CSVN – Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội, các đơn vị thành viên VRG đã phối kết hợp chặt chẽ với các địa phương, đoàn kết, thống nhất triển khai nghiêm túc, quyết liệt nhiều biện pháp đồng bộ để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa nỗ lực thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, tiếp tục bảo đảm việc làm, đời sống cho người lao động.
Vượt khó thực hiện “mục tiêu kép”
Theo báo cáo tình hình SXKD của các đơn vị Đông Nam bộ – khu vực chủ lực trong thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của VRG thì kết quả hoạt động tính đến cuối tháng 7 rất khả quan, các chỉ tiêu về sản lượng, giá bán và thu nhập của NLĐ đều cao hơn so với cùng kỳ năm 2020, đó là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên một trở ngại lớn nhất hiện nay của các đơn vị nói riêng và cả nước nói chung đó là dịch bệnh Covid – 19, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình hoạt động SXKD và việc làm, thu nhập của NLĐ.
Từ ngày 22/7, Cao su Lộc Ninh test nhanh cho 105 NLĐ để triển khai bố trí, phương án “3 tại chỗ” tại nhà máy, thực hiện nghiêm 5K trong dây chuyền sản xuất. Điều động mủ nguyên liệu về Nhà máy chế biến Lộc Hiệp để chế biến mủ ly tâm và mủ cốm. Nhà máy đã bố trí 2 phòng cách ly dự phòng trong trường hợp công nhân có hiện tượng ho, sốt. Bên cạnh đó, sắp xếp 2 phòng chờ cho tài xế đến nhận hàng, xe nhận hàng được phun thuốc khử khuẩn. Tài xế và người phụ xe đến nhà máy được yêu cầu thực hiện 5K.
Công ty chủ động xây dựng các kịch bản để ứng phó với các trường hợp xảy ra nhằm đảm bảo sản xuất an toàn. Ban chỉ đạo công ty đã phối hợp với chính quyền địa phương để trong trường hợp cấp bách có thể trưng dụng các trường học trên địa bàn để làm khu cách ly cho NLĐ công ty. Thời gian vừa qua, Đoàn thanh niên công ty đã tiến hành dọn dẹp vệ sinh các trường học và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để có thể đưa vào sử dụng ngay khi có trường hợp cần cách ly.
Đến ngày 28/7, TCT Cao su Đồng Nai có 429 NLĐ bị ảnh hưởng dịch bệnh (kể cả công ty con). Trước tình hình thực tế, TCT đã ban hành quy chế trả lương cho NLĐ đối với NLĐ khối quản lý, phục vụ, trực tiếp và ủng hộ nhu yếu phẩm cho NLĐ trong vùng phong tỏa. Đối với các trường hợp NLĐ ở trong khu vực phong tỏa và cách ly theo quy định của cơ quan chức năng, TCT vận động NLĐ ở những vườn cây lân cận để cạo choàng nhằm đảm bảo kế hoạch sản lượng. Trước khi tỉnh Đồng Nai có quyết định áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, TCT đã bố trí, sắp xếp nơi ăn chốn ở cho hơn 200 NLĐ người Hà Giang trên vườn cây ở khu vực NT Cẩm Đường, Cẩm Mỹ để họ đi làm, có thu nhập trong thời gian khó khăn này.
Chủ động xây dựng nhiều kịch bản để ứng phó
Trước tình hình diễn biến hết sức phức tạp của dịch bệnh, để hoạt động SXKD không bị gián đoạn và hoàn thành mục tiêu kép, lãnh đạo các công ty đã xây dựng nhiều kịch bản nhằm ứng phó trong trường hợp có ca nghi nhiễm hoặc F0 trong NLĐ. Ông Ngô Văn Mân – Phó TGĐ Cao su Kon Tum, cho biết: “Tuy dịch chưa ảnh hưởng nhiều đến hoạt động SXKD, nhưng lãnh đạo công ty đã chuẩn bị nhiều phương án, kịch bản trong trường hợp dịch xuất hiện trên địa bàn có cao su đứng chân.
