Xuất sắc vượt sản lượng

CSVN – Năm 2020 đi qua để lại nhiều dấu ấn đáng nhớ, trong đó khó khăn nhiều hơn thuận lợi. Tuy nhiên, nhiều đơn vị đã nỗ lực vượt khó, hoàn thành xuất sắc công tác khai thác sản lượng.

Ông Huỳnh Văn Bảo – TGĐ VRG trao tiền thưởng cho Cao su Chư Mom Ray hoàn thành sản lượng trước 17 ngày
Các đơn vị Tây Nguyên: Một năm thắng lợi

Mở đầu năm 2020 bằng sự bùng phát của dịch Covid -19, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc SXKD, nhất là giao thương bị ách tắc, đình trệ vì hàng hóa không lưu thông, vì thế tiêu thụ mủ cao su cũng gặp khó khăn, tác động lớn đến đời sống người lao động. Tiếp đến, hạn hán kéo dài làm nhiều công ty phải mở miệng cạo muộn hơn gần 2 tháng so với cùng kỳ năm trước. Điển hình như tại Nông trường An Biên của Cao su Chư Prông phải đến cuối tháng 7 mới có thể khai thác được, các công ty như Chư Mom Ray, Sa Thầy đều phải chờ mưa đến cuối tháng 5, đầu tháng 6 mới bắt đầu thu mủ.

Giá mủ thấp khiến lao động có sự dịch chuyển, tạo ra những khó khăn nhất định trong việc ổn định phần cây và chế độ cạo, lao động mới chiếm tỷ lệ cao trong khi lao động có tay nghề ít dần, điều này làm cho năng suất vườn cây cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Trước những khó khăn đó, lãnh đạo các công ty Tây Nguyên đã chủ động ứng phó và linh hoạt trong điều hành sản xuất. Nhiều giải pháp được đưa ra như chuyển chế độ cạo từ D3 sang D4, thậm chí là D5 do nguồn lao động không ổn định, linh hoạt với thời gian cạo để phù hợp với điều kiện thời tiết bất thường của mưa bão. Cùng với đó là việc chủ động phun phòng phấn trắng, trang bị vật tư cho vườn cây đầy đủ và phát động nhiều phong trào thi đua để khích lệ tinh thần công nhân hăng say lao động sản xuất. Chính vì thế, hầu hết các công ty đều hoàn thành sản lượng giao trước thời hạn như Cao su Chư Sê hoàn thành trước 22 ngày, Cao su Chư Prông, Ea H’leo hoàn thành sớm 15 ngày, Cao su Chư Păh, Chư Mom Ray trên 10 ngày và đặc biệt là Cao su Mang Yang về đích sớm 50 ngày.

Hầu hết các đơn vị trên địa bàn Tây Nguyên là những công ty thuộc diện trung bình của VRG, năng suất và sản lượng chưa cao, diện tích dưới 10 ngàn ha. Nhưng vài năm trở lại đây đã tạo được sự chú ý trong toàn ngành về việc thường xuyên hoàn thành vượt sản lượng nhiều ngày như Cao su Kon Tum, Cao su Ea H’leo.

Nhiều năm liền chỉ biết đến hoàn thành kế hoạch, năm 2020 Cao su Mang Yang trở thành điểm sáng về khai thác sản lượng khi hoàn thành kế hoạch VRG giao trước 50 ngày và là đơn vị về đích sớm nhất VRG, ngoài ra Cao su Chư Sê cũng có sự bứt phá mạnh mẽ khi hoàn thành sản lượng giao sớm 22 ngày.

Cũng với việc hoàn thành sản lượng giao trước nhiều ngày, khu vực Tây Nguyên cũng tạo dấu ấn bởi liên tục có nông trường tham gia vào CLB 2 tấn/ha, tổ 3 tấn/ha của VRG. Tiêu biểu trong số này là Cao su Kon Tum có 8/11 nông trường đạt năng suất từ 1,8 tấn trở lên, có 4 tổ năng suất từ 3 tấn/ha trở lên, chiếm 50% số tổ 3 tấn/ha trong toàn ngành. Cao su Ea H’leo góp một nông trường, trong khi đó năm 2020 ghi nhận thêm 2 nông trường của Cao su Chư Prông đạt năng suất từ 1,8 tấn/ha trở lên, Cao su Chư Mom Ray cũng có nông trường đầu tiên tham gia CLB 2 tấn/ha sau 4 năm đưa vào khai thác. Theo dự kiến, một vài năm tới 2 công ty “sinh sau đẻ muộn” là Sa Thầy và Chư Mom Ray sẽ đạt 100% số nông trường có năng suất 2 tấn/ha trở lên. Đây chính là những điểm sáng rất đáng chú ý trên địa bàn Tây Nguyên.

