Sử dụng linh hoạt nguồn nhân lực để phát triển bền vững

CSVN – Một trong những vấn đề then chốt để các đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trong thời gian qua là sự chủ động, linh hoạt trong điều hành quản lý cũng như sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực.

Trong thời gian tới, Cao su Bình Long đưa ra mục tiêu phấn đấu tỷ lệ lao động gián tiếp sẽ giảm xuống còn 8,5%. Trong ảnh: TGĐ công ty Lê Văn Vui trao thưởng cho NLĐ
Phấn đấu giảm lao động gián tiếp

Với tư cách là một trong những chức năng cơ bản của quản trị tổ chức, quản trị nguồn nhân lực bao gồm việc hoạch định, tổ chức, chỉ huy và kiểm soát các hoạt động nhằm thu hút, sử dụng và phát triển con người để đạt được các mục tiêu của doanh nghiệp.

Trong những năm qua, Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long là một trong những đơn vị trực thuộc VRG triệt để thực hiện việc định hướng phát triển ổn định lâu dài về mặt con người. Trong đó tập trung chú trọng quan tâm đến vấn đề quy hoạch đào tạo cán bộ kế thừa trẻ đáp ứng được yêu cầu đổi mới trong giai đoạn hiện nay.

Ông Lê Văn Vui – TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long chia sẻ: “Phải nói rằng đội ngũ cán bộ quản lý của công ty hiện nay rất đạt yêu cầu, đáp ứng tốt mọi nhiệm vụ được giao, đáp ứng được xu thế hội nhập”. Cũng theo ông Lê Văn Vui, năm 2014, lực lượng lao động gián tiếp chiếm gần 10%/tổng số NLĐ toàn công ty. Qua quá trình sắp xếp định biên lại bộ máy tổ chức, đến nay tỷ lệ lao động gián tiếp chỉ còn dưới 9%.

“Định hướng trong thời gian tới, chúng tôi đưa ra mục tiêu phấn đấu tỷ lệ lao động gián tiếp sẽ giảm xuống còn 8,5%. Với tỷ lệ đó vẫn đảm bảo được hiệu quả SXKD đồng thời sẽ nâng cao hơn nữa thu nhập cho NLĐ”, ông Lê Văn Vui nhấn mạnh.

Tại Tổng Công ty Cao su Đồng Nai, trước đây có 13 nông trường, 13 phòng ban, sau đó để nâng dần hiệu quả hoạt động nên ban lãnh đạo công ty đã sắp xếp lại còn 10 nông trường.

Ông Đỗ Minh Tuấn – TGĐ Tổng Công ty cho biết: “Hiện nay, Cao su Đồng Nai đang thực hiện đề án định biên nhân sự, giảm từ 13,5% xuống còn 9%, phấn đấu giảm xuống còn 8% để tinh giản bộ máy quản lý. Đề án này sẽ thực hiện xong vào năm 2021 và có hiệu quả trong việc sử dụng lao động quản lý”.

Mục tiêu trong 5 năm tới, doanh thu cao su của Cao su Đồng Nai chỉ còn khoảng 45%, còn lại là ngành nghề khác. Theo đó nhu cầu về nhân lực cần phải có sự thay đổi lớn, không chỉ ở mảng lao động trực tiếp mà lao động quản lý, dịch vụ, phụ trợ, quản lý cấp cao cũng phải có những điều chỉnh để phù hợp.

Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng là đơn vị có nhiều năm liền giữ vững danh hiệu trong Câu lạc bộ 2 tấn/ha của VRG. Hiện nay, tất cả các nông trường trực thuộc công ty đều đạt năng suất vườn cây trên 2 tấn/ha. Điều đó khẳng định sự linh hoạt trong quản lý điều hành của HĐTV, Ban TGĐ công ty, cũng như việc sử dụng hợp lý lực lượng lao động.

Đơn cử như tại cơ sở Nông trường 1, với tổng diện tích 1.300 ha, hiện nay NT này đang quản lý 261 lao động, trong đó tỷ lệ lao động gián tiếp chỉ có 6,46%, số còn lại là công nhân khai thác, chăm sóc và lực lượng bảo vệ.