Theo đó, vẫn duy trì công việc khai thác mủ bằng cách tăng cường công tác cạo choàng, cạo bù nếu công nhân phải cách ly ở nhà, hoặc bị địa phương phong tỏa cục bộ. Đối với công tác vận chuyển mủ, tìm cách cho xe thu mủ đi đường vòng hoặc đề nghị công nhân vận chuyển bằng xe máy đến vị trí xe có thể lấy được mủ và tăng đơn giá tiền lương cho công nhân”.
Các công ty vẫn tập trung vào công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của NLĐ trong phòng chống dịch. Xây dựng kịch bản sẵn trong trường hợp có ca F0, hoặc F1 sẽ kích hoạt ngay lập tức. Điển hình như Cao su Mang Yang đã chỉ đạo Trung tâm y tế thành lập tổ phản ứng nhanh tiến hành test nhanh NLĐ có dấu hiệu nghi ngờ, người lạ đến liên hệ công tác, nhất là lực lượng lái xe chở mủ ra vào nhà máy thường xuyên.
Ông Trương Minh Tiến – TGĐ Cao su Mang Yang, cho biết: “Chúng tôi đã xây dựng nhiều kịch bản ứng phó, trong đó tập trung nhiều vào nhà máy chế biến mủ, bởi trong trường hợp có ca nghi nhiễm, nhà máy phải tạm ngưng sản xuất thì hết sức khó khăn cho công ty khi mỗi ngày khai thác trên 20 tấn và thu mua gần 10 tấn. Nên từng phương án nhỏ nhất, khó xảy ra chúng tôi đều tính đến và chấp nhận phương án “3 tại chỗ” với việc chia đôi lực lượng công nhân trong nhà máy, hoạt động 50% con người nhưng nhà máy vẫn đạt 100% công việc như ngày thường”.
Phát huy tối đa vai trò của người đứng đầu đơn vị
Phương án sản xuất tại các đơn vị trực thuộc trong Cao su Phú Riềng được xây dựng cho 4 cấp độ. Tùy theo tình hình thực tế, đơn vị bố trí sắp xếp lao động hợp lý vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch, vừa duy trì sản xuất, không bị đình trệ, giải quyết xử lý tốt công việc chuyên môn. Đặc biệt, không ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện sản lượng của công ty.
Ông Lê Tiến Vượng – TGĐ Cao su Phú Riềng, cho biết: “Giám đốc các đơn vị có phương án điều chỉnh, bổ sung kịp thời đối với công nhân khai thác, chăm sóc. Tổ chức cạo choàng, cạo thay cho những công nhân phải cách ly từ lực lượng lao động hiện có trong tổ, đơn vị đảm bảo thực hiện kịp thời và hiệu quả, quyết tâm phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ, không để công việc bị chậm trễ”.
Ở Cao su Đồng Phú, thực hiện nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế, Tổ trưởng sản xuất có trách nhiệm bố trí công nhân nhận dụng cụ và ra lô theo thứ tự, giữ khoảng cách theo quy định, kiểm tra công nhân thực hiện 5K. Khai thác mủ bình thường nhưng có phương án trong giờ giao nhận mủ, giờ điểm danh có thể linh hoạt cho hiệu quả, giờ chờ trút mủ không tập trung tại nhà tổ mà vào phần cây của mình để chờ.
Khi giao mủ cho xe thứ tự từng công nhân nhập, tổ trưởng đứng cách xa công nhân tối thiểu 2m, các vị trí khác cũng phải đảm bảo khoảng cách > 2m. Có thể thành lập nhóm nhập mủ theo từng ngày. Có phương án đánh đông tại nhà tổ nếu không nhập được về nhà máy. Phần cây của công nhân cách ly thì tổ trưởng điều động lực lượng CN trong tổ cạo choàng qua, nếu quá khả năng của tổ thì báo cáo giám đốc đơn vị điều động lao động và có chỉ đạo cụ thể, không để trống phần cây.
