan hệ ở các trường đào tạo để tuyển dụng nhưng cũng rất gian khó. Rủ rê, dỗ dành có, thậm chí nhiều người còn phải sử dụng các chiêu để “lừa”, lên trên đó trồng cao su sướng lắm, không gian khổ gì đâu.

Vậy mà bây giờ, từ những cây cao su đầu tiên ở xã Ma Quai, Công ty cao su Lai Châu đã trồng được xấp xỉ 7.000 ha, gần 6.000 ha đã đưa vào khai thác, công nhân, người lao động tổng cộng hơn 1.200 người, quản lý, lao động sản xuất trên 6 nông trường: Phong Thổ, Lùng Thàng, Nậm Tăm, Noong Hẻo, Căn Co, Nậm Cuổi… Những “bản cao su”, “xóm cao su”, “xã cao su”, nơi đâu cũng là những khu dân cư đoàn kết, đời sống ổn định, không khí lao động hăng say, nề nếp.

Mặc dù trải qua những thăng trầm gian khó của giai đoạn kiến thiết cơ bản, giai đoạn giá mủ xuống thấp, thu nhập bấp bênh, nhiều người không chịu nổi gian khó mà rơi bỏ, nhưng còn rất nhiều người khác đang xác định gắn bó với mảnh đất này đến hết cuộc đời.

Nông trường cao su Nậm Cuổi được thành lập từ những ngày đầu tiên ở xã tái định cư Nậm Cuổi của công trình thủy điện Sơn La. Hiện đang quản lý khoảng 1.202 ha cao su trồng từ năm 2009. Bộ máy nông trường có 15 người, gần 200 công nhân lao động chỉ có vài người nơi khác đến, còn lại là đồng bào dân tộc tại chỗ. Năm vừa rồi Nậm Cuổi là một trong số những nông trường vượt kế hoạch sản lượng, thu hơn 900 tấn mủ, chi trả hơn 2,2 tỷ đồng tiền góp đất cho người dân và 1 tỷ đồng tiền lương công nhân.

Giám đốc Nông trường Bùi Quang Tài nói vui, Nậm Cuổi chúng em bây giờ là nông trường đại đoàn kết vì có nhiều đồng bào dân tộc cùng sinh sống, sản xuất, có nhiều cặp vợ chồng là người miền xuôi lấy người miền ngược, người đồng bào này lấy người đồng bào kia.

Tài quê ở miền biển Diễn Châu, Nghệ An, lên Tây Bắc từ những ngày đầu với cây cao su thông qua bạn bè giới thiệu. Tuổi trẻ “máu” lên là đi mà không nghĩ Tây Bắc nhiều gian khó thế. Nhất là những ngày đầu. Công việc vất vả, thu nhập bấp bênh, cuộc sống thiếu thốn đủ bề. Buồn nhất là những dịp lễ tết, anh em công nhân cao su muốn về thăm quê, thăm gia đình nhưng tiền không có, lại nghĩ đến quãng đường sá xa xôi mà hãi. Anh em còn can trường chứ chị em bao nhiêu năm ăn tết giữa núi rừng Tây Bắc chỉ toàn thấy khóc.

9 công ty cao su ở Tây Bắc bây giờ có khoảng 5.000 người lao động, mấy chục nông trường. Nông trường nào rồi cũng sẽ thành làng, thành bản, người miền xuôi, miền ngược vui vầy cuộc sống, cùng nhau lao động sản xuất. Các lãnh đạo và anh em cao su ở miền trong thỉnh thoảng ra thăm phấn khởi lắm. Đi một vòng Tây Bắc, cứ chỗ nào có cây cao su thì nơi đó có cuộc sống ổn định, khang trang và yên bình hơn. Nhiều cặp vợ chồng mười mấy năm gắn bó với cao su bây giờ đã mua được nhà ở thành phố, mua được ô tô, lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Dĩ nhiên chặng hành trình phía trước còn nhiều vất vả, nhưng được như hôm nay đã hết sức tuyệt vời.

