Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chế biến mủ cao su

A. CHẾ BIẾN MỦ SVR 3L VÀ SVR 10,20

I. CHẾ BIẾN MỦ SVR 3L:

1. Hiện trạng

Hiện nay, các công ty chế biến sản phẩm SVR 3L hầu hết đều đạt các chỉ tiêu theo TCVN 3769:2004 với tỷ lệ trên 95%. Tuy nhiên, chỉ tiêu màu Lovibond theo ngoại quan từ 4,5-6 là màu sậm (trong TCVN 3769:2004, chỉ tiêu màu từ 2-6), điều này thường ảnh hưởng tới thị hiếu khách hàng.

2. Nguyên nhân

Màu sậm do nhiều nguyên nhân gây ra, thường là do giống cây, đánh đông, gia công cơ học, quá trình sấy và đặc biệt là do serum không rửa được hết. Hiện nay, việc sẫm màu thường do bọt serum còn giữ lại trong hồ cốm quá nhiều nên bọt sẽ theo hạt cốm cao su vào thùng sấy trolley. Sau khi sấy, mủ có hiện tượng sẩm màu, nhất là ở phần đáy của bành mủ.

Ảnh: Tùng Châu
Ảnh: Tùng Châu

3. Khắc phục.

Để giảm sẩm màu, cần giảm bọt ở hồ cốm bằng cách: – Thay hồ cốm 3 ngăn bằng hồ cốm thẳng để dễ dàng trong việc tách bọt serum ra khỏi hồ cốm. – Dùng tia nước đẩy bọt ra ngoài: lắp vòi xịt nước trên hồ cốm đẩy bọt ra ngoài hồ cốm qua miệng hồ cốm. Chú ý: không dùng vòi xịt nước hạ bọt serum trong hồ cốm. Đặc biệt, không được áp dụng các biện pháp như dùng dầu cao su để hạ bọt serum và phun nước sau sàn rung để cải thiện màu.

II. CHẾ BIẾN MỦ SVR 10, 20:

1.Hiện trạng

Hiện nay, sản phẩm SVR 10, 20 bị rớt hạng thường là do 2 chỉ tiêu tạp chất và chỉ số PRI (Plasticity Retention Index- Chỉ số duy trì độ dẻo). Đây là 2 chỉ tiêu quan trọng trong chất lượng sản phẩm SVR 10, 20 và thường được khách hàng quan tâm.

2. Nguyên nhân

a. Tạp chất: Phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ gia công cơ học. Đặc biệt, việc phân loại và kiểm soát nguyên liệu đầu vào là yếu tố quan trọng.

b. Chỉ số PRI: Chịu ảnh hưởng phần lớn bởi phương pháp đông tụ, quá trình sấy và quá trình lưu trữ.

Quá trình sấy: Khi sấy, cao su sẽ diễn ra 2 phản ứng nối mạch (liên kết ngang) các chuỗi cao su và quá trình oxy hóa. Nhiệt độ sấy cao và thời gian ngắn không ảnh hưởng đến PRI. Ngược lại, nhiệt độ cao và thời gian dài sẽ làm giảm PRI.

– Quá trình lưu trữ: Lưu trữ nguyên liệu mủ đông sẽ làm tăng Vr và quá trình oxy hoá, vì vậy ảnh hưởng đến PRI. Đặc biệt, nếu lưu trữ ngoài nắng, nguyên liệu bị ánh nắng trực tiếp sẽ lão hoá nhanh, do đó, nếu lưu trữ ngoài trời cần phun nước (lưu trữ ướt để hạn chế quá trình oxy hóa.

3.Khắc phục

Để làm tăng chỉ tiêu PRI, có các biện pháp sau:
– Cán sơ bộ (vắt nước): nguyên liệu được cán sơ bộ và lưu trữ trong khu vực có mái che, không phun nước (lưu trữ khô). Quá trình này làm đồng nhất nguyên liệu về trạng thái lưu trữ, hạn chế quá trình lên mẹn và góp phần ổn định PRI. Chú ý, trong quá trình lưu trữ cần đảo trộn nguyên liệu để tăng sự khô đồng đều của nguyên liệu.

– Cải thiện chỉ tiêu PRI bằng xử lý hóa chất: các acid như acid phosphoric, acid oxalic, acid thiuorea được dùng để cải thiện chỉ tiêu PRI. Trong đó, acid phosphoric được dùng phổ biến nhất bằng cách ngâm hoặc phun bề mặt.

Phương pháp đề nghị: + Cho acid phosphoric vào hồ Shredder 1 với tỷ lệ 0,5% để ngâm. + Phun acid phosphoric tỷ lệ 0,5% vào trolley trước khi sấy.

P.V (Nguồn: Ban Công nghiệp VRG)
(xem tiếp kỳ sau)