Thực hiện nghiêm phương án “1 cung đường 2 điểm đến”
Ở Cao su Dầu Tiếng, toàn bộ NLĐ đều thực hiện đúng cam kết làm việc trong điều kiện phòng chống dịch hiện nay. Thực hiện phương án “1 cung đường – 2 điểm đến”, đảm bảo đi về không ghé bất cứ nơi nào ngoài 2 địa điểm nhà ở và nơi sản xuất. Các phòng chuyên môn nghiệp vụ vẫn làm việc bình thường, theo phương án đã đăng ký.
Công ty đã thành lập và phân công cho 115 Tổ an toàn Covid có 513 thành viên vẫn thường xuyên kiểm tra NLĐ thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo của địa phương về phòng, chống dịch Coivid-19. Tất cả NLĐ bắt buộc đeo khẩu trang, khai báo y tế, quét mã QR trước khi vào đơn vị. Khi đến cơ quan làm việc phải đeo thẻ do công ty và NT cấp.
Còn tại Cao su Tây Ninh, với NLĐ gián tiếp, công ty bố trí đi làm luân phiên theo tuần, đảm bảo 50% làm việc trực tuyến và 50% trực tiếp. NLĐ sau thời gian làm việc trực tuyến, trước khi chuyển qua làm việc trực tiếp tại văn phòng phải có xét nghiệm Covid âm tính. Công nhân khai thác phải ký cam kết với NT thực hiện nghiêm phương án 1 cung đường 2 điểm đến.
Khu vực làm việc, nhà ăn, các chốt bảo vệ đều lắp camera quan sát để theo dõi, quản lý tình hình thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng dịch. Các điểm giao nhận mủ trang bị đầy đủ nước rửa tay, máy đo thân nhiệt, tổ trưởng chịu trách nhiệm quản lý, điều phối hoạt động giao nhận mủ đảm bảo không tập trung quá 10 người và giãn cách hơn 2m.
Tất cả công nhân trực tiếp được công ty trang bị kính chắn giọt bắn để đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Công ty quy định các NT bố trí, sắp xếp chế độ cạo, phần cây cạo để công nhân cạo mủ tại địa phương của mình, đảm bảo chỉ đi cạo phần cây trong huyện mà mình cư trú.
Đảm bảo “3 tại chỗ”
Thực hiện nghiêm các Chỉ thị của Chính phủ, văn bản chỉ đạo của các tỉnh và VRG, các đơn vị đã thực hiện “3 tại chỗ” nhằm ổn định sản xuất và bảo vệ sức khỏe, an toàn cho NLĐ trong toàn đơn vị. Để thực hiện tốt việc “3 tại chỗ”, các đơn vị đã huy động toàn bộ lực lượng để chuẩn bị từ cơ sở vật chất như việc tận dụng các phòng của khu tập thể, các phòng làm việc để cho NLĐ ở lại; trang bị thêm quạt máy, các nhu yếu phẩm… đến việc tuyên truyền, vận động, làm tốt công tác tư tưởng để công nhân an tâm công tác.
Với hơn 80 người đăng ký thực hiện “3 tại chỗ”, Nhà máy Chế biến Cua Paris, Cao su Phước Hòa đã bố trí thành 1 ca sản xuất để đảm bảo quy trình vận hành luôn được thông suốt. Do địa phương đã có văn bản tạm dừng việc khai thác mủ từ các hộ cao su tiểu điền nên công ty cũng đã ngừng việc thu mua mủ và tùy vào tình hình thực tế sản lượng mủ mà nhà máy chủ động trong việc sản xuất cho phù hợp.