Cao su Phú Riềng tiếp tục là một trong các đơn vị dẫn đầu về năng suất, sản lượng. Ảnh: Vũ Phong.
Giữ vững nhịp độ tăng trưởng năng suất, sản lượng

Năm 2020, Công ty TNHH MTV Cao su Nam Giang – Quảng Nam khai thác 1.207 ha cao su và phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức do bão lũ làm thiệt hại vườn cây, dịch bệnh Covid-19… Toàn thể NLĐ công ty đã nỗ lực vượt khó để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, giữ vững nhịp độ tăng trưởng năng suất, ổn định môi trường SXKD. Công ty về trước kế hoạch sản lượng 20 ngày, trong đó NT Trà My về trước kế hoạch 30 ngày. Năm 2020, công ty khai thác 1.160 tấn (vượt 5,5% kế hoạch), đạt tổng doanh thu hơn 37,2 tỷ đồng (đạt 100% KH); lợi nhuận sau thuế 111,5 triệu đồng (vượt 5,51% KH); nộp ngân sách Nhà nước 330 triệu đồng (đạt 100% KH). Qua đó đảm bảo tiền lương bình quân trên 4,5 triệu đồng/tháng/người.

Ông Nguyễn Duy Linh – TGĐ Cao su Chư Sê Kampong Thom, cho biết: Năm 2020, tổng diện tích vườn cây khai thác của công ty là 11.279,38/16.268,68 ha (chiếm 69,33%). Tổng sản lượng được Tập đoàn giao là 17.650 tấn, năng suất bình quân 1,56 tấn/ha. Dự kiến tổng sản lượng công ty đạt được trong năm 2020 là 18.750 tấn (vượt 106% so với KH), năng suất bình quân đạt 1,66 tấn/ha, về trước kế hoạch 15 ngày (trong đó: Công ty con CRCK2 về trước 20 ngày, Công ty con BEAN HEACK về trước 15 ngày).

Trong năm 2020, Công ty con CRCK2 đạt tiêu chuẩn CLB 2 tấn/ha. Trong đó, công ty có 2 nông trường đạt tiêu chuẩn CLB 2 tấn/ha tại Campuchia là Nông trường cao su số 1 (2,07 tấn/ha) và Nông trường cao su số 6 (1,8 tấn/ha); 2 tổ đạt tiêu chuẩn CLB 2 tấn/ha là Tổ khai thác số 1 – NT1 (2,5 tấn/ha) và Tổ khai thác số 8 – NT1 (2,5 tấn/ha). Với vườn cây sinh trưởng, phát triển đồng đều và sạch bệnh, với phương châm phát triển và duy trì năng suất và sản lượng bền vững, công ty chú trọng đặc biệt vào công tác quản lý kỹ thuật trên vườn cây. Xây dựng hệ thống mạng lưới quản lý kỹ thuật từ công ty đến nông trường và tổ. Tay nghề công nhân ngày càng ổn định và chất lượng được nâng cao, tỷ lệ công nhân khá, giỏi chiếm trên 97%.

Dự kiến hết năm 2020, Cao su Phú Riềng khai thác 25.700 tấn mủ (vượt 8,8% kế hoạch), vượt trên 2.000 tấn. Công ty về trước KH sản lượng 20 ngày. Đây là năm thứ 14 liên tiếp công ty nằm trong CLB   2 tấn của VRG. Toàn công ty có 11/13 NT đạt năng suất trên 2 tấn/ha, năng suất vườn cây đạt 2,24 tấn/ ha. Thu mua trên 9.500 tấn (vượt 18,8% KH). Tổng sản lượng tiêu thụ cả năm trên 34.500 tấn; giá bán bình quân cả năm dự kiến trên 32,8 triệu đồng/tấn; giá thành dưới 29,5 triệu đồng/tấn.

Trong điều kiện rất khó khăn về thanh lý vườn cây nhưng công ty vẫn hoàn thành được kế hoạch tái canh với tổng diện tích là 1.350,49 ha. Chất lượng vườn cây tốt, tỷ lệ sống và sinh trưởng 3 tầng lá trở lên đạt 100%, trong đó cây 4 – 5 tầng lá đạt trên 80%, vườn cây được định hình ngay trong năm đầu.

Công tác quản lý luôn được đổi mới, có chiều sâu; ứng dụng có hiệu quả hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO 9001 và 14001, năm 2020 công ty tiếp tục được VCCI cấp chứng nhận là Doanh nghiệp phát triển bền vững.

Đặc biệt năm 2020, công ty đã nỗ lực triển khai thực hiện chương trình phát triển rừng cao su bền vững, thực hiện chỉ rừng và chuỗi hành trình sản phẩm theo Hệ thống Chứng chỉ rừng quốc gia (PEFC/ VFCS – CoC), đã được tổ chức chứng nhận Quốc tế GFA đánh giá và cấp chứng chỉ thêm 2 NT. Đến hết năm 2020, công ty đã có 4 NT được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững là NT 3, NT 6, NT9 và NT Phú Riềng Đỏ.

VĂN VĨNH – NGỌC CẨM