Anh Lò Văn Thương

Những “bản làng cao su đại đoàn kết” trên Tây Bắc. Ảnh: Hoàng Anh.

Nhưng khóc mãi, khổ mãi dường như rồi cũng quen, rồi gắn bó, thân thuộc tự khi nào không biết. Nhất là giai đoạn cây cao su ở Nậm Cuổi vào chu kỳ khai thác. Có mủ, có thu nhập, “người xuôi” cũng vui mà “người ngược” cũng vui. Không ai bảo ai họ tìm hiểu nhau rồi xây dựng gia đình, theo lẽ tự nhiên mà gắn bó lâu dài với mảnh đất này.

Vợ Bùi Quang Tài là Đặng Thị Lý, ở Con Cuông, Nghệ An. Vợ Hoàng Văn Anh, quê ở Lạng Sơn, Tổ trưởng tổ 5, là Lò Thị Diêm, cô gái Thái cũng là công nhân cao su ở Nậm Cuổi. Trương Văn Thể, quê ở Thanh Hóa lấy Lò Thị Pánh, cũng là người Thái Tây Bắc… Họ đến với nhau, cùng nhau lao động sản xuất, xây dựng nhà cửa, sinh con đẻ cái thành những bản, những làng quanh nông trường.

Bữa cơm tối ở Nông trường Nậm Cuổi, đưa chén rượu ngô men lá lên để “đồng khởi kết đoàn”, Bùi Quang Tài dù vẫn nói giọng Nghệ An đặc sệt mà phong cách xem chừng cũng đã rất Tây Bắc. Tài cao hứng: Thời khó khăn qua rồi anh ạ. Cao su ở Nậm Cuổi bây giờ chỉ cần chịu khó lao động, chăm chút thì không phải lo nghĩ gì. Chúng em xác định chỉ cần cuộc sống ổn định, ngày một khấm khá thì nơi đâu cũng là quê hương cả.

Nhớ ơn anh em cao su đến suốt cuộc đời

Cao su Tây Bắc hôm nay, những mất mát, hi sinh, cống hiến, tình cảm của “người dưới xuôi” với mảnh đất này, hơn ai hết đồng bào trên đây cảm nhận rõ nhất. Người đồng bào rất trọng tình nghĩa, ai có ơn họ ghi nhớ suốt đời.

Cuộc sống thay đổi rõ rệt nên ngày càng có nhiều người Mông ở các xã vùng cao Tủa Sín Chải, Làng Mô, Tả Phìn… xin “vào cao su”. Ảnh: Hoàng Anh.

Xóm nông trường cao su Chăn Nưa 4 ở xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu có khoảng 30 hộ người đồng bào Mông. Có lẽ đây là cộng đồng người Mông có nhiều cái lạ của Tây Bắc. Họ ở ven suối, trong những ngôi nhà cấp 4 khang trang, tiện nghi sinh hoạt đầy đủ, xe máy, ti vi, tủ lạnh không thiếu thứ gì. Vào những hôm mát trời, không phải lên đồi cạo mủ, họ cũng tụ tập hát hò, uống rượu rất sảng khoái. Trong những cuộc vui như thế bao giờ cũng phải gọi bằng được mấy ông giám đốc nông trường, mấy anh công nhân cao su.

Ông Cháng Sinh Phong (63 tuổi), nhiều năm làm trưởng bản tâm sự với tôi, “nhớ ơn anh em cao su cả đời, nhớ đến lúc chết đấy nhà báo à”. Người Mông vốn dĩ chặt chẽ và quân tử, đã nói gì thì rất thật bụng mình.

