Hưởng “lộc trời” ở thủ phủ hồ tiêu

CSVN – Từng được mệnh danh là thủ phủ hồ tiêu, nhưng người dân ở huyện Chư Sê cũng có lúc khánh kiệt vì tiêu chết, tiêu mất giá. Nợ nần chồng chất, tha phương khắp nơi để mưu sinh. Ngày nay, người dân ở đây đã có nhiều thay đổi khi chuyển đổi mô hình kinh tế sang nuôi chim yến và trồng cây ăn quả.

Một nhà yến đang hoạt động của người dân
Tiềm năng từ “lộc trời chim yến”

Thực ra, nghề nuôi chim yến đã có ở các huyện phía Nam của tỉnh Gia Lai như Ayun Pa, Phú Thiện…từ hàng chục năm nay, và đã khẳng định được sự thành công. Tuy nhiên, với bà con ở huyện Chư Sê thì đây là một nghề cứu cánh cho không ít hộ nông dân đã từng đổ nợ vì cây hồ tiêu. Chị Mai Thị Kim Tính ở tổ dân phố 3, thị trấn Chư Sê là một hộ kinh doanh một số mặt hàng phục vụ việc sản xuất cây trồng nông nghiệp cho nhà nông. Gia đình chị đã phải lao đao khi căn bệnh “ung thư hồ tiêu” tấn công hàng loạt diện tích hồ tiêu của bà con.

Chị Kim Tính cho hay: “Trong lúc hoang mang vì hồ tiêu chết hàng loạt, tôi nhờ một người bạn đang nuôi chim yến tư vấn để hiểu về loài chim yến. Trăn trở một thời gian, tôi cùng chồng đã quyết định xây căn nhà yến đầu tiên vào năm 2018. Sau nhiều tháng vừa làm vừa học hỏi, nhà yến của chúng tôi cũng thu hút được nhiều cặp chim về làm tổ. Đây là khởi đầu tốt đẹp, đồng thời là động lực để tôi mạnh dạn phát triển thêm căn thứ 2 và thứ 3 sau nhiều năm vất vả.”

Chúng tôi tìm đến gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Tâm, người từng làm Giám đốc Nông trường Ia H’lốp – Cao su Chư Sê để hiểu rõ hơn về nghề nuôi chim yến và kinh doanh lĩnh vực yến sào. Đãi khách bằng một chén yến sào chưng nóng pha chút thuốc bắc, chị Tâm chia sẻ: “Chị đến với nghề nuôi yến hết sức tình cờ, nhiều lần đi làm về, khi ra khỏi cơ quan thấy yến bay liệng đầy bầu trời nơi mình công tác. Chợt nghĩ, tại sao mình không xây thử một căn nhà cho yến đến ở.

Thế rồi chị xây một ngôi nhà 2 tầng với diện tích hơn 100m2 thôi, đâu nghĩ vài năm sau yến đến ở nhiều như bây giờ”.

Sản phẩm yến sau thu hoạch
Cây ăn trái thay “vàng đen”

Chị Nguyễn Thị Tính từng là một tổ trưởng khai thác của Nông trường Ia H’lốp – Cao su Chư Sê. Cách đây chừng 7 năm chị xin nghỉ hưu trước tuổi do không còn sức khỏe để làm việc. Khi về nhà, chị tập trung điều trị bệnh tật và chăm sóc gần 5ha cà phê với hồ tiêu, thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Sau khi hồ tiêu lên đỉnh vào những năm 2014 – 2015, đạt từ 200 – 220 ngàn/ký thì cũng là lúc tiêu bắt đầu vàng lá, thối rễ chết hàng loạt. Một căn bệnh được ví như “ung thư” của hồ tiêu, nó đã khai tử hàng ngàn hecta ở huyện Chư Sê, Chư Pưh.

Thế rồi, được sự khuyến cáo và hướng dẫn của chính quyền, của ngành nông nghiệp, được ngân hàng tạo điều kiện, người trồng tiêu ở đây bắt đầu công cuộc chuyển đổi. Những vườn hồ tiêu một thời dần được thay thế hoặc trồng xen với cây ăn quả, cây dược liệu hoặc những trang trại chăn nuôi. Màu xanh của mít, của bơ, của sầu riêng, của chanh dây… đã phủ lên những vườn hồ tiêu khô cháy. Cuộc sống của người trồng tiêu ở Chư Sê dần trở lại bình thường khi những vườn cây ăn quả đã cho thu hoạch, nợ dần được trả, con em lại được đến trường.

Thu hoạch yến sào tại cơ sở của chị Kim Tính

Cũng lao đao vì hồ tiêu, nhưng chị Tính vẫn có thể xoay sở được. Hơn 2ha hồ tiêu không thể cứu được, chị quyết định chuyển sang trồng sầu riêng và củng cố gần 3ha cà phê. Chị Tính cho hay:

“Sau hơn 3 năm chuyển đổi cây trồng từ hồ tiêu sang sầu riêng, năm 2021 gia đình tôi đã thu bói được khoảng 5 tấn, thương lái đến mua tận vườn với giá 40 ngàn đồng/ký. Năm 2022, dự kiến tôi có thể thu về chừng 25 tấn”.

VĂN VĨNH