Ông Thái Trần Quốc Cường – Quản đốc Nhà máy Chế biến Cua Paris, cho biết: “Sau 1 tháng thực hiện “3 tại chỗ”, NLĐ hiện vẫn an tâm công tác. Tuy nhiên phần đông mong muốn được một lần chạy về thăm gia đình xong rồi quay trở lại tiếp tục công việc, nhưng với việc thực hiện nghiêm “3 tại chỗ” nên Ban quản đốc Nhà máy thường xuyên tuyên truyền, vận động công nhân nên cố gắng ở lại để bảo đảm an toàn cho bản thân, gia đình và toàn đơn vị. Bản thân tôi đồng hành cùng công nhân trong suốt khoảng thời gian ấy”.
Để nhà máy thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, Cao su Phước Hòa đã thực hiện các chế độ, chính sách thêm cho NLĐ. Ngoài việc hỗ trợ 100% tiền ăn và sinh hoạt hàng ngày cho NLĐ, công ty thường xuyên tổ chức test nhanh, trang bị dung dịch sát khuẩn trong toàn đơn vị… Chính quyền và đoàn thể công ty đã kịp thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ tiền mặt, các nhu yếu phẩm trong sinh hoạt để NLĐ an tâm công tác.
Chia sẻ với những khó khăn của NLĐ ở lại thực hiện “3 tại chỗ”, Ban giám đốc và các tổ chức đoàn thể cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên. Đặc biệt, các cán bộ về hưu khi hay tin nhà máy thực hiện “3 tại chỗ” đã gửi trái cây, lương thực nhằm động viên thêm anh em. Qua đó, càng tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho NLĐ. Đến nay 100% NLĐ thực hiện “3 tại chỗ” đã được tiêm vaccine phòng Covid-19.
Cao su Đồng Phú hiện có 2 nhà máy, xí nghiệp chế biến thực hiện “3 tại chỗ” với hơn 200 CNLĐ. Ông Hồ Trình – Giám đốc Nhà máy chế biến Tân Lập, cho biết: “Việc ăn uống, sinh hoạt của NLĐ luôn được đặt lên hàng đầu. Đơn vị tổ chức nấu ăn để chăm lo bữa ăn hàng ngày và nguồn cung cấp thực phẩm cũng được theo dõi, quản lý kỹ để đảm bảo an toàn cho đơn vị. Ngoài thời gian làm việc thì công nhân còn hoạt động thể dục thể thao như bóng chuyền, bóng bàn, xe, tivi, đọc sách báo… để vừa tăng cường sức khỏe vừa đỡ nhớ nhà. Đơn vị thường xuyên tổ chức test nhanh cho toàn thể NLĐ ở lại để kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra”.
Tích cực hỗ trợ người lao động an tâm công tác
Đến hết tháng 7, Cao su Bình Long khai thác đạt 48% kế hoạch năm, tuy nhiên do ảnh hưởng dịch bệnh nên 664 công nhân khai thác trực tiếp trên vườn cây của NT Lợi Hưng, Quản Lợi và 1 phần của NT Trà Thanh phải ngừng việc tạm thời từ ngày 29/7 để truy vết.
Tuy nhiên, sau khi lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng tại hai địa bàn xã Tân Lợi, Tân Hưng thuộc huyện Hớn Quản, kết quả cho thấy tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Do đó, ngày 4/8, Chủ tịch UNBD huyện Hớn Quản đã có công văn cho phép các NT thuộc Cao su Bình Long hoạt động khai thác mủ trở lại từ ngày 5/8 trên cơ sở công ty phải tổ chức quản lý, hướng dẫn NLĐ tuân thủ nghiêm các quy định về công tác phòng chống dịch.
Tất cả NLĐ của các NT này khi đi làm trở lại đều được xét nghiệm âm tính. Các trường hợp F2 hết thời gian cách ly theo quy định, công ty đều thực hiện test nhanh trước khi đi làm. Ngày 29/7, công ty đã đưa khu cách ly tập trung tại thác số 4 với quy mô 40 giường vào hoạt động để cách ly các trường hợp do ảnh hưởng bởi Covid – 19 nhằm giảm tải cho các khu cách ly tập trung của địa phương.