Hơn 10 năm trước, khi xảy ra sự việc “thành lập nhà nước Mông tự trị” ở bên Mường Nhé, Điện Biên, rất nhiều người Mông ở Lai Châu cũng bị các đối tượng xấu xúi giục bán hết nhà cửa, ruộng nương kéo nhau sang bên ấy. Sau khi vụ việc bị xử lý, một số đồng bào trở về nhưng không còn nhà cửa, đất đai, sống trên núi cao, đốt nương làm rẫy, đời sống khó khăn vô cùng. Đến một ngày Công ty Cổ phần cao su Lai Châu II nhận được “chỉ thị” đón đồng bào về ổn định đời sống, sản xuất. Một “chiến dịch” lớn được phát động. Xây dựng nhà cửa ngay trên đồi cao su. Bố trí công ăn việc làm cho đồng bào. Dựng trường mầm non, mở lớp trông trẻ để đồng bào ổn định, yên tâm đi làm công nhân…

Mất mấy năm trời vận động, thuyết phục người Mông trở thành công nhân cao su, đến bây giờ, cộng đồng người Mông ở Sìn Hồ không những đã có cuộc sống ổn định mà nhiều gia đình đã trở nên giàu có. Công nhân được đóng bảo hiểm, có lương thưởng ổn định, trẻ con được học chữ rồi về dạy lại tiếng phổ thông cho bố mẹ. Không còn ai phải lo cái ăn, cái mặc, có gia đình mỗi năm gửi ngân hàng hàng trăm triệu đồng. Cuộc sống thay đổi rõ rệt, cho nên trước thì phải đi vận động, nhưng bây giờ ngày càng có nhiều người Mông ở các xã vùng cao Tủa Sín Chải, Làng Mô, Tả Phìn… kéo nhau xuống xin vào làm cao su.

Đồng bào trên núi cao xuống tìm cao su để ổn định sản xuất và những người dưới xuôi lên đây cũng quyết tâm ở lại để chung tay xây dựng làng bản. Giữa các “bản cao su” người Mông, người Thái, người Khớ Mú quanh 4 nông trường Chăn Nưa, Pú Đao, Nậm Nhùn, Nậm Na là những mối lương duyên của tình đất, tình người.

Ba trong số bốn giám đốc nông trường này là người dưới xuôi. Nguyễn Đình Tuấn, nông trường Nậm Na quê ở Nghệ An; Đặng Dục Tú, nông trường Phú Đao người Phú Thọ; Trần Nam Long nông trường Chăn Nưa người Hà Tĩnh. Tất cả họ đều đến với cao su Tây Bắc từ những ngày đầu, đi qua gian khó và đang ở lại với mảnh đất này.

Tú kể với tôi, ngày thằng Nguyễn Đình Tuấn đòi cưới con Trương Thị Lý, em bảo nó là mày phải suy nghĩ cho kỹ vào. Mày yêu thì yêu chứ cưới nó chắc bố mẹ trong quê từ mặt mày đấy. Xa xôi như thế, đi mấy chặng xe mới đến được. Gian khổ như thế, “khổ như công nhân cao su” cơ mà. Bố mẹ mày chửi chết đấy. Nhưng rồi chúng nó vẫn quyết tâm đến với nhau. Bây giờ 2 đứa, nhà cửa khang trang ngay trung tâm xã Chăn Nưa, chồng làm giám đốc nông trường, quản hàng trăm công nhân, vợ làm cấp dưỡng, lương thưởng cũng khá khẩm, đời sống ổn định, gắn bó lắm.

Rồi chuyện Trần Khắc Đức, Tổ trưởng Tổ 2 lấy cô Lường Thị Hồng người Thái. Trần Nam Long lấy vợ người Thái quê ở xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn… Ban đầu gia đình cũng cấm cản dữ dội lắm, nhưng thấy chúng em quyết tâm đành xuống nước, thôi thì lập nghiệp ở đâu gia đình ở đấy.

