Một “mùa vàng” bội thu

CSVN – Hội thi Bàn tay vàng thu hoạch mủ lần thứ XII được lãnh đạo VRG đánh giá là một trong những thành tựu nổi bật trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2020. Thợ giỏi tham gia hội thi đã có một “mùa vàng” bội thu.

Các bàn tay vàng đoạt giải cao sau Hội thi gặp nhau chia sẻ niềm vui. Ảnh: Vũ Phong.
Mùa hội thi “được” rất nhiều của các thợ giỏi

Nhìn lại thành công của hội thi lần thứ XII đã minh chứng cho phong trào Luyện tay nghề – Thi thợ giỏi của VRG ngày càng phát triển mạnh và tay nghề của NLĐ được nâng cao. Trải qua lần nhiều lần tổ chức nhưng có lẽ Hội thi BTV năm 2020 đã để lại một dấu ấn sâu sắc trong lòng mỗi người tham dự bởi những điều tưởng chừng bình thường nhưng trong ngày hội lớn trở thành nét đẹp không thể quên. 

Hội thi được tổ chức trong một hoàn cảnh rất “đặc biệt” khi cả nước một lần nữa tái khởi động “đỏ” công tác phòng chống dịch bệnh Covid – 19. Vì vậy, Ban tổ chức hội thi đã quán triệt các đoàn về tham dự nghiêm túc thực hiện đeo khẩu trang và giữ khoảng cách trong suốt thời gian diễn ra hội thi. 

Đây cũng là thời điểm toàn VRG ra sức thi đua lao động sản xuất để hoàn thành vượt mức chỉ tiêu nhiệm vụ được giao. Có thể nói, không khí những ngày cuối năm vốn đã rộn ràng trên khắp nông trường, nhà máy thì tại tỉnh Bình Phước những ngày diễn ra hội thi càng “nóng” hơn bao giờ hết khi 205 thợ giỏi của 43 đơn vị trong và ngoài ngành đã tề tựu để tranh tài trong ngày hội lớn.

Hội thi là một nét đẹp văn hóa truyền thống của ngành cao su và được lãnh đạo Bộ NN & PTNT, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá cao bởi ý nghĩa hội thi mang lại. Năm 2020, do dịch bệnh Covid – 19 nên hội thi không được đón các đoàn thợ giỏi ở khu vực Lào và Campuchia về tham dự. Thế nhưng, lãnh đạo VRG và Công đoàn CSVN đã quyết định trao thưởng xứng đáng cho những thợ giỏi xuất sắc ở hai khu vực này. Việc làm này thể hiện sự quan tâm, đồng hành của VRG luôn hướng về các đơn vị ở xa và NLĐ. Các thợ giỏi ở xa không về tham dự được rất ấm lòng trước tình cảm quý báu này.

Sau giờ thi.

Theo dõi hội thi xuyên suốt trong 4 ngày tại Bình Phước, chắc hẳn rằng cá nhân của mỗi người, không chỉ là thợ giỏi và thành viên Ban tổ chức, Ban giám khảo và thành viên các đoàn về tham dự đã kịp góp nhặt những hình ảnh đẹp bên lề hội thi. Những hình ảnh đó sẽ là câu chuyện đáng nhớ được nhắc đến trong chặng đường lịch sử của Hội thi BTV từ nay về sau. 

Chắc hẳn đoàn thợ giỏi Cao su Sơn La sẽ không thể nào quên một chuyến đi gian nan từ đơn vị để đến với trường thi phải trải qua 4 lần thay đổi phương tiện bởi hư xe dọc đường. Chắc hẳn đoàn của Cao su Điện Biên cũng không quên được tình cảm nồng ấm của đơn vị chủ nhà và các đoàn khác dành cho đơn vị của mình. 

Dịch bệnh Covid – 19 đã hạn chế những cái bắt tay nhau, mọi người có thể nhận ra nhau qua lớp khẩu trang chậm một chút nhưng những điều đó không làm giảm đi sự quan tâm ân cần, thăm hỏi nhau về sức khỏe, về công việc và về những phần thi của nhau.

Thí sinh diễu hành vào lễ đài. Ảnh: Vũ Phong

Những chai nước tiếp sức kịp thời, những lời nhắc nhau thời gian “nước rút” trên đường chạy đua tăng tốc về đích, cùng nhau chia sẻ ổ bánh mì, cái bánh chưng… làm tăng thêm tình cảm giữa các thành viên trong đoàn và thợ giỏi các đơn vị với nhau. Bởi từ trước đến nay, họ có thể biết hay chưa biết nhau thì chỉ cần nhìn thấy màu áo xanh là như người trong một nhà rồi. 

205 thợ giỏi tham gia nhưng giải thưởng và thứ hạng có giới hạn về số lượng. Dù đạt giải hay chưa đạt giải trong hội thi lần này nhưng các thợ giỏi đã chiến thắng chính mình. Vì để được một tấm vé đến với hội thi cấp ngành không phải ai cũng có được. Đó không phải là kết quả trong một thời gian ngắn mà là kết tinh của kinh nghiệm làm việc, là sự chú ý, quan sát học hỏi và tỉ mĩ trong thời gian dài cống hiến. Nhờ đó, ai cũng biết rằng không phải công việc gì, thành công nào cũng đến dễ dàng, mà là cả tâm huyết, hăng say lao động và cống hiến. 