Đứng chân trên địa bàn huyện Xuyên Mộc, trong tình hình dịch bệnh phức tạp, Đội sản xuất 2 và 5 của Cao su Hòa Bình phải tạm ngưng sản xuất từ ngày 21 – 24/7 theo chỉ đạo của địa phương.
Ngày 25/7, NLĐ của 2 đội đã đi làm trở lại bình thường, do đó công ty đảm bảo tiến độ sản lượng khai thác theo kế hoạch đề ra. Để thuận tiện trong vấn đề đi lại của NLĐ, công ty đã bố trí xe đưa đón 30 NLĐ di chuyển liên xã đến vườn cây làm việc và đảm bảo các quy định phòng chống dịch các cấp yêu cầu.
Hiện nay, NLĐ công ty chưa có ca nào nhiễm bệnh, tuy vậy lãnh đạo công ty quán triệt NLĐ và tuyên truyền đến gia thuộc nghiêm túc thực hiện thông điệp 5K… Đối với nhà máy chế biến, kể từ ngày 19/7, công ty đã tổ chức sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”, bố trí khu ăn ở, sinh hoạt hợp lý và đầy đủ cho 51 NLĐ. Tính tới ngày 8/8, công ty đã tổ chức xét nghiệm mẫu gộp cho NLĐ lần thứ 7 kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, NLĐ gián tiếp Cao su Bà Rịa đã tăng cường làm việc online tại nhà, hạn chế số người tập trung tại văn phòng. Công nhân khai thác vẫn làm việc bình thường và tuân thủ nguyên tắc 5K. Công nhân ngoài tỉnh làm việc tại NT được NT bố trí cho ở lại địa phương, gần nơi làm việc. Công ty hỗ trợ tiền thuê nhà cho khoảng 40 CN ở lại trong thời gian thực hiện giãn cách đi đôi với sản xuất.
Trong ngày 19 và 20/7, công ty đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện thực hiện test nhanh Covid-19 theo quy định của địa phương cho 1.100 công nhân lao động trực tiếp và quản lý phụ trợ của các NT. Tính đến nay, tình hình SXKD của công ty vẫn ổn định, an toàn trong tình hình dịch bệnh còn phức tạp.
Trong thời gian tới, mặc dù còn nhiều khó khăn thách thức, nhưng với sự linh hoạt, chủ động nhiều kịch bản ứng phó điều hành sản xuất, bám sát diễn biến của dịch bệnh theo mức độ ưu tiên trong thực hiện “mục tiêu kép”, cùng với niềm tin, sự đoàn kết và trách nhiệm của tập thể và cá nhân, các đơn vị sẽ tổ chức công tác phòng chống dịch bệnh hiệu quả, duy trì ổn định sản xuất, đảm bảo việc làm và thu nhập cho NLĐ, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.
NHÓM PV – CTV ĐỨC THUẬN
Related posts:
- Ban Chấp hành của Nền tảng toàn cầu về cao su thiên nhiên bền vững đã bắt đầu hoạt động
- Đón đọc Tạp chí Cao su Việt Nam Xuân Nhâm Dần 2022
- VRG thực hiện tốt quy chế phối hợp, hợp tác với tỉnh Bình Phước
- Công ty CPCS Bà Rịa: Thực hiện tốt phương án quản lý rừng bền vững
- Triệt để tiết giảm chi phí
- Vinh danh 261 Công nhân Cao su Việt Nam ưu tú
- Phát động phong trào Luyện tay nghề - Thi thợ giỏi
- Công đoàn tổ 5 – Nông trường Bờ Ngoong (Cao su Mang Yang): Chú trọng bữa ăn ca cho Đoàn viên
- VRG muốn hợp tác phát triển kinh tế với TP HCM
- Cao su Dầu Tiếng sáp nhập phòng thi đua vào phòng tổ chức