Ông Trịnh Đình Yên – Giám đốc Nông trường 1, Cao su Phú Riềng chia sẻ: “Nhờ sự linh hoạt trong điều hành quản lý cũng như phân bổ phần cây phù hợp với năng lực của từng công nhân khai thác, nên nhiều năm liền, chúng tôi luôn hoàn thành vượt mức kế hoạch công ty giao. Trong đó có những tổ đạt năng suất rất cao, cụ thể là Tổ 6 đạt năng suất cao nhất với 14,5 tấn/người/năm, năng suất vườn cây đạt 3,3 tấn/ha/năm.

Cao su Đồng Nai chú trọng lực lượng cán bộ trẻ và nữ. Trong ảnh: Đại biểu bỏ phiếu tại Đại hội Đảng bộ TCT lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Ảnh: Vũ Phong
Nhiều giải pháp áp dụng hiệu quả

Chia sẻ về các giải pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực, TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long Lê Văn Vui cho rằng: “Đây là lĩnh vực mang tính chất lâu dài không thể ngày một, ngày hai làm được. Trước mắt, chúng tôi định biên từng khu vực, từng bộ phận, từng cấp quản lý, từ đó đưa ra định hướng ngắn và dài hạn.

Trong đó đặc biệt quan tâm tới chế độ tuyển dụng nhân tài; thứ hai là sắp xếp lại công việc hợp lý cho từng cán bộ, nhân viên ở từng khâu, từng vị trí và từng nơi; thứ ba là, sau khi đã định hình, định biên chúng tôi thực hiện các giải pháp để các cá nhân phát huy hết khả năng của của mình trong từng khâu, từng vị trí nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp”.

Đối với Tổng Công ty Cao su Đồng Nai, trong sơ đồ quy hoạch nhân sự, TCT ưu tiên lực lượng cán bộ trẻ và nữ. Đồng thời, tạo điều kiện để các tài năng trẻ tham gia nhanh trong công tác quản lý. Đối với nhân sự trong công tác nông nghiệp, TCT đặt trọng tâm lớn vì đây là công việc đặc thù nên yêu cầu cán bộ kỹ thuật phải gắn bó xuyên suốt các nông trường, dự án công ty con trong và ngoài nước.

“Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, chúng tôi đào tạo bổ sung lực lượng này. Và để thu hút được nhân tài, chúng tôi sẽ tạo môi trường làm việc tốt khi đến làm việc, không chỉ đãi ngộ về tiền lương thu nhập, mà còn nhiều vấn đề khác như: động lực làm việc, môi trường thăng tiến để người lao động có tâm huyết và trách nhiệm với công việc…”, ông Đỗ Minh Tuấn – TGĐ TCT Cao su Đồng Nai chia sẻ.

Cũng theo ông Đỗ Minh Tuấn, công tác tổ chức nhân sự rất quan trọng, vì yêu cầu phát triển doanh nghiệp không cho phép dư thừa, nên phải rà soát  để tiết giảm chi phí nâng cao hiệu quả hoạt động. Bên cạnh việc sắp xếp tổ chức, cần rà soát rõ ràng về nhân sự. Trước đây có nhiều vị trí chuyên trách, nhưng hiện nay lãnh đạo Cao su Đồng Nai đã phân công sự kiêm nhiệm, để chức năng này hòa nhập tốt hơn với các chức năng khác.

Đồng quan điểm với ông Đỗ Minh Tuấn, TGĐ Cao su Bình Long Lê Văn Vui một lần nữa khẳng định: “Chúng tôi thấy giải pháp bố trí cán bộ làm công tác kiêm nhiệm trong bất kỳ giai đoạn nào cũng rất phù hợp với đơn vị làm kinh tế. Việc kiêm nhiệm không chỉ trong tất cả các mặt hoạt động chuyên môn với các tổ chức đoàn thể, hội mà còn kiêm nhiệm trong các chức danh từ Đảng cho đến chính quyền. Đây  là định hướng đúng và qua quá trình hoạt động tôi thấy các cá nhân đảm nhiệm các công việc được giao đều thực hiện tốt”.

Và để thực hiện tốt chế độ kiêm nhiệm này ngoài trách nhiệm, nghĩa vụ công việc thì phải gắn chặt quyền lợi của người lao động được thụ hưởng nhằm tạo động lực, sự phấn khởi, sự hưng phấn trong lao động.

NGUYỄN CƯỜNG