Hội thi và các thợ giỏi đã có một “mùa vàng” bội thu khi năm 2020 là năm đầu tiên Ban tổ chức phải quyết định nâng số lượng giải thưởng bởi kết quả rất tốt của các thí sinh. Chưa khi nào mà Hội thi BTV lại có nhiều danh hiệu BTV và Kiện tướng như hội thi lần thứ XII vừa qua.

35 BTV, 63 Kiện tướng và nhiều giải thưởng phụ khác với tổng giá trị tiền khen thưởng hơn 1 tỷ đồng. Quay trở lại hoàn cảnh diễn ra hội thi thì dễ thấy được dù được tổ chức trong điều kiện rất khó khăn nhưng chất lượng hội thi được đảm bảo tốt, điểm bình quân chung về kỹ thuật, lý thuyết, dụng cụ đều cao hơn hội thi năm 2018. Điểm đồng đội của các đoàn bám sát nhau từng chút một. 

Các thợ giỏi lần đầu tiên dự thi của Cao su Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu 2… còn bội thu thêm những kinh nghiệm tại đấu trường lớn. Và trên hết, thợ giỏi tham gia hội thi đều có dịp thắt chặt, gắn kết thêm tình bạn, tình đồng chí, đồng đội trong ngôi nhà chung VRG.

Bàn tay vàng đón một cái Tết “to”

Khi chúng tôi viết bài viết này, các thợ giỏi, BTV, Kiện tướng và cả tập thể NLĐ vẫn đang trong guồng quay của công việc những ngày cuối năm. Bởi ngành cao su là một ngành đặc thù, càng về cuối năm lại càng phải tranh thủ từng phút từng giờ một để làm sao thực hiện sản lượng tốt. Do đó, họ vẫn chưa chuẩn bị Tết gì nhiều.

Tuy nhiên, qua “thăm dò”, chúng tôi được nhiều BTV, Kiện tướng và thợ giỏi “bỏ nhỏ” về những dự định trong năm mới và về việc chuẩn bị cho một cái Tết Nguyên đán 2021 thật tươm tất như một phần thưởng cho những nỗ lực vượt khó trong năm 2020.

Lê Đình Cường giành giải nhất. Ảnh: Vũ Phong

Bàn tay vàng Bồ Thị Như Ngọc – Cao su Đồng Nai lần đầu tiên tham dự hội thi cấp ngành đã xuất sắc đạt điểm tuyệt đối. Sau hội thi, chị trở về đơn vị để cùng với đồng nghiệp thi đua “chạy” sản lượng cuối năm để góp phần cho Nông trường Ông Quế hoàn thành kế hoạch sản lượng. Ngoài mức công ty hỗ trợ 15 triệu đồng/tháng cho thí sinh tham gia hội thi thì tháng 12 chị còn kịp nhận về cho mình hơn 21 triệu đồng thu nhập.

Song song đó là mức thưởng “nóng” 30 triệu đồng cho danh hiệu BTV của công ty thưởng, chị đã “rinh” một chiếc xe mới trước Tết, đây là quà chị tự thưởng cho bản thân sau một năm làm việc vất vả. Số tiền còn lại, một phần chị dành sắm sửa trang hoàng nhà cửa đón Tết và một phần để tiết kiệm đến khi có những dự định lớn của gia đình.

Cũng như chị Ngọc, anh Đỗ Văn Hùng đạt danh hiệu Kiện tướng, anh đã có lời mời chúng tôi về ăn Tết cùng gia đình khi hứa hẹn chắc nịch là năm nay ăn Tết rất to bởi gia đình chúc mừng thành quả lớn trong hội thi.

Sau hội thi, Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng đã thưởng cho Ban huấn luyện và đội thợ giỏi đi Vũng Tàu và thưởng mức tiền cho các cá nhân ngang với mức thưởng của VRG. Đây là sự biểu dương kịp thời cho đội thợ giỏi nói chung và cá nhân chị Lê Thị Thương – giải nhì hội thi nói riêng. Chia sẻ về dự định đón xuân mới chị nói:  “Năm nay chắc chắn gia đình tôi sẽ ăn Tết rất to vì có nhiều niềm vui, mừng một năm 2020 thành công và đón năm mới với nhiều hy vọng sẽ khởi sắc”.

Giải nhất hội thi Lê Đình Cường được Đảng ủy, chính quyền, công đoàn, đoàn thanh niên Công ty Cao su Dầu Tiếng thưởng 50 triệu đồng. Mức thưởng dành cho cá nhân đạt giải cao nhất tại hội thi cùng với mức thưởng Tết năm 2021 chắc chắn sẽ giúp gia đình anh đón một mùa xuân mới rộn ràng, nhiều niềm vui.

Vậy là một mùa xuân mới đã đến gõ cửa từng gia đình, cũng như bao người dân trên đất nước Việt Nam, NLĐ ngành cao su, đặc biệt là NLĐ trực tiếp trên vườn cây, nhà máy đều đón chào năm mới với niềm tin hy vọng mới, tích cực và lạc quan hơn.

Tất cả đều chung ước mong giá cao su sẽ tăng giá để đời sống càng ngày càng được nâng cao hơn, công nhân giàu – công ty mạnh, ngành cao su phát triển vững bền. Riêng với thợ giỏi, BTV và Kiện tướng năm 2020 luôn tự nhắc bản thân mình tiếp tục phấn đấu nỗ lực trong mỗi công việc và rèn luyện để xứng đáng với danh hiệu được nhận. và hẹn có cơ hội sẽ gặp lại nhau tại Cao su Dầu Tiếng để cùng tranh tài trong Hội thi BTV lần thứ XIII, năm 2022.

QUỲNH MAI