“Căng” và thú vị nhất có lẽ là chuyện tình của Lý Anh Quý, Giám đốc Nông trường Nậm Nhùn và Lê Thị Mai, kế toán Nông trường Nậm Na. Cô vợ sinh năm 1988 quê người Thạch Hà, Hà Tĩnh, là một trong 7 người lên gầy dựng cao su Lai Châu từ những ngày đầu tiên. Anh chồng là người Giáy (hay còn gọi là người Nhắng) sinh năm 1983 ở huyện Mường Tè. Mai nói, ngày mới lên không thể hình dung được tương lai rồi đây sẽ như thế nào. Nhất là những năm 2015- 2016, công nhân cao su nghỉ việc cả trăm người, lương chỉ đôi ba triệu, tết nhất chẳng dám về nhà. Lúc em báo tin lấy chồng trên này, nhiều người trong họ còn tưởng có khi con này mắc bùa ngải vùng cao rồi cũng nên.

Bây giờ thì tất cả họ đều là những gia đình yên ấm, hạnh phúc, đời sống khá giả, chan hòa giữa những bản làng cao su đủ các thành phần đồng bào đến từ khắp mọi nơi. Lễ tết, công lớn việc bé của người Mông người Thái, người Kinh, người Khơ Mú đến uống rượu và người lại. Kết đoàn và ấm áp vô cùng.

Với cao su, Tây Bắc sẽ ngày càng ấm no, hạnh phúc

Người Thái trước đây vốn rất sợ ma, những năm tháng làm công nhân cao su bây giờ không còn ai sợ nữa. Trước đây không có việc làm, đi làm rẫy, cấy lúa thuê cả ngày chỉ được 10-12 nghìn đồng, bây giờ có của ăn của để, đời sống ấm no cũng là nhờ cao su.

Chị Điêu Thị Hoài, người Thái ở Sìn Hồ.

Ông Nguyễn Xuân Phú, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu II và người lao động. Ảnh: Hoàng Anh.

Nhìn lại cuộc hành trình 15 năm của cao su Tây Bắc, trong số 5 hạt nhân được Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam điều lên nhận nhiệm vụ những năm tháng đầu, giờ chỉ còn anh Nguyễn Xuân Phú, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Lai Châu II là đang còn công tác. Họ, có người đã khuất, có người nghỉ chế độ nhưng công lao đóng góp với cao su Tây Bắc thật hết sức lớn lao. Anh Phú nói với tôi, hết thế hệ này đến thế hệ khác, dù khó khăn gian khổ đến mấy thì người của VRG vẫn luôn động viên nhau một lòng một dạ với Tây Bắc, bằng tinh thần, sứ mệnh của nhiệm vụ chính trị.

Hay như anh Nguyễn Công Tám, người lăn lộn 7 năm ở Mường Nhé, hiện là Phó Tổng giám đốc phụ trách Công ty Cổ phần cao su Điện Biên cũng tâm sự, nếu không phải vì cái tâm với sự nghiệp cây cao su, cái tâm với đồng bào Tây Bắc chắc chẳng ai lên đây cả.

Ở Mường Nhé chẳng hạn. Cách thành phố Điện Biên Phủ gần 300 cây số, là nơi xa xôi nhất của Tây Bắc, cơ sở vật chất hạ tầng, đời sống sinh hoạt thiếu thốn đủ bề. Vậy mà từ Nông trường Mường Nhé chỉ có khoảng dăm bảy “người cao su” ngày trước bây giờ đã là công ty cổ phần với hàng ngàn ha. Anh chị em lên đây, cống hiến cả thanh xuân cho cây cao su Tây Bắc rồi xây dựng gia đình, gắn bó với mảnh đất này, với đồng bào nơi đây. Sứ mệnh ấy, tình cảm ấy thật đáng quý.

Từ Lai Châu, Điện Biên, Sơn La đến Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, “người cao su” đã và đang lăn lộn với cộng đồng các dân tộc vì sự nghiệp cây cao su trên Tây Bắc. Dẫu còn nhiều gian nan phía trước, nhưng nhìn lại những thành tựu 15 năm qua đã đạt được, chúng tôi nghĩ rằng với cao su Tây Bắc, chắc chắn rồi đồng bào sẽ ngày càng ấm no, hạnh phúc.

theo Hoàng Anh (Nông nghiệp Việt Nam)

Bài 3: Tiếng reo vui ở Mường Trời